Các triệu chứng thiếu vitamin bao gồm: tóc và móng giòn, dễ gãy, loét miệng, rụng tóc, chứng dày sừng nang lông… Nhận biết sớm những dấu hiệu này có thể giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về những dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn đang thiếu vitamin tại bài viết dưới đây.
Một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng mang lại nhiều lợi ích. Ngược lại, chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Những triệu chứng này là cách để cơ thể bạn cảnh báo về tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
Contents
Tóc và móng giòn
Có nhiều yếu tố khiến cho tóc và móng dễ gãy. Một trong số đó là thiếu biotin. Biotin hay còn gọi là vitamin B7 giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Sự thiếu hụt biotin là rất hiếm, nhưng khi nó xảy ra, tóc và móng trở nên dễ gãy, mỏng hoặc chẻ ngọn hơn. Các triệu chứng khác của tình trạng thiếu biotin bao gồm mệt mỏi mạn tính, đau cơ, chuột rút, ngứa ran ở tay và chân.
Phụ nữ mang thai, người nghiện thuốc lá hoặc nghiện rượu nặng, những người bị rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn có nguy cơ bị thiếu hụt biotin cao nhất. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh kéo dài và một số loại thuốc chống động kinh cũng là một yếu tố nguy cơ. Mătk khác, ăn lòng trắng trứng sống cũng có thể gây thiếu hụt biotin. Đó là vì lòng trắng trứng sống có chứa avidin, một loại protein liên kết với biotin và có thể làm giảm sự hấp thụ của nó.
Thực phẩm giàu biotin bao gồm lòng đỏ trứng, nội tạng, cá, thịt, sữa, các loại hạt, rau bina, bông cải xanh, súp lơ, khoai lang, men, ngũ cốc nguyên hạt và chuối. Người lớn có tóc hoặc móng dễ gãy có thể cân nhắc thử dùng thực phẩm bổ sung cung cấp khoảng 30 microgam biotin mỗi ngày.
Đọc thêm bài viết: Có nên bổ sung vitamin khi trẻ biếng ăn vào ngày hè?
Loét miệng hoặc nứt nẻ ở khóe miệng
Các tổn thương trong và xung quanh miệng có thể một phần liên quan đến việc hấp thụ không đủ một số vitamin hoặc khoáng chất. Ví dụ loét miệng, còn được gọi là nhiệt miệng, thường là kết quả của sự thiếu hụt chất sắt hoặc vitamin B. Trong các nghiên cứu, những người bị loét miệng thường bị thiếu hụt sắt, thiamine (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2) và pyridoxine (vitamin B6). Nứt nẻ ở khóe miệng, một tình trạng khiến khóe miệng bị nứt, tách hoặc chảy máu, có thể do tiết nhiều nước bọt hoặc mất nước. Tuy nhiên, nó cũng có thể là do ăn không đủ chất sắt và vitamin B, đặc biệt là riboflavin.
Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: thịt gia cầm, thịt, cá, các loại đậu, rau lá xanh đậm, các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám. Các nguồn cung cấp thiamine, riboflavin và pyridoxine tốt bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, thịt, cá, trứng, sữa, nội tạng, các loại đậu, rau xanh, rau có tinh bột và các loại hạt. Nếu bạn gặp những triệu chứng này, hãy thử thêm các loại thực phẩm trên vào chế độ ăn uống để xem các triệu chứng của bạn có cải thiện hay không.
Chảy máu nướu răng
Đôi khi việc đánh răng thô bạo là nguyên nhân gây chảy máu nướu răng, nhưng chế độ ăn thiếu vitamin C cũng có thể gây ra tình trạng này. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc chữa lành vết thương và miễn dịch, thậm chí nó còn hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Cơ thể bạn không tự tạo ra vitamin C, vì vậy cách duy nhất để duy trì mức vitamin C vừa đủ là thông qua chế độ ăn uống.
Sự thiếu hụt vitamin C rất hiếm xảy ra ở những người tiêu thụ đủ trái cây và rau quả tươi. Tiêu thụ rất ít vitamin C trong thời gian dài có thể gây ra các triệu chứng thiếu hụt, bao gồm chảy máu nướu và thậm chí mất răng.
Một hậu quả nghiêm trọng khác của tình trạng thiếu vitamin C là bệnh scorbut, làm suy giảm hệ thống miễn dịch, suy yếu cơ và xương, khiến con người cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Các dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng thiếu vitamin C bao gồm dễ bị bầm tím, vết thương chậm lành, da khô có vảy và chảy máu cam thường xuyên. Đảm bảo tiêu thụ đủ vitamin C, bạn nên ăn ít nhất 2 miếng trái cây và 3 – 4 phần rau mỗi ngày.
Đọc thêm bài viết: Vitamin là gì và chúng hoạt động thế nào?
Quáng gà và có mảng trắng trên mắt
Một chế độ ăn nghèo chất dinh dưỡng đôi khi có thể gây ra các vấn đề về thị lực. Ví dụ, lượng vitamin A hấp thụ thấp thường liên quan đến tình trạng quáng gà, làm giảm khả năng nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc bóng tối. Đó là vì vitamin A cần thiết để sản xuất rhodopsin, một sắc tố được tìm thấy trong võng mạc của mắt giúp bạn nhìn thấy vào ban đêm.
Khi không được điều trị, quáng gà có thể tiến triển thành bệnh khô mắt, một tình trạng có thể làm tổn thương giác mạc và cuối cùng dẫn đến mù lòa. Một triệu chứng khác của bệnh khô mắt là các đốm Bitot, những đốm màu trắng xuất hiện trên kết mạc hoặc phần lòng trắng của mắt.
Da có vảy và gàu
Viêm da tiết bã và gàu là một phần của cùng một nhóm rối loạn da ảnh hưởng đến các vùng sản xuất dầu trên cơ thể. Cả hai đều gây ngứa, bong tróc da. Gàu chủ yếu xuất hiện ở da đầu, trong khi viêm da tiết bã có thể xuất hiện ở mặt, ngực trên, nách và háng. Khả năng mắc các rối loạn về da này cao nhất trong vòng 3 tháng đầu đời, ở tuổi dậy thì và ở tuổi trung niên.
Gàu và viêm da tiết bã có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có chế độ ăn uống kém dinh dưỡng. Ví dụ, nồng độ kẽm, niacin (vitamin B3), riboflavin (vitamin B2) và pyridoxine (vitamin B6) trong máu thấp đều có thể đóng một vai trò nào đó. Thực phẩm giàu niacin, riboflavin và pyridoxine bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, thịt, cá, trứng, sữa, nội tạng, các loại đậu, rau xanh, rau có tinh bột và các loại hạt. Hải sản, thịt, các loại đậu, sữa, các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám đều là nguồn cung cấp kẽm tốt.
Rụng tóc
Rụng tóc là một triệu chứng rất phổ biến. Trên thực tế, có tới 50% người trưởng thành bị rụng tóc khi họ bước sang tuổi 50. Một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình rụng tóc.
Sắt
Sắt tham gia vào quá trình tổng hợp DNA, bao gồm cả DNA có trong tóc. Quá ít chất sắt có thể khiến tóc ngừng phát triển hoặc rụng.
Kẽm
Kẽm cần thiết cho quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào, đây là 2 quá trình cần thiết cho sự phát triển của nang tóc. Do đó, thiếu kẽm có thể gây rụng tóc.
Axit linoleic (LA) và alpha-linolenic axit (ALA)
Những axit béo thiết yếu này cần thiết cho sự phát triển và duy trì tóc
Niacin (vitamin B3)
Vitamin B3 cần thiết để giữ cho tóc khỏe mạnh. Rụng tóc, cụ thể là tình trạng tóc rụng thành từng mảng nhỏ, có thể là một triệu chứng của thiếu niacin.
Biotin (vitamin B7)
Biotin là một loại vitamin B khác, thiếu biotin có liên quan đến tình trạng rụng tóc. Thịt, cá, trứng, các loại đậu, rau lá xanh đậm, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp sắt và kẽm dồi dào. Thực phẩm giàu Niacin bao gồm: thịt, cá, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, hạt và rau xanh. Những thực phẩm này cũng rất giàu biotin – chất cũng được tìm thấy trong lòng đỏ trứng và nội tạng.
Chứng dày sừng nang lông
Chứng dày sừng nang lông là tình trạng nổi mụn li ti như nổi da gà xuất hiện ở má, cánh tay, đùi hoặc mông. Những mụn li ti này cũng có thể đi kèm với lông xoắn hoặc lông mọc ngược. Nguyên nhân của dày sừng nang lông vẫn chưa được hiểu đầy đủ nhưng chúng có thể xuất hiện khi nang lông sản sinh ra quá nhiều chất sừng. Chứng dày sừng nang lông có thể có yếu tố di truyền, nghĩa là bạn có nhiều khả năng mắc bệnh hơn khi có thành viên trong gia đình cũng mắc bệnh này. Đồng thời, bệnh cũng được quan sát thấy ở những người có chế độ ăn ít vitamin A và C.
Như vậy, ngoài phương pháp điều trị truyền thống bằng kem bôi, người mắc bệnh này có thể cân nhắc bổ sung thực phẩm giàu vitamin A và C vào chế độ ăn uống của mình. Những loại thực phẩm này bao gồm nội tạng, sữa, trứng, cá, rau lá xanh đậm, rau màu vàng cam và trái cây.
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên, còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một tình trạng thần kinh gây ra cảm giác khó chịu và thôi thúc ở chân, khiến cho bạn phải di chuyển chúng liên tục. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp đôi so với nam giới. Đối với hầu hết mọi người, cảm giác muốn di chuyển dường như tăng lên khi họ đang thư giãn hoặc cố gắng ngủ. Mặc dù nguyên nhân chính xác của hội chứng chân không yên chưa được hiểu đầy đủ nhưng dường như có mối liên hệ giữa các triệu chứng của bệnh và nồng độ sắt trong máu.
Bổ sung sắt thường giúp giảm các triệu chứng của bệnh này, đặc biệt ở những người được chẩn đoán thiếu sắt. Tuy nhiên, tác dụng của việc bổ sung có thể khác nhau tùy theo từng người. Vì lượng sắt hấp thụ cao hơn dường như làm giảm các triệu chứng nên việc tăng cường ăn thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt, thịt gia cầm, cá, các loại đậu, rau lá xanh đậm, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể có lợi.
Bạn nên kết hợp những thực phẩm giàu chất sắt này với trái cây và rau quả giàu vitamin C, vì chúng giúp tăng khả năng hấp thụ sắt. Sử dụng nồi, chảo bằng gang và tránh uống trà hoặc cà phê trong bữa ăn cũng có thể giúp tăng cường hấp thu sắt.
Tóm lại, chế độ ăn uống không cung cấp đủ vitamin và khoáng chất có thể gây ra một số bệnh và triệu chứng. Thông thường, việc tăng lượng thức ăn giàu vitamin và khoáng chất thích hợp có thể giúp giải quyết hoặc làm giảm đáng kể các triệu chứng của bạn.
Thêm video hấp dẫn:
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Hoàng Hà Linh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Theo Healthline