Bệnh thận mạn hay suy thận mạn ở trẻ nhỏ dễ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối và chỉ có phương pháp điều trị thay thế thận là ghép thận và lọc máu mới giúp trẻ duy trì sự sống. Bên cạnh việc duy trì chức năng thận, việc thận không hoạt động bình thường còn ảnh hưởng đến các hoạt động chung của cơ thể, bao gồm cả chế độ ăn uống làm sao để vẫn duy trì sức khỏe ổn định cho trẻ.
Trẻ nhỏ mắc bệnh thận mạn tính cần lưu ý ăn uống thế nào?
Tại sao dinh dưỡng lại quan trọng đối với trẻ bị bệnh thận mạn tính?
Thận khỏe mạnh mang lại khả năng hoạt động ổn định và đầy đủ chức năng cho cơ thể. Một trong những yếu tố căn bản của thận là cân bằng muối và khoáng chất – chẳng hạn như canxi, phốt pho, natri và kali – trong máu. Khi trẻ bị bệnh thận, thận bị tổn thương và không thể lọc máu theo cách bình thường. Những gì trẻ ăn và uống có thể giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh của muối và khoáng chất trong cơ thể của trẻ.
Một điểm đặc biệt là suy dinh dưỡng rất hay gặp phải ở bệnh thận mạn. Nguyên nhân là do ăn không đủ (chán ăn, buồn nôn, ói mửa…); do rối loạn chuyển hóa (hạn chế protein quá mức); rối loạn hormone, toan chuyển hóa hay nhiễm độc các chất thải… Do vậy, chế độ dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng đối với giai đoạn này.
Năng lượng là vô cùng quan trọng
Thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể trẻ cần thiết để hoạt động và phát triển. Trẻ mắc bệnh thận mạn có xu hướng tránh ăn, kém ăn do bản thân không cảm thấy đói.
Bản thân nhu cầu calo của trẻ thay đổi theo từng độ tuổi, tùy thuộc vào chiều cao và cân nặng. Để đảm bảo trẻ phát triển bình thường, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định nhu cầu chính xác của trẻ dựa trên so sánh chiều cao, cân nặng với biểu đồ tăng trưởng theo từng độ tuổi. Nếu trẻ thiếu hụt calo, việc bổ sung calo cho trẻ là hoàn toàn cần thiết.
Hiểu rõ về protein là điều cần thiết
Protein là một phần vô cùng quan trọng của bất kỳ chế độ ăn nào. Khi cơ thể sử dụng protein, chất thải của quá trình này được đào thải qua lọc máu tại thận. Quá nhiều protein có thể dẫn đến gây tích tụ chất thải trong máu.
Tuy nhiên, ở trẻ mắc bệnh thận mạn, việc quá ít protein trong chế đọ ăn có thể khiến trẻ không phát triển bình thường và thiếu đi các dưỡng chất quan trọng. Mục đích chính cần phải đảm bảo là đủ chất đạm để phát triển, nhưng tránh việc dư thừa.
– Các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phomai, sữa tươi…)
– Trứng
– Cá
– Thịt (thịt lợn, bò, gà, vịt…)
Các nguồn protein thực vật bao gồm:
– Đậu (đậu lăng, đậu hà lan, đậu tương…)
– Các loại hạt và bơ thực vật (bơ hạnh nhân, bơ đậu phộng, bơ đậu nành…)
– Thực phẩm từ đậu nành (sữa đậu nành, đậu phụ…)
Các thực phẩm ít protein: bánh mì, bột yến mạch, ngũ cốc, mì, cơm,…
Đặc biệt với các trẻ đang trong giai đoạn chạy thận nhân tạo, cần ăn nhiều protein hơn vì quá trình lọc máu sẽ loại bỏ protein khỏi máu. Nhìn chung, hãy tham khảo chuyên gia dinh dưỡng cụ thể, chi tiết để có chế độ cung cấp protein chính xác cho trẻ.
Natri là yếu tố không thể bỏ qua
Natri là thành phần của muối. Trẻ bị bệnh thận mạn có nhu cầu natri khác nhau. Việc quá ít natri có thể dẫn đến mất nước và khiến tăng cân kém. Quá dư thừa natri có thể dẫn đến tăng huyết áp. Do vậy, chế độ ăn cần kiểm soát natri chính xác.
– Trái cây tươi và rau quả
– Thịt chưa chế biến thay vì chế biến sẵn
– Tự nấu từ đầu thay vì mua sẵn
– Sử dụng gia vị, thảo mộc thay vì muối
– Tìm kiếm các sản phẩm có nhãn “giảm muối” hoặc “không muối”
– Bỏ bớt muối trong các thực phẩm đóng sẵn bằng cách xả qua nước hay rửa
Kali – yếu tố ảnh hưởng đến tim mạch
Ở trẻ bị bệnh thận mạn, thận hoạt động kém trong việc loại bỏ kali khỏi máu, và nồng độ kali trong máu có thể trở nên rất cao. Quá ít hoặc quá nhiều kali có thể gây ra các vấn đề về tim và cơ, đặc biệt nguy hiểm khi tình trạng tăng và hạ kali máu đột ngột. Trẻ bị bệnh thận mạn nên được kiểm tra máu thường xuyên để đảm bảo nồng độ kali máu luôn ở mức bình thường. Lựa chọn thức ăn và đồ uống của cho trẻ có thể ảnh hưởng đến mức độ kali. Hãy tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Khi cần yêu cầu cắt giảm lượng kali trong chế độ ăn uống của trẻ, bạn có thể thực hiện bằng cách:
– Tránh trái cây và rau quả có hàm lượng kali cao
– Theo dõi kích thước khẩu trái cây và rau quả có lượng kali vừa phải trẻ ăn hàng ngày
– Kiểm tra đều đặn và nói chuyện với bác sĩ về việc sử dụng các chất thay thế muối, vì những lựa chọn giảm muối (giảm Natri) có thể được bù đắp bằng kali và dẫn tới lượng kali rất cao.
Photpho ảnh hưởng đến xương
Photpho có thể tích tụ trong máu của trẻ bị bệnh thận mạn do không được lọc thường xuyên. Quá nhiều photpho có thể làm suy yếu xương của trẻ.
Photpho được tìm thấy tự nhiên trong các loại thực phẩm giàu protein và cũng được thêm vào nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Việc photpho được thêm vào thực phẩm có thể làm hàm lượng chất này trong máu tăng cao. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp tìm ra cách để xây dựng thực đơn có đủ lượng protein cần thiết mà không bị quá nhiều photpho.
Vitamin và khoáng chất
Trẻ bị bệnh thận mạn có thể không cung cấp đủ một số vitamin và khoáng chất vì chế độ ăn phải hạn chế một số loại thực phẩm nhất định, hoặc bản thân trẻ không ăn hay chán ăn do hậu quả của bệnh thận mạn. Đặc biệt với những trẻ trong quá trình lọc máu, các vitamin tan trong nước có thể bị mất rất nhiều.
Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để kê đơn bổ sung vitamin và khoáng chất được thiết kế đặc biệt cho trẻ bị suy thận. Lưu ý: không bao giờ cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất có thể sẵn ở cửa hàng. Những sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất này có thể gây hại với tình trạng suy thận sẵn có. Vì lý do an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ kỹ càng trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại sản phẩm nào.
Uống đủ nước
Trong giai đoạn đầu của bệnh thận, thận bị tổn thương có thể tạo ra quá nhiều hoặc quá ít nước tiểu. Khi thận tạo ra quá ít nước tiểu, tình trạng tăng huyết áp hoặc sưng phù ở mặt, chân, tay hoặc bụng có thể xuất hiện. Nếu thận tạo ra quá nhiều nước tiểu, trẻ có thể bị mất nước. Do vậy, việc đo lường lượng nước tiểu của trẻ hàng ngày là rất cần thiết, bên cạnh việc quan sát các dấu hiệu mất nước hay phù.
Nếu trẻ đang trong giai đoạn chạy thận nhân tạo, quá nhiều chất lỏng có thể tích tụ giữa các lần lọc máu. Số lượng nước trẻ uống thường liên quan đến lượng natri mà trẻ ăn hàng ngày. Do vậy, tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát lượng nước hàng ngày tương xứng và cân đối với lượng natri cũng như các thành phần khác trong cơ thể.
Làm thế nào để giúp con trẻ có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
BS. Lê Minh Khánh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Theo National Institued of Health