Virus RSV ở trẻ nhỏ nguy hiểm thế nào?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Virus hợp bào hô hấp là gì?

Virus hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp (như viêm tiểu phế quản) thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Hầu hết trẻ em đều có khả năng nhiễm loại virus  này ở độ tuổi từ 2-3 tuổi trong mùa dịch RSV là từ tháng 11 đến tháng 4, khi virus hoạt động mạnh nhất. Trong đa số các trường hợp, trẻ sẽ chỉ bị nhiễm trùng nhẹ và không cần thiết phải can thiệp y tế.

RSV có thể lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp từ:

  • Dịch tiết mũi, họng của người bệnh
  • Những mô vết thương hở, bề mặt hở, quần áo và đồ chơi của người bệnh
  • Tay của người bệnh chưa được rửa sạch

RSV có thể tồn tại trên bề mặt của các đồ vật cứng tới hơn 6 tiếng. Nó cũng có thể sống trên quần áo và trên bàn tay cho tới 1 giờ. Một người sau khi bị nhiễm virus có thể sau 2-8 ngày mới biểu hiện triệu chứng.

Các triệu chứng của nhiễm RSV:

  • Ho
  • Sổ mũi
  • Sốt
  • Thở khò khè

Do các triệu chứng trên khá phổ biến nên nhiễm RSV rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Trong hầu hết trường hợp, bạn có thể chăm sóc trẻ bị nhiễm RSV tại nhà miễn là trẻ vẫn có thể hô hấp bình thường, da trẻ không bị xanh tái và trẻ vẫn uống nước và đi tiểu bình thường. Bệnh thường kéo dài trong khoảng vài ngày. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, nhiễm RSV không phải là căn bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý để tránh lây nhiễm virus cho trẻ em.

Khi nào nhiễm RSV là nguy hiểm

Tìm hiểu về virus rsv (virus hợp bào hô hấp) gây viêm phổi ở trẻ | Vinmec

Một số trẻ nhỏ có thể bị nhiễm RSV dạng nặng như viêm phổi hay viêm tiểu phế quản. Trong trường hợp này, trẻ cần được đi khám ngay lập tức.

Con bạn sẽ có nguy cơ cao nếu:

  • Trẻ sinh thiếu tháng (trước tuần 33 thai kỳ) và bị nhiễm virus khi dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ dưới 2 tuổi đang mắc một số căn bệnh về phổi, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng Down hay gặp một số vấn đề về miễn dịch.

Phòng tránh nhiễm RSV

Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh nhiễm trùng.

Bạn có thể giúp phòng tránh sự lây lan của virus RSV bằng các biện pháp sau:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hay sử dụng dung dịch tiệt khuẩn có chứa cồn trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
  • Che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy và vứt vào thùng rác kín sau khi sử dụng.
  • Tránh hôn hay tiếp xúc gần với trẻ khi bạn không được khỏe.
  • Không tiếp xúc với trẻ sinh non đang được chăm sóc trong bệnh viện nếu bạn bị ho, hắt hơi, sổ mũi hay sốt.
  • Hạn chế cho trẻ lại gần các đám đông và những người đang có những triệu chứng kể trên, đặc biệt trong mùa dịch RSV.
  • Làm sạch các bề mặt mà mọi thành viên thường tiếp xúc trong nhà, tiến hành thường xuyên hơn trong mùa dịch.

Những trẻ em có nguy cơ cao nhiễm RSV cần được sử dụng thuốc trong mùa dịch

Một người bình thường có khả năng bị nhiễm RSV nhiều lần trong đời. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh cho cộng đồng. Tuy nhiên một loại thuốc có thể giúp dự phòng trường hợp nhiễm RSV trở nên nghiêm trọng hơn và có thể được sử dụng cho đối tượng trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị nhiễm RSV (nếu có chỉ định của bác sỹ) đó là palivizumab(biệt dược là Synagis).

Trường hợp này gọi là dự phòng RSV. Thuốc được sử dụng dưới dạng tiêm bắp, thuốc này không ảnh hưởng gì đến các loại vaccine khác mà trẻ sử dụng. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm tăng lượng kháng thể chống lại virus RSV, làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một liều palivizumab có tác dụng kéo dài khoảng 30 ngày. Như vậy, mỗi tháng trẻ sẽ cần tiêm một mũi thuốc cho tới hết mùa dịch. Nếu bạn bỏ qua mũi tiêm tiếp theo, trẻ sẽ không được bảo vệ khỏi virus và có thể bị nhiễm bệnh.

Các tác dụng phụ tương đối hiếm gặp

Tác dụng phụ phổ biến nhất của palivizumab đó là sốt, phát ban, sưng đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng dị ứng nặng hiếm khi xảy ra. Hãy hỏi bác sỹ để biết được các thông tin khác về thuốc.

Điều trị khi trẻ bị nhiễm RSV

Khi trẻ đã bị nhiễm bệnh do virus RSV, biện pháp điều trị chủ yếu là giảm nhẹ các triệu chứng. Lưu ý không sử dụng kháng sinh vì kháng sinh không hề có tác dụng gì đối với virus.

Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.

TS.BS Trương Hồng Sơn

Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Tổng hợp từ Aboutkidshealth



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY