Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị và duy trì sức khỏe cho người bệnh tiểu đường, chế độ ăn vẫn cần đa dạng và phù hợp với từng giai đoạn bệnh, và cho từng cá thể khác nhau.
Lượng thức ăn và đồ uống cần phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động và mục tiêu người bệnh hướng tới. Không có loại thực phẩm nào chứa tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần. Đó là lý do tại sao chế độ ăn uống lành mạnh phải đa dạng và lựa chọn các loại thực phẩm khác nhau từ mỗi nhóm thực phẩm chính mỗi ngày.
Contents
Trái cây và rau quả
Mắc bệnh tiểu đường không có nghĩa là không thể ăn trái cây. Trái cây và rau quả tự nhiên có lượng calo thấp và chứa đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ. Chúng cũng tăng thêm hương vị và sự đa dạng cho mỗi bữa ăn. Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến nghị người bị bệnh tiểu đường nên ăn những loại trái cây có chỉ số GI thấp, nên ở mức dưới 55 và thậm chí là dưới 30. Một vài ví dụ về hoa quả ít ngọt, bao gồm: bưởi, cam, cherry, dâu tây, táo, lê, đào, ổi, mận,…
Đọc thêm: Các loại rau củ có chỉ số GI thấp tốt cho người bệnh đái tháo đường
Trái cây tươi, đông lạnh, sấy khô và đóng hộp – tất cả đều được. Hãy chọn trái cây nhiều màu sắc để có được nhiều loại vitamin và khoáng chất nhất có thể. Cố gắng tránh nước ép trái cây và sinh tố vì chúng không có nhiều chất xơ.
Hạn chế lượng carbohydrate nạp vào không có nghĩa là phải kiêng ăn trái cây. Chỉ cần lưu ý lựa chọn các loại trái cây có chỉ số GI thấp.
Trái cây và rau quả có thể giúp bảo vệ chống lại đột quỵ, bệnh tim, tăng huyết áp và một số bệnh ung thư – những người bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn.
Khẩu phần ăn: khoảng 200 g mỗi ngày.
Tinh bột: nên chọn loại nào?
Thực phẩm giàu tinh bột bao gồm khoai tây, gạo, mì ống, bánh mì. Tất cả chúng đều chứa carbohydrate, được phân hủy thành glucose và được các tế bào của chúng ta sử dụng làm nhiên liệu. Vấn đề cần chú ý là những thực phẩm giàu tinh bột là chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng gây khó kiểm soát bệnh tiểu đường hơn, đó là những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao.
Có một số lựa chọn tốt hơn cho thực phẩm giàu tinh bột. Đó là những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, như bánh mì, mì sợi nguyên cám, gạo lứt. Chúng cũng có nhiều chất xơ hơn, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Vì vậy, nếu đang cố gắng cắt giảm carbohydrate, hãy cắt giảm những thực phẩm như bánh mì trắng, gạo xay sát trắng…
Khẩu phần ăn: 20-50 gram mỗi ngày.
Thực phẩm giàu protein
Thịt và cá có hàm lượng protein cao, giúp cơ bắp khỏe mạnh.Tuy nhiên, bạn cần hạn chế thịt đỏ và ưu tiên thịt trắng từ gia cầm. Cá nhiều dầu như cá thu, cá hồi và cá mòi có nhiều omega-3, có thể giúp bảo vệ tim.
Khối lượng nên ăn: 1 – 1,5g protein/kg/ngày cho người trưởng thành với lượng cholesterol dưới 300 miligam mỗi ngày.
Chế phẩm từ sữa và các lựa chọn thay thế
Sữa, phô mai và sữa chua có nhiều canxi và protein – rất tốt cho xương, răng và cơ bắp. Nhưng một số sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, vì vậy hãy chọn các sản phẩm thay thế ít chất béo hơn.
Đối với những loại sữa/sữa chua ít béo, cần kiểm tra kỹ lượng đường bổ sung vì những loại này thường sẽ chứa nhiều đường hơn, thậm chí nhiều hơn cả sữa/sữa chua nguyên kem. Tốt hơn là nên dùng sữa chua không đường và thêm một số loại quả mọng nếu muốn ngọt hơn. Nếu thích một loại thay thế từ sữa như sữa đậu nành, hãy chọn loại không đường và bổ sung canxi.
Lưu ý: cần bổ sung canxi mỗi ngày (khoảng 300 mg canxi).
Một số loại dầu cần tránh
Chúng ta cần nạp đủ chất béo trong chế độ ăn uống của mình nhưng nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa dạng trans, vì chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Những chất béo bão hòa phổ biến bao gồm bơ động vật, dầu hạt cọ và dầu dừa.
Chất béo lành mạnh hơn bao gồm dầu ô liu, dầu thực vật, dầu hạt cải, các loại bơ làm từ các loại dầu này và bơ hạt.
Hạn chế thực phẩm có nhiều muối và đường
Người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường cần hạn chế muối và đường hết mức có thể. Những thực phẩm này bao gồm bánh quy, khoai tây chiên, sôcôla, bánh ngọt, kem, bơ và đồ uống có đường. Những thực phẩm và đồ uống có đường này có nhiều calo và làm tăng lượng đường trong máu, vì vậy hãy chọn các loại đồ ăn kiêng, đồ ăn nhẹ hoặc ít calo. Một số đồ ă chế biến sẵn, ướp muối có thể khiến có nguy cơ cao bị huyết áp cao và đột quỵ.
Ngoài ra không nên ăn quá 1 thìa cà phê (6g) muối mỗi ngày. Đồ uống tốt nhất để lựa chọn là nước lọc – không có calo.
Chúng tôi không khuyến khích dùng kem hoặc đồ ngọt dán nhãn ‘dành cho người tiểu đường’. Hiện nay, việc dán nhãn thực phẩm dành cho người tiểu đường cũng được xem xét cẩn trọng cả về mặt quy định cũng như người sử dụng. Cũng cần nhấn mạnh một chế độ ăn đa dạng, khoa học là rất quan trọng cho người bệnh tiểu đường.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Trương Phan Hồng Hà – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM