Mùa hè đến mang theo những nguy cơ ngộ độc thực phẩm “rình rập”, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi “nảy nở”. Vậy làm sao để bảo vệ cả gia đình tận hưởng mùa hè trọn vẹn? Hãy cùng khám phá cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm đơn giản mà hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Contents
Mùa hè – mùa cao điểm của ngộ độc thực phẩm
Nắng nóng mạnh và kéo dài, độ ẩm tăng cao biến mùa hè thành “thiên đường” cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, tấn công thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản, rau củ quả, các thhuwjc phẩm, món ăn chế biến sẵn…
Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Trẻ em, người lớn tuổi và những người có sức đề kháng yếu lại càng dễ trở thành “mục tiêu” của các loại vi khuẩn gây ngộ độc.
Nguyên nhân và tác nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp
Ngộ độc thực phẩm có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Vi khuẩn: Salmonella, E. coli, Staphylococcus aureus, Clostridium botulinum… là những loại vi khuẩn thường gây ra ngộ độc trong mùa hè. Chúng có thể xâm nhập vào thực phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, từ quá trình sản xuất, chế biến đến bảo quản. Một số loại vi khuẩn có thể tiết ra độc tố làm cho ngộ độc thực phẩm càng nặng nề hơn.
- Ký sinh trùng: Giardia, Toxoplasma gondii, sán dây, sán lá… cũng là những tác nhân gây ngộ độc nghiêm trọng, thường “trú ẩn” trong thực phẩm tươi sống, rau sống chưa được rửa sạch.
- Virus: Norovirus là thủ phạm hàng đầu gây nôn mửa và tiêu chảy, thường lây lan qua tiếp xúc với người bệnh hoặc bề mặt bị nhiễm khuẩn.
- Độc tố tự nhiên: là độc tố có sẵn trong một số loại thực phẩm như cyanide trong hạt táo, hạt cherry; glycoalkaloid trong khoai tây xanh hay lectin trong đậu thận sống…
- Chất bảo quản, phụ gia: sử dụng quá liều lượng hoặc sử dụng các chất không được phép trong thực phẩm cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.
Đọc thêm bài viết: Ngộ độc thực phẩm – Mối lo ngại không thể bỏ qua vào mùa hè
10 lời khuyên vàng để bảo quản thực phẩm an toàn
Hãy áp dụng những khuyến cáo dưới đây giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngay trong ngôi nhà của mình.
- Chỉnh nhiệt độ tủ lạnh: đảm bảo nhiệt độ ngăn mát dưới 5°C, ngăn đá từ -15°C đến -18°C.
- Bảo quản nhanh chóng: đưa thực phẩm đông lạnh hoặc thực phẩm chế biến nóng về nhà ngay sau khi mua và thực hiện ngay các biện pháp bảo quản thích hợp.
- Giữ nóng thức ăn: giữ thức ăn đã chế biến ở nhiệt độ 60°C trở lên nếu không muốn ăn ngay.
- Làm lạnh siêu tốc: cho thức ăn vào tủ lạnh ngay sau khi nguội bớt, chia thành các phần nhỏ để làm lạnh nhanh hơn.
- Tách riêng thực phẩm sống và chín: thực phẩm sống và thực phẩm đã nấu chín cần được tách riêng, bảo quản trong các hộp túi riêng, các ngăn đựng riêng, sử dụng các dụng cụ chế biến riêng để tránh lây nhiễm chéo.
- Rã đông đúng cách: đảm bảo thực phẩm được rã đông hoàn toàn trước khi nấu, theo khuyến cáo đối với từng loại thực phẩm.
- Không chất đầy tủ lạnh: tủ lạnh cũng cần những khoảng không gian trống để khí lạnh có thể lưu thông một cách dễ dàng, do vậy đừng cố gắng nhét kín đầy ắp tủ lạnh.
- Bảo quản đồ ăn thừa cẩn thận: thức ăn còn lại nên chỉ sử dụng trong 3-5 ngày hoặc cấp đông ngay sau khi nấu nếu muốn bảo quản trong thời gian dài hơn. Nên gắn nhãn, ghi rõ thời gian của món ăn, với những món ăn đã bảo quản trong tủ lạnh, cần nấu kỹ lại trước khi sử dụng.
- Biết khi nào nên bỏ: không ăn thức ăn để quá 4 tiếng ngoài tủ lạnh, thức ăn đã để quá lâu trong tủ lạnh.
- Hạn chế tiếp xúc: Không chế biến thức ăn cho người khác nếu bạn đang bị ngộ độc thực phẩm hoặc đang có các nhiễm khuẩn khác.
Nhận biết dấu hiệu ngộ độc và xử lý kịp thời
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện từ 30 phút đến vài ngày sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn. Hãy chú ý những dấu hiệu sau:
- Buồn nôn, nôn;
- Đau bụng, tiêu chảy;
- Sốt;
- Đau đầu, chóng mặt hoặc lơ mơ, không tỉnh táo;
- Mệt mỏi, yếu sức;
- Co giật, khó thở (trường hợp nặng).
Nếu nghi ngờ bị ngộ độc, cần ngừng ăn uống lại các món đó, uống nhiều nước hoặc dung dịch bù nước oresol (pha đúng theo chỉ dẫn) để tránh mất nước. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Đọc thêm bài viết: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiểu đường
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bạn nên thực hiện đúng 10 lời khuyên vàng để bảo quản thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cần chú ý thực hiện đầy đủ các việc sau:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm.
- Rửa sạch thực phẩm dưới vòi nước chảy. Sau khi sơ chế, rửa sạch và sát trùng khu vực sơ chế thực phẩm.
- Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, cá, trứng và hải sản; trước ăn cần phải đậy kín, để riêng thức ăn chín và bảo quản trong tủ lạnh.
- Không để thức ăn chín tiếp xúc với thức ăn sống. Tách riêng các dụng cụ chế biến đối với thức ăn chín và sống (dao, thớt, kéo, bát, tô đựng…)
- Tránh ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc đã hết hạn sử dụng.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
TS.Bs. Trương Hồng Sơn – Viện Y học ứng dụng Việt Nam