Nên ăn low-carb hay high-carb?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Có thể bạn đã từng nghe qua về những chế độ ăn low-carb và ngược lại với nó là chế độ high-carb, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn không quá ít và không quá nhiều carbs hay còn được biết đến là chế độ ăn cân bằng carbs có thể là chìa khóa giúp bạn tăng tuổi thọ.

Carbohydrate là gì?

Carbohydrate, thường được gọi là “carbs”, là một trong ba nguồn năng lượng chính của cơ thể và là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống cân bằng.

Carbohydrate gồm 3 loại chính là đường, tinh bột và chất xơ và được phân loại dưới dạng ” đường đơn” hoặc “đường đa” dựa trên thành phần hoá học của chúng và cách cơ thể xử lí chúng. Nhưng vì thực phẩm có thể có chứa một hoặc nhiều loại carbohydrate, nên rất khó để có thể phân biệt được loại thực phẩm nào tốt hay xấu với cơ thể.

“Đường đơn”

Đường đơn dễ tiêu hóa, và là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Một số loại đường này có sẵn trong tự nhiên, chẳng hạn như trong trái cây và trong sữa, trong khi đường tinh chế thường được thêm vào bánh kẹo, bánh nướng, và soda.

Đường đơn được thêm vào thực phẩm có thể có một số tên gọi khác nhau, bao gồm đường nâu, chất làm ngọt, xi-rô ngô, fructose, glucose, maltose, xi-rô mạch nha, trehalose, sucrose, và mật ong. FDA Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả các nhãn thực phẩm phải xác định rõ lượng đường bổ sung cho mỗi khẩu phần, và phải ghi ngay dưới tổng lượng đường.

Đường đa

Đường đa (đường phức hợp) có trong các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu và rau củ, tinh bột, có chứa các phân tử đường dài hơn, thường mất nhiều thời gian để cơ thể phá vỡ và sử dụng chúng.

Các chế độ ăn liên quan đến điều chỉnh lượng Carbs

Có thể bạn đã từng nghe qua về những chế độ ăn low-carb và ngược lại với nó là chế độ high-carb, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn không quá ít và không quá nhiều carbs hay còn được biết đến là chế độ ăn cân bằng carbs có thể là chìa khóa giúp bạn tăng tuổi thọ.

Những chế độ ăn low-carb (tổng năng lượng đến từ carbs ít hơn 40% mức năng lượng nạp vào) và chế độ high-carb (tổng năng lượng từ carb chiếm trên 70% mức năng lượng nạp vào) có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm. Ngược lại, ăn lượng vừa phải carbohydrate (chiếm 50-55% năng lượng) có liên quan đến giảm nguy cơ tử vong sớm.

Các nhà khoa học cũng thấy rằng các chế độ ăn low-carb không có tính cân đối. Protein từ việc ăn nhiều hơn những thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt bò, cừu, heo, gà và phô mai thay vì carbohydrate có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ tử vong sớm, trong khi đó lấy protein và lipid từ việc ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại rau, hạt, đậu đỗ làm giảm các nguy cơ trên.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 432,000 người trên 20 quốc gia và thấy rằng những người với chế độ ăn high-carb hoặc low-carb có tuổi thọ ngắn hơn so với những người duy trì mức carbohydrate ở mức vừa phải.

Kết luận

Lời khuyên được đưa ra là chúng ta nên tăng dần việc ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, vì nó có khả năng giúp giảm tỷ lệ các bênh nguy hiểm đến tính mạng. Chế độ ăn low-carb được thực hiện bằng cách thay thế carbohydrate bởi protein và chất béo đang phổ biến rộng rãi như một phương pháp lành mạnh và giúp giảm cân, tuy nhiên, từ những dữ liệu khoa học hiện hành thì đều cho thấy chế độ ăn này thường giàu đạm động vật và có thể liên quan đến giảm tuổi thọ và không được khuyến khích sử dụng.

Tương tự, chế độ ăn high-carb cũng không được khuyến khích, đặc biệt vì nó có liên quan đến tình trạng giảm tuổi thọ.

Thay vì việc chọn chế độ low-carb hay high-carbs bạn hãy ăn một chế độ ăn có lượng carbs cân bằng, hãy thay carbohydrate thừa trong khẩu phần bằng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu protein và chất béo không bão hòa để giúp bạn khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.

Liên hệ ngay với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

TS. BS Trương Hồng Sơn

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Tổng hợp từ WebMD



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY