Chế độ ăn uống tốt nhất sau khi cắt bỏ túi mật là gì?

21/05/2023 -  Chưa phân loạiKiến thức dinh dưỡng

Bạn sắp hoặc vừa trải qua phẫu thuật cắt bỏ túi mật và bạn đang không biết lựa chọn thực phẩm như nào để phục hồi nhanh hơn mà vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy thì hãy cùng tìm hiểu chế độ ăn cho người mới cắt bỏ túi mật qua bài viết sau.

Những người trải qua phẫu thuật cắt bỏ túi mật sẽ cần phải thay đổi chế độ ăn uống của họ. Những thay đổi có thể bao gồm: tránh thức ăn giàu chất béo, nhiều dầu mỡ hoặc cay và thay vào đó là ăn nhiều thịt nạc, sữa ít béo và rau lá xanh. Theo một đánh giá năm 2017, không có chế độ ăn cụ thể nào được khuyến nghị cho những người đã cắt bỏ túi mật tuân theo. Tuy nhiên, tránh một số loại thực phẩm và ưu tiên những loại khác có thể giúp bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật, đồng thời tránh các tác dụng phụ.

Bài viết này sẽ giải thích việc cắt bỏ túi mật ảnh hưởng đến tiêu hóa như thế nào và liệt kê những loại thực phẩm tốt nhất cho người đã trải qua cuộc phẫu thuật này.

Cắt bỏ túi mật ảnh hưởng đến tiêu hóa như thế nào?

Túi mật là một cơ quan hình quả lê dài tới 10 cm nằm bên dưới gan. Túi mật là nơi lưu trữ acid mật mà gan sản xuất. Acid mật giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ chất béo. Sau khi cắt bỏ túi mật, bạn có thể ít có khả năng tiêu hóa chất béo hiệu quả. Dạ dày của bạn có thể tiêu hóa chậm hơn sau bữa ăn. Mật cũng sẽ chảy trực tiếp vào ruột non, điều này có thể khiến thức ăn di chuyển nhanh hơn qua đường tiêu hóa và có thể gây hại cho hệ vi sinh vật.

Do ảnh hưởng của việc cắt bỏ túi mật đối với tiêu hóa, bạn sẽ cần thay đổi chế độ ăn uống sau phẫu thuật. Đối với một số người, những thay đổi này có thể là tạm thời, nhưng đối với những người khác, đặc biệt là những người trước đây có chế độ ăn nhiều carbohydrate hoặc nhiều chất béo, ít chất xơ, những thay đổi này sẽ cần phải lâu dài.

 ***THAM KHẢO THÊM BÀI VIẾT: Lời khuyên về chế độ ăn giúp túi mật khoẻ mạnh

Chế độ ăn uống sau phẫu thuật

Tỉnh dậy sau khi gây mê sau phẫu thuật, bạn có thể uống một lượng nhỏ chất lỏng. Nếu bạn không cảm thấy quá mệt mỏi, bạn có thể bắt đầu ăn thức ăn đặc. Gây mê, ít hoạt động và thuốc giảm đau có thể gây táo bón sau phẫu thuật. Uống 8-10 ly nước mỗi ngày có thể giúp giảm triệu chứng này. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc làm mềm phân để giảm thiểu sự khó chịu và căng thẳng cho bạn.

Khi bạn bắt đầu ăn lại chất rắn, bạn nên ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn và theo dõi ảnh hưởng của một số loại thực phẩm đối với các triệu chứng của bạn. Bạn cũng nên bổ sung các vitamin tan trong chất béo, vì những loại này có thể khó hấp thụ hơn đối với cơ thể sau phẫu thuật.

Các thực phẩm cần tránh

Những người đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật nên tránh một số loại thực phẩm, bao gồm:

  • Thức ăn giàu chất béo, nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán
  • Thực phẩm cay
  • Đường tinh luyện
  • Caffein, thường có trong trà, cà phê, sô cô la và nước tăng lực
  • Đồ uống có cồn, bao gồm bia, rượu vang và rượu mạnh
  • Đồ uống có ga

Trong một nghiên cứu, những người không tuân theo chế độ ăn ít chất béo sau khi cắt bỏ túi mật có nhiều khả năng bị tiêu chảy hơn 1 tuần sau thủ thuật. Chất béo có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm những loại dưới đây:

Thực phẩm chế biến:

Thực phẩm chế biến có thể chứa nhiều chất béo hoặc dầu và điều này có thể khiến những người không có túi mật khó tiêu hóa hơn. Ví dụ về thực phẩm chế biến nhiều chất béo bao gồm:

  • Món tráng miệng chẳng hạn như: bánh ngọt, bánh quy
  • Thức ăn nhanh, chẳng hạn như: pizza hoặc khoai tây chiên
  • Thịt chế biến, chẳng hạn như xúc xích

Thịt mỡ

Một số loại thịt chưa qua chế biến cũng có thể chứa một lượng chất béo đáng kể. Những loại này bao gồm:

  • Thịt cừu
  • Thịt lợn, bao gồm thịt ba chỉ và thịt sườn
  • Những miếng thịt bò ở phần có nhiều mỡ, chẳng hạn như ba chỉ bò và dẻ sườn bò

Sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm sữa nguyên chất cũng chứa chất béo. Sau khi cắt bỏ túi mật, bạn có thể cần phải tránh:

  • Sữa nguyên chất
  • Sữa chua nguyên béo
  • Phô mai nguyên chất béo
  • Kem béo
  • Kem lạnh
  • Nước sốt salad hoặc nước sốt kem

Thực phẩm nên ăn

Nhiều loại thực phẩm nhất định trong chế độ ăn uống có thể hữu ích sau khi cắt bỏ túi mật. Bạn có thể tập trung ăn những loại thực phẩm dưới đây.

Protein nạc

Những người ăn thịt có thể chọn những phần ít chất béo để tránh ăn quá nhiều chất béo. Một số ví dụ về các nguồn protein ít chất béo bao gồm:

  • Ức gà
  • Cá và hải sản
  • Thực phẩm họ đậu
  • Các loại hạt và quả hạch, nhưng chỉ với một lượng nhỏ, vì chúng có nhiều chất béo

***THAM KHẢO THÊM BÀI VIẾT: Chế độ ăn uống tốt nhất cho bệnh viêm xương khớp

Thực phẩm giàu chất xơ

Thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, những người không còn túi mật nên dần dần đưa thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống của họ sau khi phẫu thuật. Thực phẩm giàu chất xơ nên ăn bao gồm:

  • Các loại ngũ cốc
  • Trái cây tươi và rau quả
  • Các loại đậu đỗ
  • Các loại hạt và quả hạch
  • Cám ngũ cốc và bột yến mạch

Sữa ít chất béo

Các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi tốt. Nếu bạn phải tránh sữa nguyên béo sau khi cắt bỏ túi mật, bạn có thể thay thế các sản phẩm từ sữa ít chất béo, chẳng hạn như sữa tách béo hoặc sữa chua ít béo. Bạn cũng có thể lấy canxi từ các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như:

  • Rau lá xanh
  • Các loại đậu đỗ
  • Các sản phẩm thay thế sữa được tăng cường canxi
  • Cá mòi và cá hồi

Tuy nhiên, các sản phẩm ít chất béo thường chứa nhiều đường bổ sung hơn so với các sản phẩm đầy đủ chất béo. Bạn có thể đọc nhãn dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm để kiểm tra xem bạn có ăn quá nhiều chất béo hoặc đường bổ sung hay không.

Tác dụng phụ

Hội chứng sau cắt bỏ túi mật là một thuật ngữ mà các bác sĩ sử dụng để mô tả các triệu chứng tiêu hóa mà mọi người có thể phát triển sau khi cắt bỏ túi mật. Những triệu chứng này bao gồm:

  • Không dung nạp thức ăn béo
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Ợ nóng
  • Đầy hơi
  • Khó tiêu
  • Tiêu chảy
  • Vàng da
  • Đau bụng từng cơn

Số lượng chính xác những người phát triển hội chứng sau khi cắt bỏ túi mật là không rõ ràng, nhưng ước tính nằm trong khoảng từ 5-30%. Các triệu chứng có thể là sự tiếp nối của các triệu chứng mà người đó đã có trước khi phẫu thuật, hoặc chúng có thể là triệu chứng mới. Các bác sĩ điều trị hội chứng này bằng cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và sau đó kê đơn thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật thêm. Trong một nghiên cứu, 75% những người bị hội chứng sau cắt bỏ tủi mật cảm thấy giảm đau lâu dài sau khi điều trị.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Mặc dù một số triệu chứng, bao gồm tiêu chảy và đầy hơi thường gặp sau khi cắt bỏ túi mật nhưng bạn vẫn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Ví dụ như: vàng da, chướng bụng, nôn mửa hoặc sốt cao. Những triệu chứng này có thể cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Bất cứ ai gặp phải các triệu chứng của hội chứng sau cắt bỏ túi mật cũng nên nói chuyện với bác sĩ. Hội chứng này yêu cầu một cách tiếp cận liên ngành, có thể bao gồm việc điều tra bởi bác sĩ tại các khoa khác nhau để khám phá nguyên nhân và xác định cách điều trị tốt nhất.

Kết luận

Không có chế độ ăn nào phù hợp nhất cho tất cả những người trải qua quá trình cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên, bạn nên tránh thức ăn béo và thức ăn có thể gây kích ứng đường ruột. Chuyển sang các thực  phẩm ít chất béo và protein nạc từ các loại thực phẩm giàu chất xơ có thể hữu ích. Một số người có thể quay trở lại chế độ ăn uống ban đầu của họ bằng cách bắt đầu ăn lại từng loại thực phẩm và theo dõi tác dụng. Tuy nhiên, đối với những người khác, một số thay đổi về chế độ ăn uống có thể là vĩnh viễn. Nếu bạn có các triệu chứng mới hoặc dai dẳng sau khi cắt bỏ túi mật, bạn nên đi khám bác sĩ.

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678

BS. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Medicalnewstoday



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY