Suy dinh dưỡng trẻ em trên toàn cầu

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

  • Suy dinh dưỡng ở bất kỳ thể nào, bao gồm cả tình trạng thiếu dinh dưỡng (gầy còm, thấp còi, nhẹ cân); tình trạng không đủ vitamin hoặc khoáng chất, thừa cân, béo phì và hệ quả của các chế độ ăn uống dẫn đến các bệnh không lây nhiễm có liên quan trên toàn cầu.

  • 1,9 tỷ người trưởng thành hiện tại đang trong mức thừa cân hoặc béo phì, trong khi có 462 triệu người ở trong tình trạng thiếu cân.

  • Trên toàn cầu năm 2020, ước tính có 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi (quá thấp so với tuổi); 45 triệu trẻ bị gầy còm (quá gầy so với chiều cao) và 38,9 triệu trẻ bị thừa cân hoặc béo phì.

  • Khoảng 45% trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi có liên quan đến suy dinh dưỡng. Những vấn đề này chủ yếu xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời ở những quốc gia này, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em đang tăng lên.

  • Các tác động đến sự phát triển, kinh tế, xã hội và y tế của gánh nặng suy dinh dưỡng toàn cầu là nghiêm trọng và lâu dài, và nó tác động đến các cá nhân và gia đình của từng đối tượng, đối với toàn cộng đồng và cả quốc gia.

Suy dinh dưỡng đề cập đến sự thiết hụt, dư thừa hoặc mất cân bằn trong năng lượng và/hoặc chất dinh dưỡng của 1 cá thể. Thuật ngữ suy dinh dưỡng đề cập đến 3 tình trạng lớn:

    • Thiếu dinh dưỡng: bao gồm gầy còm (nhẹ cân so với chiều cao), thấp còi (thấp so với tuổi) và nhẹ cân (nhẹ cân so với tuổi),
    • Suy dinh dưỡng liên quan đến vi chất dinh dưỡng, bao gồm thiếu vi chất dinh dưỡng (thiếu các vitamin và khoáng chất quan trọng) hoặc thừa vi chất dinh dưỡng, và
    • Thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống (như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và một số bệnh ung thư).

>>>Xem thêm: Nhóm thực phẩm cần thiết đối với trẻ suy dinh dưỡng

Các thể suy dinh dưỡng

Thiếu dinh dưỡng

Có 4 thể của thiếu dinh dưỡng bao gồm: gầy còm, thấp còi, nhẹ cân và thiếu vitamin và khoáng chất. Tình trạng thiếu dinh dưỡng khiến trẻ em nói riêng dễ mắc bệnh tật và tử vong hơn rất nhiều.

Chỉ số cân nặng so với chiều cao thấp được gọi là gầy còm. Nó thường chỉ ra tình trạng sụt cân nghiêm trọng, do một cá thể không có đủ thức ăn để ăn và/hoặc đã mắc một bệnh truyền nhiễm chẳng hạn như tiêu chảy, khiến bị giảm cân. Trẻ nhỏ gầy còm ở mức độ trung bình hoặc nặng có nguy cơ tử vong cao hơn, nhưng vẫn có thể điều trị được.

Chiều cao thấp theo tuổi được gọi là thấp còi. Đây là kết quả của tình trạng suy dinh dưỡng mạn tính hoặc tái phát nhiều lần, thường liên quan đến điều kiện kinh tế xã hội kém, sức khỏe bà mẹ và tình trạng dinh dưỡng kém, bệnh tật thường xuyên, và/hoặc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phù hợp trong giai đoạn đầu đời. Tình trạng thấp còi khiến trẻ không đạt được tiềm năng về thể chất và nhận thức.

Trẻ nhẹ cân so với tuổi được gọi là nhẹ cân. Trẻ nhẹ cân có thể thấp còi, gầy còm hoặc cả hai.

Suy dinh dưỡng liên quan đến vi chất dinh dưỡng

Tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất (thường được gọi là vi chất dinh dưỡng) cũng có thể được nhóm lại với nhau. Vi chất dinh dưỡng cho phép cơ thể sản xuất các enzym, hormone và các chất khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển thích hợp. I-od, vitamin A và sắt là những chất quan trọng nhất trong các thuật ngữ sức khỏe cộng đồng toàn cầu; và sự thiếu hụt của chúng là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và sự phát triển của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai ở các nước có thu nhập thấp.

Thừa cân và béo phì

Thừa cân béo phì là khi một người quá nặng so với chiều cao của mình. Sự tích tụ mỡ bất thường hoặc quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là chỉ số cân nặng theo chiều cao thường được sử dụng để phân loại tình trạng thừa cân, béo phì. Nó được định nghĩa là trọng lượng của một người tính bằng kilôgam chia cho bình phương chiều cao của người đó tính bằng mét (kg/m²). Ở người lớn, thừa cân được định nghĩa là chỉ số BMI từ 25 trở lên, trong khi béo phì là chỉ số BMI từ 30 trở lên.

Thừa cân và béo phì là kết quả của sự mất cân bằng giữa năng lượng tiêu thụ (quá nhiều) và năng lượng tiêu hao (quá ít). Hiện nay, trên toàn cầu, con người đang có xu hướng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống giàu năng lượng hơn (nhiều đường và chất béo) và ít tham gia vào các hoạt động thể chất hơn.

Các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống

Các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống bao gồm các bệnh tim mạch (như đau tim, đột quỵ và thường liên quan đến cao huyết áp), một số bệnh ung thư và bệnh tiểu đường. Chế độ ăn uống không lành mạnh và dinh dưỡng kém là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra các bệnh này trên toàn cầu.

Phạm vi trên toàn cầu

Năm 2014, có xấp xỉ 462 triệu người trưởng thành trên toàn cầu nhẹ cân, trong khi có 1,9 tỷ người thừa cân hoặc béo phì. Năm 2016, ước tính có 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được xác định là suy dinh dưỡng thể thấp còi, trong khi có 41 triệu trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì. Khoảng 45% trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi có liên quan đến thiếu dinh dưỡng. Những vấn đề này xảy ra chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời, ở các quốc gia này, tỉ lệ trẻ thừa cân và béo phì cũng đang tăng lên.

Nhóm nào có yếu tố nguy cơ cao nhất?

Mọi quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi một hoặc nhiều dạng suy dinh dưỡng. Phòng chống suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức là một trong những thách thức sức khỏe toàn cầu lớn nhất. Phụ nữ, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ đặc biệt trong suy dinh dưỡng. Tối ưu hóa dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời — bao gồm 1000 ngày đầu đời (từ khi thụ thai đến sinh nhật thứ hai của trẻ) – là cách thức đảm bảo khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc đời cho trẻ với những lợi ích lâu dài.

Nghèo đói làm tăng nguy cơ mắc suy dinh dưỡng theo 2 chiều, cả xuôi cả ngược. Những người nghèo có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các dạng suy dinh dưỡng khác nhau. Ngoài ra, suy dinh dưỡng làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất và làm chậm tăng trưởng kinh tế, có thể kéo dài chu kỳ nghèo đói và sức khỏe kém.

10 năm hành động của Liên Hợp Quốc về dinh dưỡng toàn cầu

Ngày 1/4/2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố 2016–2025 là Thập kỷ hành động của Liên hợp quốc về dinh dưỡng. Thập kỷ này là một cơ hội chưa từng có để giải quyết tất cả các dạng suy dinh dưỡng. Nó đặt ra một mốc thời gian cụ thể để thực hiện các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế lần thứ hai về Dinh dưỡng (ICN2) nhằm đáp ứng một loạt các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu và các mục tiêu về các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống vào năm 2025. Bên cạnh đó, Thập kỷ này cũng nhằm đáp ứng các mục tiêu liên quan trong Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030 — cụ thể là Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2 (chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững) và SDG 3 (đảm bảo cuộc sống lành mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi).

Dưới sự lãnh đạo của WHO và FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc), Thập kỷ hàng động về dinh dưỡng của Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động chính sách trên 6 lĩnh vực chính:

    • Tạo ra hệ thống cung ứng thực phẩm bền vững, có khả năng phục hồi cho chế độ ăn uống lành mạnh;
    • Cung cấp bảo trợ xã hội và giáo dục liên quan đến dinh dưỡng cho tất cả mọi người;
    • Điều chỉnh hệ thống y tế phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, và cung cấp phạm vi bao phủ toàn diện các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu;
    • Đảm bảo rằng các chính sách thương mại và đầu tư cải thiện dinh dưỡng;
    • Xây dựng môi trường an toàn và hỗ trợ về dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi;
    • Tăng cường và thúc đẩy quản trị dinh dưỡng và trách nhiệm giải trình, ở mọi nơi.

Làm thế nào để giúp con trẻ có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

BS. Lê Minh Khánh

Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Theo WHO



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY