Tìm hiểu về Prolactin và nuôi con bằng sữa mẹ

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Prolactin là một trong số các hormone đóng một vai trò quan trọng trong việc mang thai và cho con bú bên cạnh các hormone khác như oxytocin, estrogen và progesterone. Prolactin được tạo ra ở tuyến yên. Prolactin được tìm thấy ở cả nam và nữ giới, với nhiều vai trò trong cơ thể nhưng prolactin được biết đến với vai trò chính là một loại hormone tham gia sản xuất sữa mẹ.

Trong cơ thể luôn tồn tại một lượng prolactin nhất định, hàm lượng của nó tăng lên đáng kể trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú, đóng vai trò trong việc ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa mẹ cũng như kinh nguyệt và khả năng sinh sản.

Prolactin là gì?

Cái tên prolactin xuất phát từ vai trò chính của hormone này trong việc tiết sữa, nhưng prolactin cũng đóng những vai trò quan trọng trong hệ sinh sản, bao gồm tác động đến việc sản xuất hormone giới tính (bao gồm testosterone), hành vi và hệ thống miễn dịch ở cả phụ nữ và nam giới. Nếu cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít prolactin, các hệ cơ quan ày có thể bị ảnh hưởng xấu, gây ra những ảnh hưởng đến kinh nguyệt và khả năng sinh sản ở cả nam và nữ.

Prolactin và vai trò tiết sữa

Prolactin hoạt động theo nhiều cách quan trọng khác nhau từ khi mang thai cho đến khi cho con bú.

Trong thai kỳ

Trong thời kỳ mang thai , prolactin có vai trò giúp chuẩn bị bắt đầu cho quá trình sản xuất sữa mẹ tại vú. Tuy nhiên, mức độ cao của estrogen và progesterone được sản xuất bởi nhau thai ngăn cản prolactin không  tạo ra một lượng sữa mẹ quá nhiều trong giai đoạn này.

Sau khi sinh

Khi bạn sinh con và nhau thai rời khỏi cơ thể, nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống và mức prolactin tăng lên, báo hiệu cho các tuyến tạo sữa trong vú để tạo ra sữa mẹ.

Những ngày đầu tiên sau sinh

Sự gia tăng prolactin sau khi sinh là tín hiệu bắt đầu của quá trình sản xuất sữa, nhưng nó không đủ để duy trì việc sản xuất sữa mẹ. Để tiếp tục tạo sữa mẹ, bạn cần cho trẻ bú trực tiếp hoặc hút sữa thường xuyên. Trong vài ngày đầu sau sinh, prolactin chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất sữa, người mẹ sẽ cảm thấy ngực căng và tiết sữa non cũng như hình thành sữa chuyển tiếp cho trẻ bú.

Khi con bạn bú sữa mẹ hoặc khi bạn hút sữa, các dây thần kinh trong vú sẽ gửi tín hiệu đến não để giải phóng các hormone oxytocin và prolactin. Prolactin truyền tín hiệu đến các tuyến sữa để kích thích tạo ra nhiều sữa mẹ hơn và oxytocin chịu trách nhiệm đưa sữa mẹ từ bầu ngực của bạn đến với đứa trẻ. Khi người mẹ duy trì việc cho con bú (hoặc hút sữa) thường xuyên, cơ thể sẽ tiếp tục tiết ra prolactin để tạo sữa cho trẻ bú.

Nếu bạn không cho con bú

Mức độ prolactin trong cơ thể tăng cao khi mang thai và ngay sau khi sinh. Nhưng vì cơ thể bạn tiết ra prolactin để đáp ứng với sự kích thích ở vú, nên nếu bạn không cho con bú hoặc hút sữa mẹ, mức prolactin của bạn sẽ bắt đầu giảm xuống. Trong vài tuần đầu sau sinh, bạn vẫn sẽ sản xuất sữa mẹ và có thể bị căng sữa ngay cả khi bạn quyết định không muốn cho con bú hoặc hút sữa. Tuy nhiên, trong trường hợp không cho con bú hoặc không hút sữa, việc sản xuất sữa mẹ sẽ chậm lại và cuối cùng ngừng lại.

Prolactin ảnh hưởn đến nguồn cung cấp sữa mẹ như thế nào?

Như đã nói ở trên, mức prolactin lành mạnh là rất quan trọng để duy trì nguồn sữa mẹ của bạn. Tương tự, mức prolactin giảm xuống có thể làm giảm nguồn sữa.

Nguyên nhân làm giảm Prolactin

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ prolactin trong cơ thể bạn. Nguyên nhân làm giảm nồng độ prolactin ở các bà mẹ đang cho con bú bao gồm:

– Sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen: Khi có sự thay đổi trong sự cân bằng của estrogen và prolactin sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Thuốc tránh thai có chứa estrogen được biết là nguyên nhân làm giảm sản xuất sữa .

– Phẫu thuật vú: Phẫu thuật vú được  thực hiện gần quầng vú hoặc núm vú có thể gây tổn thương các dây thần kinh báo hiệu não giải phóng prolactin.

– Trầm cảm: Mức prolactin thấp hơn ở những bà mẹ bị trầm cảm.

– Cho trẻ bú bình quá sớm: Việc cho trẻ bú bình trong những tuần đầu sau sinh làm giảm một số kích thích mà mẹ có thể nhận được từ việ trẻ bú trực tiếp. Bạn càng cho con bú trực tiếp nhiều, bạn càng sản xuất nhiều prolactin hơn. Khi trẻ bú bình nhiều và ít bú trực tiếp sẽ làm giảm các kích thích trực tiếp và giảm lượng sản xuất prolactin.

– Kem làm tê: Bạn không được sử dụng kem làm tê để điều trị núm vú bị đau. Điều đó không chỉ có thể làm tê miệng trẻ mà còn có thể làm tê các dây thần kinh ở vú. Nếu các dây thần kinh không thể gửi tín hiệu đến não, prolactin sẽ không được giải phóng.

– Béo phì :  Thừa cân (hoặc suy dinh dưỡng) có thể làm giảm mức prolactin của người mẹ.

– Hút thuốc : Hút thuốc  có thể dẫn đến giảm mức prolactin.

– Uống sữa công thức Nếu bạn bổ sung sữa công thức cho trẻ hoặc cho trẻ uống nước giữa các lần bú sẽ làm giảm lượng bú mẹ của trẻ và cơ thể sẽ tự hiểu để điều tiế giảm lượng prolactin.

Các cách để tăng mức Prolactin

Cách tốt nhất để nâng cao mức prolactin của bạn là cho con bú hoặc hút sữa thường xuyên. Khi trẻ được sinh ra, bạn nên cho con bú hoặc hút sữa ít nhất hai đến ba giờ một lần theo cữ cả ngày và đêm. Bạn càng kích thích ngực thường xuyên, não của bạn càng tiết ra nhiều prolactin hơn. Ngoài ra còn có một số loại thảo mộc , thực phẩm và thuốc mà bạn có thể thử để giúp tăng mức prolactin của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ tăng mức prolactin thôi là không đủ để tạo ra nguồn cung cấp sữa mẹ dồi dào cho trẻ. Việc kích thích bầu vú và cho trẻ bú mẹ cũng quan trọng không kém.

Nguyên nhân khiến sữa mẹ bị giảm

Prolactin và kinh nguyệt

Khi bạn đang cho con bú, nồng độ prolactin tăng cao và mức estrogen giảm thấp. Nồng độ giữa các hormone này giữ cho nguồn sữa mẹ tăng lên và làm mất kinh nguyệt. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, sẽ làm chậm kỳ kinh nguyệt trong nhiều tháng.

Nếu bạn không cho con bú, hoặc kết hợp việc cho con bú sữa mẹ và bú sữa công thức, lượng hormone sẽ thay đổi, prolactin giảm và estrogen tăng lên. Vì vậy, trong trường hợp không cho con bú hoàn toàn các bà mẹ có thể thấy kinh nguyệt trở lại sớm nhất là sáu tuần sau khi sinh em bé.

Khi kinh nguyệt của bạn trở lại, làm lượng estrogen tăng nhiều hơn và lượng prolactin sẽ giảm có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa mẹ. Đôi khi, nguồn cung sữa mẹ sụt giảm trong kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các biện pháp để thúc đẩy nguồn sữa mẹ bằng cách như cho con bú hoặc hút sữa thường xuyên hơn.

Prolactin và khả năng sinh sản

Cho con bú mẹ hoàn toàn giúp duy trì ổn định lượng prolactin luôn ở mức cao. Nồng độ prolactin tăng cao ngăn cản buồng trứng rụng hoặc phóng thích trứng. Vì vậy, nếu bạn cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sau khi sinh thì khả năng rụng trứng hoặc mang thai là rất khó xảy ra. Đây là một phương pháp tránh thai trong thời kỳ cho con bú (LAM) dựa trên sinh lý về nồng độ prolactin cao trong cơ thể và mang lại hiệu quả đến hơn 98% khi tuân thủ đúng cách.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, một khi bạn không còn cho con bú hoàn toàn nữa, mức prolactin của bạn sẽ bắt đầu giảm xuống. Sau đó, khả năng sinh sản của bạn sẽ bắt đầu trở lại và khả năng mang thai trở lại nếu bạn có sinh hoạt tình dục. Tương tự như vậy, prolactin có thể cản trở khả năng mang thai trở lại nếu bạn vẫn đang cho con bú hoặc bạn đã cai sữa cho con nhưng vẫn sản xuất sữa mẹ, đặc biệt nếu bạn chưa thấy kinh trở lại. Vì vậy, nếu bạn đã sẵn sàng để mang thai lại nhưng lại gặp khó khăn trong việc thụ thai, hãy nói chuyện với bác sĩ để có thể làm các xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ prolactin của cơ thể.

Nếu bạn đang mang bầu & cho con bú và muốn được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, hãy liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM qua Hotline 0935.18.3939 để được tư vấn Gói khám Dinh dưỡng cho mẹ bầu nhé!

BS. Nguyễn Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Tổng hợp từ Verywell Family



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY