Bổ sung vitamin cho mẹ sau khi sinh như thế nào?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Sau khi sinh, cơ thể người mẹ bị hao hụt một lượng rất lớn vitamin và khoáng chất. Do vậy, một trong số những điều quan trọng trong kế hoạch chăm sóc sau sinh của bạn là phải bù đắp và bổ sung lượng vitamin và khoáng chất mất đi này.

Tại sao bổ sung vitamin sau sinh lại quan trọng?

Mang thai khiến cơ thể thiếu rất nhiều vitamin quan trọng, bao gồm folate, canxi và vitamin B6. Ngoài ra, nếu bạn cho con bú, nhu cầu các chất dinh dưỡng nói chung của bạn sẽ cao hơn so với khi mang thai. Thông thường, phụ nữ cho con bú không đáp ứng nhu cầu canxi, kẽm, magie và các chất dinh dưỡng khác theo nhu cầu khuyến nghị. Ngoài ra, nhu cầu các chất như vitamin A, B1, B2, B6, B12, DHA, choline và iot cũng sẽ tăng cao để sản xuất sữa.

Dinh dưỡng tốt sẽ giúp em bé phát triển cả về mặt thể chất và trí não. Trí não của trẻ phát triển nhanh nhất trong những năm đầu đời, vì vậy, sữa mẹ chính là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ để phát triển khả năng nhận thức trong suốt cả đời.

Mặc dù một chế độ ăn giàu dinh dưỡng có thể giúp bạn đáp ứng các nhu cầu vitamin khuyến nghị nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng bạn nên bổ sung vitamin sau khi sinh đểchắc chắn rằng lượng vitamin và khoáng chất luôn được bổ sung đầy đủ.

Nên bổ sung vitamin sau sinh trong khoảng bao lâu?

Chắc chắn rằng bạn đã uống vitamin dành cho bà bầu trước khi sinh. Trong nhiều trường hợp, bác sỹ khuyến cáo rằng bạn nên tiếp tục bổ sung loại vitamin này sau khi sinh. Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên bổ sung vitamin sau sinh càng lâu càng tốt, miễn là bạn đang cho con bú. Một số chuyên gia còn khuyến nghị rằng, kể cả sau khi đã cai sữa, bạn vẫn nên bổ sung vitamin này, đặc biệt là nếu bạn có kế hoạch sinh thêm một em bé nữa. Những phụ nữ không cho con bú cũng nên tiếp tục bổ sung vitamin trong ít nhất 6 tháng sau khi sinh để đảm bảo rằng lượng dinh dưỡng mất đi sẽ được thay thế.

Các loại vitamin cho phụ nữ đang cho con bú

Sắt

Phụ nữ sau sinh thường bị thiếu sắt, đặc biệt là nếu họ bị xuất huyết trong khi mang thai và sinh nở. Mệt mỏi, khó thở kể cả khi làm việc nhẹ, suy nhược là những biểu hiện của tình trạng thiếu sắt. Nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng nên tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu thiết sắt sau khi sinh khoảng 6 tuần. Bạn cũng cần đảm bảo rằng bạn bổ sung sắt cùng với vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt. Nhu cầu khuyến nghị sắt cho phụ nữ cho con bú tuổi từ 19 đến 50 là 13.3mg/ngày. Ngoài việc sử dụng thực phẩm bổ sung, tiêu thụ các loại thực phẩm giàu sắt như nội tạng động vật, thịt đỏ và động vật có thịt màu đỏ cũng là một cách.

Iot

Bạn cần bổ sung iot để giúp tuyến giáp luôn hoạt động hiệu quả, cũng như giúp não bộ và hệ thần kinh của trẻ phát triển. Các loại thực phẩm như muối iot, cá, các chế phẩm từ sữa và thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên cám đều có chứa iot. Nhưng nếu bạn sử dụng thực phẩm bổ sung, thì theo khuyến nghị phụ nữ mang thai nên bổ sung khoảng 250 microgam/ngày. Bạn cũng cần biết rằng đa số các loại vitamin dành cho bà bầu đều không có chứa iot. Nếu loại vitamin bạn sử dụng không chứa iot và bạn không tiêu thụ các loại thực phẩm giàu iot hàng ngày, bạn sẽ cần bổ sung iot riêng.

Vitamin D

Theo khuyến nghị, phụ nữ mang thai cần bổ sung 20mcg (800IU)/ngày. Tuy nhiên, lượng vitamin D này sẽ không đảm bảo rằng em bé cũng sẽ nhận được đủ lượng vitamin D qua sữa mẹ. Theo khuyến nghị, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hoặc uống ít hơn 1 lít sữa công thức/ngày nên được bổ sung 400IU vitamin D/ngày, bắt đầu từ ngay sau khi sinh đến khi 1 tuổi. Những phụ nữ không cho con bú cũng cần bổ sung vitamin D vì nhu cầu vitamin D của họ thường cũng sẽ cao hơn lượng vitamin D trong các loại vitamin dành cho bà bầu.

Vitamin B12

Bổ sung vitamin B12 là đặc biệt quan trọng với các bà mẹ ăn chay bởi chế độ ăn này có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B12 ở cả mẹ và/hoặc trẻ. Không đủ vitamin B12 có thể ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của sữa mẹ và làm giảm lượng vitamin B12 mà bé nạp vào.

Choline

Đa số phụ nữ không bổ sung đủ chất dinh dưỡng này. Choline là một chất dinh dưỡng tương tự như vitamin nhóm B. Một nghiên cứu năm 2019 gợi ý rằng phụ nữ cho con bú nên tăng lượng choline lên 550mg/ngày. Các dạng choline trong các thực phẩm bổ sung thường thấy là choline bitartrate, phosphatidylcholine, hoặc  lecithin. Ngoài ra, bạn cũng có thể tăng bổ sung thịt, trứng, thịt gia cầm, cá và sữa bởi những sản phẩm này cung cấp nguồn choline tự nhiên. Phụ nữ ăn chay nên bổ sung choline dưới dạng thực phẩm bổ sung vì họ có nguy cơ thiếu choline cao hơn

DHA

DHA là một loại axit béo omega 3 không bão hoà đa giúp phát triển trí não, mắt và hệ thần kinh. Giống như nhiều loại omega 3 khác, cơ thể không thể tự sản xuất ra DHA nên cần được bổ sung DHA từ thực phẩm bổ sung hoặc thực phẩm. Các loại thực phẩm giàu DHA bao gồm cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu. Hãy cố gắng ăn các loại cá này ít nhất 1-2 lần/tuần. Nếu bạn sử dụng thực phẩm bổ sung hãy bổ sung ít nhất 250-375mg DHA và EPA/ngày.

Vitamin dành cho bà bầu và vitamin sau sinh?

Bạn đã bao giờ thắc mắc về sự khác biệt giữa 2 loại vitamin này không? Nếu bạn đang uống dở 1 lọ vitamin trước sinh, thì bạn vẫn có thể tiếp tục uống nốt lọ vitamin đó sau khi sinh mà không gây hại gì. Vitamin sau sinh thường có chứa hàm lượng vitamin A, C, D, K và khoáng chất (canxi và magie) cao hơn. Lượng cao hơn này sẽ đảm bảo cả bạn và em bé sẽ được bổ sung đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Nếu bạn lựa chọn vẫn sử dụng vitamin từ trước khi sinh, hãy đảm bảo đã kiểm tra hàm lượng các loại vitamin này trước khi sử dụng.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY