Trong những tháng ngày đầu đời của trẻ, chắc hẳn các bố mẹ cũng rất mong ngóng đến ngày được cho con nếm thử những loại thức ăn khác nhau. Và mật ong là một trong những loại thực phẩm bố mẹ sẽ nghĩ là một lựa chọn tốt khi con bắt đầu làm quen với thức ăn nhờ vào vị ngọt thanh tự nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ chỉ nên cho con ăn mật ong sau khi con đã đủ 1 tuổi. Điều này bao gồm cả mật ong sản xuất hàng loạt, hay mật ong nuôi hoặc mật ong rừng nguyên chất.
Cùng đọc tiếp xuống dưới để tìm hiểu về những rủi ro, lợi ích và cách cho con tập ăn mật ong nhé!
Contents
Rủi ro
Rủi ro chính khi cho trẻ ăn mật ong từ sớm chính là ngộ độc botulism ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ cao nhất.
Trẻ có thể bị ngộ độc khi ăn phải bào tử Clostridium botulinum (một loại vi khuẩn) có trong đất, mật ong và các sản phẩm từ mật ong. Những bào tử này phát triển thành vi khuẩn trong ruột và sản sinh các độc tố thần kinh.
Botulism là một tình trạng nghiêm trọng. Khoảng 70% trẻ sơ sinh bị ngộ độc có thể cần thở máy trong trung bình 23 ngày. Thời gian nằm viện trung bình do ngộ độc là khoảng 44 ngày nhưng hầu hết các bé đều hồi phục khi điều trị. Tỷ lệ tử vong do tình trạng này là dưới 2%.
Các chất tạo ngọt dạng lỏng khác, như mật và sirô ngô, cũng có thể có nguy cơ gây ngộ độc. Sirô phong thường được coi là an toàn vì được lấy trực tiếp từ trong thân cây và không bị nhiễm khuẩn trong đất. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo không nên cho trẻ ăn ngọt trước 1 tuổi . Tốt nhất là bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa các chất tạo ngọt vào chế độ ăn của trẻ.
Triệu chứng ngộ độc botulism
Các triệu chứng phổ biến nhất của ngộ độc bao gồm:
Cơ thể yếu đi
Giảm ăn
Táo bón
Mệt mỏi
Trẻ có thể quấy khóc, khó thở hoặc khóc yếu. Một vài trường hợp có thể dẫn tới co giật. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ sau khi ăn thực phẩm và thường bắt đầu bằng táo bón. Tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh bị ngộ độc có thể không có dấu hiệu cho đến 14 ngày sau khi tiếp xúc.
Một số triệu chứng ngộ độc, như mệt mỏi, có thể dẫn đến chẩn đoán không chính xác về các tình trạng sức khỏe, như nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não. Do đó, nếu trẻ có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần cho bác sĩ biết trẻ đã ăn mật ong. Có được chẩn đoán thích hợp sẽ đảm bảo bé được điều trị thích hợp.
Lợi ích của mật ong
Mật ong rất có lợi cho trẻ vì chúng chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng trẻ có thể hấp thụ sau 12 tháng tuổi. Mật ong chứa một lượng nhỏ các chất như:
Enzyme
Acid amin
Khoáng chất
Chất chống oxy hóa
Ngoài ra, mật ong cũng chứa một lượng vừa phải vitamin B và vitamin C. Giá trị dinh dưỡng trong mật ong phụ thuộc vào từng loại mật ong khác nhau.
Mật ong có vị ngọt hơn đường thông thường. Do đó, khi sử dụng, bạn chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ hơn so với khi dùng đường để làm ngọt.
Những lợi ích khác của mật ong có thể bao gồm:
Mật ong giúp trẻ giảm ho. Tuy nhiên, không nên sử dụng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Có thể sử dụng mật ong để bôi trực tiếp lên vết thương hở. Phương pháp này cũng không nên áp dụng cho bé dưới 12 tháng.
Nếu cho trẻ ăn mật ong, bố mẹ nên chọn cho bé các loại mật ong nguyên chất chưa qua xử lý. Mật ong nguyên chất có chứa các loại vitamin tự nhiên cũng như các hợp chất tốt cho sức khỏe thường bị mất đi trong quá trình xử lý công nghiệp. Ngoài ra, hãy đọc nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm một cách cẩn thận, vì một số loại mật ong trên thị trường có thể chứa đường và các thành phần khác. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần lưu ý đến khả năng ngộ độc khi cho con dưới 1 tuổi ăn mật ong.
Đưa mật ong vào chế độ ăn của con
Để tập cho con ăn mật ong, bố mẹ có thể thử một vài cách như:
Phết mật ong lên bánh mỳ
Trộn mật ong với sữa chua
Tạo ngọt cho sinh tố bằng mật ong
Tóm lại
Mật ong có thể là một lựa chọn tốt để thêm vào chế độ ăn của trẻ, nhưng bố mẹ nên đợi đến khi con đã được 1 tuổi. Nếu con vẫn dưới 1 tuổi, bố mẹ nên tránh sử dụng mật ong, cho dù là mật ong sản xuất hàng loạt hay mật ong nguyên chất. Lưu ý đọc kĩ nhãn thực phẩm khi đi mua sắm để tránh những sản phẩm có chứa mật ong.
Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Healthline