Bảo quản sữa mẹ: Cách bảo quản và lời khuyên từ chuyên gia

25/11/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp được các chuyên gia đánh giá cao nhất. Tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó, mẹ không thể cho bé bú trực tiếp mà cần phải vắt sữa và trữ sữa. Chính bởi vậy, việc bảo quản sữa mẹ sau khi đã vắt là mối quan tâm hàng đầu của các mẹ. Vậy, làm cách nào để lưu trữ được nguồn dinh dưỡng dồi dào này?

Những công dụng tuyệt vời của sữa mẹ.  

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Bởi với trẻ, sữa mẹ là thức ăn thích hợp nhất về mức năng lượng, hoàn chỉnh nhất vì chứa đầy đủ các chất cần thiết như đạm, đường, béo, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp giúp trẻ tăng cường hấp thu và phát triển tối ưu. Bên cạnh đó, sữa mẹ còn chứa hàm lượng lớn các chất kháng khuẩn tự nhiên, giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.  

Bên cạnh đó, việc cho trẻ bú mẹ thường xuyên còn giúp mẹ cải thiện tình trạng tâm lý, thúc đẩy quá trình hồi phục, giảm nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính ở trẻ. Đồng thời, trẻ cũng sẽ cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ. 

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng cách. 

Vì những lợi ích tuyệt vời của sữa mẹ và từ việc cho trẻ bú mẹ trực tiếp, vắt sữa chỉ nên được thực hiện trong những trường hợp bất khả kháng như: trẻ quá nhẹ cân hoặc đang có bệnh và không thể bú mẹ; duy trì nguồn sữa mẹ khi mẹ bị ốm; vắt sữa cho trẻ uống khi mẹ đi làm hoặc không ở gần nhà hay để giảm bớt tình trạng căng tức bầu sữa,…. 

Những dụng cụ mẹ nên dùng để bảo quản sữa: 

Bình trữ sữa bằng nhựa cứng hoặc thuỷ tinh có nắp đậy, đã được vệ sinh bằng nước ấm và để ráo hoặc được tiệt trùng bằng máy. 

Túi trữ sữa chuyên dụng với dung tích khoảng 60-120ml. 

Nhiệt độ và thời gian thích hợp nhất để bảo quản sữa:  

  • Ở nhiệt độ phòng, thời gian bảo quản thích hợp nhất là 4 tiếng. 
  • Với nhiệt độ từ 25 độ C đến 35 độ C, sữa có thể trữ được từ 6 tiếng đến 8 tiếng.  
  • Trong ngăn mát tủ lạnh, từ 0 độ C đến 4 độ C, thời gian lưu trữ là 3 đến 5 ngày. 
  • Ngăn đá tủ lạnh có thể bảo quản được 3 tháng. 
  • Với tủ đông chuyên biệt từ -18 độ C, sữa mẹ sau khi vắt có thể để đến 6 tháng sau.  

Những lưu ý trong việc bảo quản sữa mẹ

  • Nếu điều kiện kinh tế không cho phép hoặc trong trường hợp quá gấp, mẹ có thể sử dụng hộp đựng thực phẩm sạch được làm bằng thuỷ tinh hoặc nhựa cứng có nắp đậy. Tuyệt đối không được dùng các loại chai, túi có ký hiệu tái chế ( số 7) và túi nilon. 
  • Khi trữ sữa, mẹ nên ghi lại ngày vắt sữa và đánh số thứ tự để theo dõi thời gian bảo quản. 
  • Chỉ nên bảo quản với dung tích khoảng 60ml-120ml, phù hợp cho một cữ ăn của trẻ, tránh lãng phí. Tránh đổ quá đầy vì khi đông lại, sữa sẽ giãn nở ra.  
  • Làm nóng sữa bằng cách ngâm bình vào nước nóng hoặc dội nước nóng xung quanh. Tuyệt đối không đun sôi, không cho vào lò vi sóng. Sau khi sữa đã rã đông và làm ấm, chỉ sử dụng trong vòng 2 giờ và nếu còn thừa thì đổ bỏ, không làm đông lại.  
  • Vì sữa mẹ chứa rất nhiều đường, đạm béo nên dễ lên men và biến chất nếu không được bảo quản đúng cách. Khi phát hiện bất kỳ sự biến đổi nào về màu sắc, mùi vị, mẹ không nên cho trẻ sử dụng để tránh nguy cơ gây ra các bệnh nhiễm khuẩn tiêu hoá hoặc tiêu chảy. 
  • Mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc dụng cụ nhưng phải đảm bảo rửa tay/ sát khuẩn tuyệt đối. 
  • Sữa mẹ để càng lâu, cho dù trong tủ lạnh hay tủ động thì đều có sự hao hụt về thành phần dinh dưỡng. Điều quan trọng là mẹ cần nắm rõ cách tốt nhất để bảo quản sữa, giúp hạn chế hao hụt về chất lượng cũng như vấn đề về đảm bảo an toàn vệ sinh.  


| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY