Hướng dẫn cân đo

HƯỚNG DẪN

CÂN ĐO CHIỀU CAO VÀ CÂN NẶNG

  1. HƯỚNG DẪN ĐO CHIỀU DÀI NẰM

Dụng cụ:

Sử dụng thước đo chiều dài nằm cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Thước phải có 2 rãnh thước đo ở hai bên với vạch chia tối thiểu 0,1 cm.

Vị trí đặt thước:

Đặt thước trên mặt phẳng nằm ngang, vững chắc (trên mặt bàn hoặc sàn nhà…)

Thao tác đo:

  1. Tháo bỏ giầy dép, quần áo hay thứ gì có thể làm ảnh hưởng đến việc đo chiều dài.
  2. Đặt trẻ nằm thẳng trên ván của thước đo, trục cơ thể trùng với trục của thước.
  3. Người trợ giúp: hai tay áp hai tai để giữ trẻ nhìn thẳng lên trần nhà (vuông góc với mặt thước), đầu chạm đế thước, hai tay trẻ duỗi tự do.
  4. Người đo: một tay giữ thẳng đầu gối của trẻ sao cho hai đầu gối thẳng, 2 gót chân chạm nhau, đảm bảo 5 điểm chạm: gót chân, bụng chân, mông, vai và đầu (xương chẩm). Một tay áp thanh chạy vào lòng bàn chân trẻ sao cho lòng bàn chân thẳng đứng, vuông góc với mặt thước.
  5. Đọc kết quả và ghi số cm với một số lẻ thập phân (ví dụ: 89,5 cm)
  6. Giúp trẻ ngồi dậy, quá trình đo kết thúc.
  1. HƯỚNG DẪN ĐO CHIỀU CAO ĐỨNG

Dụng cụ:

Sử dụng thước đo chiều cao đứng (thước gỗ hoặc thước Microtoise…) cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn. Thước phải có vạch chia tối thiểu 0,1 cm.

Vị trí đặt thước:

  1. Đặt thước đo trên mặt phẳng cứng, tựa vào tường, cần đảm bảo thước đứng vững, vuông góc với mặt đất nằm ngang.
  2. Đối với thước Microtoise, thước phải được đóng chắc chắn trên một mặt phẳng thẳng đứng và phải đảm bảo khi kéo thước thẳng từ trên xuống mặt đất, vạch đỏ trên thước chỉ số 0.

Thao tác đo:

  1. Tháo bỏ giầy dép, mũ nón, cặp tóc hay bất cứ thứ gì trên đầu làm ảnh hưởng đến việc đo chiều cao.
  2. Trẻ/người lớn đứng quay lưng vào thước đo, 2 gót chân chạm sát vào nhau tạo hình chữ V.
  3. Đảm bảo 5 điểm chạm cơ thể vào mặt phẳng của thước: gót chân, bụng chân, mông, vai và đầu (xương chẩm).
  4. Mắt nhìn thẳng về phía trước theo đường nằm ngang song song với mặt đất, hai tay và vai buông xuôi tự nhiên.
  5. Người trợ giúp: tay trái giữ gối, tay phải giữ cổ chân sao cho gót chân sát vào mặt sau của thước.
  6. Người đo chính: tay trái giữ đầu sao cho đầu thẳng và sát mặt thước, tay phải dùng thanh chặn áp sát đỉnh đầu.
  7. Đọc và ghi nhận kết quả với một số lẻ thập phân (ví dụ: 120,4 cm).
  8. Bỏ tay ra khỏi cằm và giúp trẻ/người lớn bước ra khỏi thước, quá trình đo kết thúc.

III. HƯỚNG DẪN CÁCH CÂN CHO TRẺ

Dụng cụ:

Tùy điều kiện, có thể chọn một trong các loại cân khác nhau như: cân điện tử, cân lòng máng, cân treo, cân đòn, cần đồng hồ…

Cân phải nhạy, cần có độ chia tối thiếu 0,1 kg.

Vị trí đặt cân:

  • Đặt cân ở nơi bằng phẳng, thoáng mát, đảm bảo chiều sáng tốt. Không đặt trên thảm hoặc chiếu, nơi có độ ẩm cao, nơi nước có thể bắn vào, nơi có ánh nắng chiều trực tiếp, dưới điều hòa không khí hoặc gần lửa.
  • Nếu là cân bàn: Đặt cân ở nơi bằng phẳng, chắc chắn, thuận tiện cho đối tượng bước lên bước xuống.
  • Cân treo đồng hồ, cân đòn treo: Treo cân ở vị trí chắc chắn (ví dụ như xà nhà), mặt cân ngang tầm mắt của người đo, dây treo bền, chắc; nếu là cân đòn treo thì cần có dây bảo vệ quả cân.

Thao tác đo:

  • Chỉnh cân về số 0 hoặc vị trí thăng bằng sau mỗi lần cân.
  • Kiểm chuẩn độ chính xác của cân với một vật chuẩn đã được xác định trọng lượng sau một số lần cân trước đó.
  • Nên cân vào một thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy, sau khi đi đại tiểu tiện và chưa ăn gì. Hoặc ít nhất nên cân trước bữa ăn và trước giờ lao động.
  • Đối tượng mặc quần áo đơn giản, thảo bỏ giày dép, mũ nón và các vật nặng khác trên người ảnh hưởng đến chỉ số cân nặng.
  • Đứng vào giữa cân, mắt nhìn thẳng, không cử động (cân điện tử, cân bàn). Với trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, đặt trẻ nằm ngửa hoặc ngồi giữa lòng máng hoặc thúng cân (cân lòng máng, cân bàn đồng hồ) hoặc treo lên quang cân, túi cân, tã cân (cân treo đồng hồ).
  • Đọc và ghi nhận kết quả theo kg với một số lẻ thập phân. Ví dụ: 10,6 kg.

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY