Thực phẩm chứa Phenylalanine có an toàn hay không?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Phenylalanine là gì?

Phenylalanine có bản chất là một axit amin và được coi là “khối xây dựng” của protein trong cơ thể. Chúng có 3 dạng cơ bản: D-phenylalanine, L-phenylalanine, và dạng hỗn hợp được gọi là DL- phenylalanine.

Ở dạng D- phenylalanine, nó không được coi là một loại axit amin thiết yếu và vai trò của nó trong các hoạt động của cơ thể vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Phenylalanine ở dạng này cũng được sử dụng trong một số dụng cụ y tế.

Ở dạng L- phenylalanine, chất này được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau. Lúc này, phenylalanine được coi là một axit amin thiết yếu, có tác dụng sản xuất protein trong cơ thể. Dạng L là dạng duy nhất được tìm thấy trong protein, và chúng có trong các nguồn thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, phô mai.

Bên cạnh việc giúp cơ thể sản xuất protein, phenylalanine được sử dụng để tạo ra các phân tử quan trọng khác trong cơ thể, và một trong số đó là việc gửi tín hiệu giữa các bộ phận khác nhau.

Nhìn chung, phenylalanine không phải là mối lo ngại về sức khỏe đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, đối với những người mắc chứng rối loạn di truyền phenylketonuria (phenylketon niệu – PKU) hoặc một số vấn đề sức khỏe khác thì phenylalanin có thể là một yếu tố thận trọng, cần xem xét đặc biệt.

Tác dụng của Phenylalanine

Phenylalanine có rất nhiều tác dụng khác nhau, và chúng cùng với các axit amin thiết yếu khác tổng hợp protein cho cơ thể. Ngoài ra, phenylalanine còn rất quan trọng trong các quy trình khác như tổng hợp Tyrosine, tổng hợp Dopamine, tổng hợp Epinephrine – Norepinephrine,… Đây là các phân tử quan trọng của cơ thể, đặc biệt trong các bệnh lý tâm thần như trầm cảm. Một số tác dụng khác cũng có thể ghi nhận của phenylalanine như giảm đau, cai nghiện…

Tác dụng phụ của Phenylalanine

Với bản chất là axit amin có nhiều trong thực phẩm, phenylalanine không gây hại cho người khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc dư thừa chất này sẽ gây nên một số vấn đề nghiêm trọng trong một số trường hợp đặc biệt.

Đối với phụ nữ mang thai, nồng độ Phenylalanine cao có liên quan đến khả năng gia tăng dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Với những người mắc chứng rối loạn chuyển hóa axit amin phenylketon niệu (PKU), đây được coi là một chất nguy hại. Những người mắc chứng PKU nếu tiêu thụ các sản phẩm có phenylalanin có thể gặp phải tình trạng tăng huyết áp, chậm phát triển trí tuệ, tổn thương não, co giật, đột quỵ hay các vấn đề khác. Thông thường, người mắc chứng PKU phải duy trì một chế độ ăn riêng biệt, giảm mức protein và duy trì trong thời gian dài.

Một số trường hợp lưu ý đặc biệt khác có thể kể đến như:

– Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như các chất ức chế monoamine oxidase, thuốc an thần kinh hoặc thuốc có chứa levodopa

– Bị rối loạn vận động cơ dạng rối loạn vận động chậm

– Bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu hoặc tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Trong các trường hợp này, tiêu thụ các sản phẩm có chứa phenylalanin có thể làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng và bồn chồn.

Các nguồn thực phẩm chứa phenylalanin

Phenylalanin chứa nhiều trong các thực phẩm hàng ngày, như các sản phẩm từ thực vật giàu protein (đậu nành, các loại hạt bí…). Trong các sản phẩm động vật, phenylalanin có nhiều trong trứng, sữa, một số loại thịt.

Các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame được thêm vào nhiều loại thuốc, thực phẩm ăn kiêng hay nước soda ăn kiêng có chứa phenylalanine. Do vậy, những người gặp phải chứng PKU cũng cần tránh sử dụng các loại thực phẩm này.

Tổng kết

Phenylalanin là một axit amin có nhiều trong thực phẩm, có công dụng quan trọng trong nhiều khía cạnh của cơ thể. Tất nhiên, nó hoàn toàn an toàn và nếu bạn không gặp phải chứng rối loạn chuyển hóa phenylketon niệu (PKU), bạn có thể không cần phải lo lắng về nó. Trong các trường hợp nhất định, việc sử dụng các sản phẩm có chứa phenylalanin cần có sự quan tâm đặc biệt.

Một số thực phẩm chứa phenylalanin như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, động vật hay các sản phẩm đường thay thế dành cho ăn kiêng có thể gây ra sự gia tăng nhanh chóng nồng độ phenylalanin trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Do đó, hãy sử dụng các sản phẩm này một cách thận trọng. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ khám dinh dưỡng uy tín. Việc xét nghiệm máu để xác định xem bạn có bị PKU hay không sẽ rất hữu ích, và thậm chí còn được coi như một phần của sàng lọc sơ sinh.

BS. Lê Minh Khánh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Tổng hợp



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY