Cơ thể bạn thèm ngủ, giống như thèm ăn. Trong suốt cả ngày, ham muốn về giấc ngủ của bạn sẽ hình thành và khi nó đạt đến một thời điểm nhất định, bạn cần phải ngủ.
Chăm sóc giấc ngủ ở người trẻ
Giấc ngủ chiếm 1/4 đến 1/3 cuộc đời của con người.
Cơ thể bạn thèm ngủ, giống như thèm ăn. Trong suốt cả ngày, ham muốn về giấc ngủ của bạn sẽ hình thành và khi nó đạt đến một thời điểm nhất định, bạn cần phải ngủ. Sự khác biệt chính giữa giấc ngủ và cơn đói: cơ thể bạn không thể ép bạn ăn khi đói, nhưng khi bạn mệt mỏi, nó có thể đưa bạn vào giấc ngủ, ngay cả khi bạn đang họp hay ngồi sau tay lái. Khi bạn kiệt sức, cơ thể bạn thậm chí có thể tham gia vào các giai đoạn ngủ ngắn trong một hoặc hai giây trong khi mắt bạn đang mở.
Tuy nhiên ngày nay những cụm từ như cú đêm, thiếu ngủ, mệt mỏi lại đang đồng hành với không ít các bạn trẻ và rất nhiều bạn trẻ chưa quan tâm đến giấc ngủ cũng như chăm sóc giấc ngủ của bản thân một cách khoa học, lành mạnh.
Bạn nên ngủ bao nhiêu là đủ?
Nhu cầu ngủ của mỗi người mỗi khác. Ngoài việc đặt mục tiêu ngủ bao nhiêu mỗi đêm, cần phải xem cảm giác của bạn khi thức dậy vào buổi sáng để biết bạn ngủ có ngon giấc hay không. Tuy nhiên thời gian ngủ không quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ (ngủ sâu và thẳng giấc).
Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ khuyến nghị, nên ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm.
Đặc biệt, thời gian ngủ một ngày bao nhiêu là đủ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Chất lượng giấc ngủ: Nếu giấc ngủ của bạn thường xuyên bị gián đoạn, bạn thường thức giấc và khó ngủ lại, bạn sẽ không có được một giấc ngủ trọn vẹn và chất lượng. Chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn số lượng.
- Đã từng bị mất ngủ: Nếu bạn thiếu ngủ thường xuyên, số lượng giấc ngủ và thời gian ngủ cần tăng lên.
- Mất ngủ khi mang thai: Khi mang thai, cơ thể có sự thay đổi về nồng độ hormone và sự khó chịu về thể chất nên dễ dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém.
Theo Hiệp hội Giấc ngủ Anh – Sleep Council sau 22 giờ là khoảng thời gian mà các cơ quan trong cơ thể giảm sự hoạt động và đòi hỏi được nghỉ ngơi. Vì vậy 22-23h là thời gian ngủ hợp lý vì khi đó, nhiệt độ cơ thể và mức độ hormone căng thẳng cortisol bắt đầu giảm xuống, não cũng bắt đầu sản xuất melatonin – một loại hormone gây ngủ, giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ.
Việc ngủ muộn, thói quen hoạt động về đêm của nhiều bạn trẻ về lâu về dài có thể gây các vấn đề về rối loạn giấc ngủ cụ thể những rối loạn hay gặp ở hiện nay là: chứng mất ngủ, khó ngủ – gây khó vào giấc và bị tỉnh giấc giữa đêm khó ngủ lại. Tình trạng này có thể khiến bạn:
- Khó đi vào giấc ngủ, hay trằn trọc, mộng mị, mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, kiệt sức, ngáp ngủ, ngủ gà gật vào ban ngày.
- Thiếu tập trung chú ý trong mọi công việc, khả năng ghi nhớ kém.
- Không thể giữ sự tỉnh táo khi phải ngồi yên, xem ti vi, đọc sách, làm việc,…
- Lờ đờ, phản ứng chậm chạp trong mọi hoàn cảnh.
- Khó kiểm soát cảm xúc, dễ nổi nóng, tức giận.
- Cần sử dụng cà phê mỗi ngày để giữ sự tỉnh táo.
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sức khỏe giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ miễn dịch. Bởi vậy, tình trạng rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ, ngủ muộn lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cụ thể:
- Giảm khả năng tập trung chú ý, dẫn đến giảm chất lượng công việc, cuộc sống.
- Giảm khả năng ghi nhớ, tư duy và suy luận logic của não bộ.
- Rối loạn cảm xúc, hay chán nản, vui buồn thất thường, dễ rơi vào lo âu, trầm cảm.
- Suy giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như tiểu đường, các bệnh lý tim mạch…
Cách phòng tránh, cải thiện giấc ngủ cần lưu ý:
- Duy trì lịch ngủ và thức vào một khung giờ nhất định trong ngày.
- Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ tối thiểu 1 giờ.
- Tránh các yếu tố gây căng thẳng, kích thích thần kinh (đặc biệt là trước khi ngủ).
- Duy trì cân nặng hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Hạn chế ăn các món chiên xào nhiều chất béo, dầu mỡ khó tiêu trước ngủ.
- Tập thể dục, vận động thường xuyên.
- Uống ít nước trước khi đi ngủ.
Chế độ ăn uống hằng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Việc tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với chất lượng giấc ngủ con người. Việc thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, magie và các loại vitamin A, C, D, E và K đều làm tăng khả năng ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ cho bạn.
- Nên ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây,
- Hạn chế tiêu thụ quá nhiều thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều đường như bánh kẹo, các loại rượu bia và đồ uống có cồn,… và thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, nhiều caffein vì các loại thực phẩm này có thể làm tăng số lần thức giấc vào ban đêm và giảm thời gian ngủ sâu, khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
BS. Nguyễn Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM