Xét nghiệm đánh giá chức năng gan

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Tại sao phải kiểm tra chức năng gan?

Gan là cơ quan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển hóa, thải độc cùng rất nhiều chức năng khác của cơ thể. Do cơ chế bù trừ khá lớn nên những bất thường về gan ít gây ra biểu hiện sớm trên lâm sàng và vì vậy các bệnh về gan thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Tất cả các vấn đề nhiễm các chất độc hại đều ảnh hưởng tới chức năng gan, gây các dấu hiệu viêm gan, suy gan cấp, hoặc nguy hại nữa là nhiễm độc mạn tính do mỗi ngày tích tụ một chút chất độc hại và dẫn đến suy gảm chức năng gan lúc nào không hay, thậm chí dẫn đến ung thư gan.

Ai cần kiểm tra chức năng gan?

Những người trung niên vào cao tuổi, với các bộ máy  sau bao nhiêu năm tháng hoạt động, nhiều lần bị nhiễm các tác nhân độc hại tích tụ lại (rượu bia, hóa chất chất độc từ môi trường, thực phẩm, nhiễm virus, vi khuẩn), dẫn đến các vấn đề có thể xảy ra với tất cả các bộ máy cơ thể, đặc biệt là gan. Các vấn đề này cần được khám và phát hiện sớm, khám và kiểm tra định kỳ, thì chữa trị mới có hiệu quả. Tuy nhiên, những bất thường về gan chỉ có thể được phát hiện sớm khi làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, còn khi có các biểu hiên đau tức vùng gan, ăn khó tiêu, vàng da vàng mắt, sút cân…thì vấn đề thường đã trở nên trầm trọng.

Cần làm các chỉ số gì? Dưới đây là một số chỉ số đánh giá chức năng gan và ý nghĩa của nó:

– Men AST (Aspartate aminotransferase) và men ALT (Alanine aminotransferase), có mặt chủ yếu trong tế bào gan, khi chỉ số này tăng cao có nghĩa là tế bào gan bị phá vỡ, giải phóng men này vào máu. Chỉ số bình thường AST  và  ALT đều thấp hơn < 40 UI/L. Một số cơ quan khác khi tổn thương cũng có thể gây tăng nhẹ men gan.

– ALP (Phosphatase kiềm): Nguồn gốc chủ yếu của ALP là ở gan và xương. ALP tăng nhẹ và vừa (hai lần bình thường) có thể gặp trong viêm gan, xơ gan, di căn hoặc thâm nhiễm ở gan (bệnh bạch cầu, lymphoma, sarcoidosis). ALP tăng cao (3-10 lần bình thường) thường do tắc mật trong hoặc ngoài gan.

– GGT, g-GT(G-glutamyl transferase, g-glutamyl transpeptidase): Đây là xét nghiệm có ý nghĩa trong đánh giá viêm gan do rượu. Mặc dù GGT hiện diện ở nhiều cơ quan khác nhau nhưng có nồng độ cao trong tế bào biểu mô trụ của ống mật. Đây là xét nghiệm rất nhạy để đánh giá chức năng bài tiết của gan nhưng không đặc hiệu do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Bình thường GGT <30U/L ở nữ và <50U/L ở nam.

– Bilirubin huyết thanh: Bilirubin là sản phẩm chuyển hóa của hemoglobin và các enzym,  95% bilirubin được tạo ra từ sự thoái biến của hồng cầu. Chúng tan trong mỡ, gắn kết với albumin huyết tương nên không được lọc qua cầu thận. Bilirubin gồm 2 thành phần chính là bilirubin trực tiếp (TT) và gián tiếp (GT). Bình thường, bilirubin toàn phần TP là 0,8-1,2mg/dL; GT là 0,6-0,8mg/dL; TT là 0,2-0,4mg/dL.

– Ferritin: Đây là một loại protein dự trữ sắt trong tế bào. Ferritin tăng cao có thể do viêm hoại tử tế bào gan cấp hoặc mạn tính, đặc biệt trong viêm gan virus C, hoặc có thể liên quan đến bệnh huyết học, ung thư gan, thận,… Còn nếu ferritin giảm, chứng tỏ cơ thể bị thiếu máu, thiếu sắt. Bình thường, ferritin ở nam là 30 – 400 ng/mL, và ở nữ là 15 -150 ng/mL.

ThS. BS Đoàn Ngọc Hà

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY