Natri (muối) có vị rất ngon và cần thiết để giúp cơ thể chúng ta hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều natri theo thời gian có thể dẫn đến các mối nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp cao. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta ăn mặn quá mức vượt kiểm soát. Bài viết này sẽ giới thiệu một số cách để thải lượng natri dư thừa ra khỏi cơ thể.
Contents
Tại sao cơ thể bạn cần natri?
Natri, hay còn được biết đến là muối, thường được sử dụng để thêm hương vị cho thực phẩm, nhưng nó có một số công dụng khác có thể góp phần vào sức khỏe tổng thể của bạn. Natri cần thiết cho các dây thần kinh hoạt động tốt, giúp cơ bắp co lại và thư giãn đúng cách. Nó cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết để điều chỉnh cân bằng chất lỏng và điện giải trong cơ thể.
Nên ăn bao nhiêu natri là đủ?
Natri có tự nhiên trong một số loại thực phẩm, chẳng hạn như sữa, cần tây, củ cải đường,…nhưng với liều lượng thấp. Hầu hết lượng muối bạn ăn được thêm vào thực phẩm trong quá trình nấu nướng để tạo hương vị và trong một số trường hợp, vì lý do bảo quản.
Theo khuyến nghị, người trưởng thành nên tiêu thụ ít hơn 2.300 mg natri mỗi ngày như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng phần lớn người trưởng thành hiện nay đều ăn hơn 3.400 mg natri mỗi ngày. Tiêu thụ quá nhiều natri có thể gây ra một số mối nguy hiểm nghiêm trọng về sức khỏe, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ,…
Làm thế nào để thải lượng natri dư thừa sau khi bạn ăn quá nhiều thức ăn mặn?
Ăn quá nhiều natri về lâu dài sẽ khiến sức khỏe của bạn gặp nguy hiểm, bạn thậm chí có thể cảm thấy hơi chướng bụng ngay sau khi ăn đồ mặn. Bốn lời khuyên dưới đây nhằm giúp bạn giảm bớt các triệu chứng đầy hơi sau khi tiêu thụ quá nhiều natri, nhưng nếu bạn nghĩ rằng mình bị tăng natri huyết, một tình trạng mà nồng độ điện giải bị mất cân bằng do mất nước, hãy liên hệ với trung tâm y tế ngay lập tức. Tương tự, hạ natri máu, cũng có thể xảy ra khi uống quá nhiều chất lỏng và cũng là một tình trạng nguy hiểm.
Uống nhiều nước hơn
Uống đủ nước là vô cùng quan trọng. Uống đủ nước có thể giúp cơ thể loại bỏ natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, các khuyến nghị về lượng nước hàng ngày thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, tình trạng mang thai và cho con bú.
Nói cách khác, không có khuyến nghị chính xác nào về việc người trưởng thành và thanh niên nên uống bao nhiêu nước hàng ngày. Các chiến lược để uống nhiều nước hàng ngày bao gồm tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng nước cao, uống đồ uống như trà không đường và nước lọc.
Tăng tiêu thụ Kali
Kali đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng chất lỏng. Tiêu thụ thực phẩm có chứa kali, chẳng hạn như khoai tây và bơ, có thể giúp kiểm soát huyết áp bằng cách giảm tác động của natri và giúp loại bỏ natri ra khỏi cơ thể.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng hầu hết phụ nữ nên bổ sung 2.600 mg kali mỗi ngày và nam giới là 3.400 mg kali mỗi ngày, nhưng hầu hết người lớn không bổ sung đủ lượng kali này. Cố gắng tiêu thụ kali từ các nguồn thực phẩm thay vì thực phẩm bổ sung, và nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bệnh lý về thận.
>>> Tìm hiểu: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tim mạch | Nên ăn và kiêng gì?
Tăng cường hoạt động
Tăng cường hoạt động thể chất là một cách tuyệt vời để giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa. Tập thể dục khiến cơ thể bạn thải ra nước và muối. Điều quan trọng là phải duy trì lượng nước tốt khi tập luyện.
Tuy nhiên, bạn có thể uống quá nhiều nước trong quá trình tập luyện. Hạ natri máu rất hiếm, nhưng đó là điều mà những người chạy marathon và vận động viên cần lưu ý. Hạ natri máu có nghĩa là natri trong máu của bạn quá thấp – điều này có thể xảy ra nếu bạn uống quá nhiều nước. Nếu tập thể dục trong thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện nắng nóng, nơi bạn có thể đổ mồ hôi nhiều hơn, hãy nhớ tiêu thụ nước điện giải thay vì nước lọc thông thường.
Hạn chế thêm muối khi nấu ăn
Khi chế biến hoặc ăn thức ăn, hãy cố gắng chạn chế việc nêm thêm muối. Ngoài ra, bạn có thể giảm lượng natri tiêu thụ bằng cách hạn chế tiêu thụ thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn, đồng thời chọn các loại thực phẩm yêu thích có hàm lượng natri thấp hơn bất cứ khi nào có thể. Nấu ăn tại nhà cũng giúp bạn kiểm soát nhiều hơn lượng muối cho vào thức ăn của mình. Thêm vào đó, sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để tăng thêm hương vị mà không làm tăng natri cũng là một cách tuyệt vời.
Tóm lại, natri cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, nhưng quá nhiều có thể gây ra vấn đề và những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu bạn cảm thấy đầy hơi, chướng bụng sau khi đã ăn quá nhiều muối, hãy thử tăng lượng nước uống vào, bổ sung thêm kali vào chế độ ăn hàng ngày, tăng cường hoạt động thể chất và giảm lượng muối thêm vào trong những bữa ăn sau.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
Hoàng Hà Linh
Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Tổng hợp từ Eating Well