Bà bầu nên và không nên ăn gì?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Bạn có biết rằng một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và các chất cần thiết là vô cùng quan trọng nếu bạn đang trong thời kỳ mang thai hay đang có kế hoạch mang thai? Sự phát triển đúng đắn và toàn diện của em bé trong bụng phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn cung cấp chế độ ăn cân bằng dưỡng chất cho bé (thậm chí là cả khi bé đã được sinh ra).

Vậy những thực phẩm nào mà bạn nên ăn trong quá trình mang thai?

Đầu tiên thì bạn đừng quá lo về việc phải mất nhiều tiền hay phải thuân thủ theo một chế độ đặc biệt nào đó, bạn chỉ cần một chế độ ăn cân bằng các loại thực phẩm cần thiết, những thực phẩm ấy bao gồm:

Trái cây và rau củ

Mục tiêu đặt ra là hãy cố gắng ăn ít nhất 5 bữa trái cây và rau củ một ngày. Thức ăn tươi, đông lạnh, đóng hộp, sấy khô hoặc ép lấy nước đều có thể được sử dụng trong chế độ ăn hàng ngày của bạn – hãy nhớ tránh mọi thực phẩm được thêm đường và muối.

Carbohydrates (tinh bột)

Những loại thực phẩm chứa carbohydrates vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng hàng ngày cho bạn, bao gồm cả một số Vitamin và chất xơ cần thiết. Bánh mỳ, khoai tây, ngũ cốc ăn sáng, gạo và mỳ là những loại thực phẩm chủ yếu thuộc nhóm này. Tuy nhiên hãy chú ý chọn những thực phẩm chứa carbohydrates nguyên cám thay vì các thực phẩm chứa carbohydrates đã được tinh chế (thường có màu trắng) khi có thể.

Protein

Thực phẩm trong nhóm này bao gồm thịt (trừ gan), cá, thịt gia cầm, trứng, các loại hạt và đậu. Protein từ những thực phẩm này giúp xây dựng các phần của cơ thể để em bé lớn lên khỏe mạnh trong bụng mẹ. Mục tiêu là ăn đủ 2 phần cá mỗi tuần, trong đó hãy dành 1 bữa để ăn những loại cá béo như là cá hồi, cá mòi hoặc cá thu. Trứng (đặc biệt là trứng gà ta) được biết đến là thực phẩm có tỉ lệ các protein cần thiết một cách hoàn hảo, và có rất ít nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella – hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai.

Các sản phẩm từ sữa

Nhóm thực phẩm này bao gồm: Sữa tươi, phô mai và sữa chua. Những sản phẩm này có chứa Canxi và những dưỡng chất cần thiết khác. Bạn cũng nên chú ý lựa chọn sử dụng những sản phẩm ít béo chẳng hạn như sữa tách béo một phần, 1% chất béo hoặc tách béo hoàn toàn, sữa chua ít béo và phô mai ít béo. Nếu bạn thích thay đổi các sản phẩm sữa sang uống sữa đậu nành hoặc sữa chua, hãy chọn loại không đường và được bổ sung thêm canxi.

Những thực phẩm mà bạn nên tránh là gì?

Chắc chắn là có những thực phẩm mà bạn nên tránh trong quá trình mang thai để tránh nguy cơ sức khỏe cho bạn và cho cả em bé. Những thực phẩm này bao gồm một số loại phô mai và thịt sống chưa được nấu chín, cụ thể là:

– Thịt: thịt nguội (trừ khi được nấu chín kỹ), thịt sống hoặc chưa được nấu chín, gan và các sản phẩm từ gan (pa tê, bao gồm cả pa tê cho người ăn chay)…

– Trứng: trứng vịt, trứng ngỗng hoặc trứng cút trừ khi chúng đã được nấu chín kỹ.

– Cá: bạn không nên ăn quá 2 phần cá béo một tuần ví dụ như cá hồi, cá mòi, cá thu hoặc cá trích. Bạn cũng chỉ nên ăn không quá 2 miếng cá ngừ mỗi tuần (khoảng 140g nấu chín hoặc 170g sống). Tránh ăn các loại cá còn sống, động vật có vỏ…

– Sản phẩm từ sữa: phô mai bị mốc, bất cứ loại sữa nào chưa được khử trùng hoặc tiệt trùng.

– Đồ uống có cồn, chất kích thích (cà phê, thuốc lá) trà thảo mộc, cam thảo…

Ngoài ra thì bạn nên cắt giảm muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp (mặc dù tăng huyết áp trong thai kỳ cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra). Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.

Vậy bạn có nên ăn cho cả 2 mẹ con khi mang thai không?

Điều này vẫn còn gây tranh cãi. Khi mang bầu, bạn chắc chắn sẽ trở nên nhanh đói hơn bình thường, nhưng kể cả nếu bạn được chẩn đoán là sinh đôi hay sinh nhiều hơn thì bạn cũng không nên ăn nhiều hơn lượng cần thiết. Trong khoảng 3 tháng cuối của thai kỳ, bạn sẽ cần thêm khoảng 200 kcalo mỗi ngày – tương đương với khoảng 2 lát bánh mỳ phết bơ. Bạn có thể ghé thăm phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM để được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng đầy đủ và an toàn cho phụ nữ mang thai.

Hãy chú trọng cân bằng chế độ ăn hàng ngày để có một thời kỳ mang thai khỏe mạnh và cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của bé bạn nhé.

Nếu bạn đang mang bầu và muốn được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, hãy liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM qua Hotline 0935.18.3939 để được tư vấn Gói khám Dinh dưỡng cho mẹ bầu nhé!

BS. Đoàn Hồng

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM 

Tổng hợp từ NHS



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY