Chế độ ăn và dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh bạch cầu

21/06/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Cho đến nay, bệnh bạch cầu là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư bạch cầu là 1 trong 3 bệnh ung thư phổ biến được chẩn đoán ở nhóm tuổi này. Các phương pháp điều trị đã tiến bộ đủ để cải thiện đáng kể triển vọng của bệnh bạch cầu ở trẻ em. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu đều có kết quả tốt như nhau. Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong quá trình điều trị có thể giúp hạn chế các biến chứng và cải thiện kết quả tốt hơn.

Chế độ ăn và dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh bạch cầu

Dinh dưỡng đóng một vai trò lớn. Theo đánh giá của các nghiên cứu gần đây, trẻ em có mức cân nặng đạt chuẩn sẽ có ít biến chứng khi điều trị hơn và tỷ lệ sống sót cao hơn so với những trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc thừa cân. Trẻ em có thể kén ăn và khi có thêm các tác dụng phụ của hóa trị liệu như cảm giác buồn nôn, chán ăn và lở miệng sẽ khiến việc cung cấp đủ dinh dưỡng càng trở thành một chặng đường khó khăn hơn.

Vậy, cha mẹ có thể làm gì để đảm bảo con mình được nuôi dưỡng tốt trong suốt hành trình điều trị ung thư?

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mắc bệnh bạch cầu

Trẻ mắc bệnh bạch cầu không cần áp dụng bất kỳ chế độ ăn kiêng cụ thể nào, nhưng sự đa dạng là điều rất quan trọng. Vấn đề không phải là trẻ cần ăn nhiều hơn một loại thực phẩm hay ít hơn một loại thực phẩm khác mà là phải đảm bảo đủ 5 nhóm thực phẩm chính. Bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa hoặc các chế phẩm từ sữa.

Việc hấp thụ đủ chất đạm từ các thực phẩm như cá, thịt gà và trứng sẽ giúp cơ thể hồi phục. Và đảm bảo trẻ được nhận đủ lượng calo có thể giúp ngăn ngừa việc giảm cân không mong muốn.

Đọc thêm tại bài viết: Những dấu hiệu thường gặp của bệnh bạch cầu ở trẻ em

Ăn uống để giảm tác dụng phụ của hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho hầu hết trẻ em mắc bệnh bạch cầu. Mặc dù hóa trị rất hiệu quả trong việc ngăn chặn ung thư nhưng nó có thể để lại nhiều tác dụng phụ khó chịu. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một số tác dụng phụ phổ biến nhất là:

  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Buồn nôn và nôn
  • Loét miệng
  • Mệt mỏi
  • Rụng tóc
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Dễ bầm tím và chảy máu

Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ không còn sau khi kết thúc điều trị. Trong thời gian chờ đợi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm cảm giác buồn nôn và tăng số lượng tế bào máu để ngăn ngừa mệt mỏi, nhiễm trùng, bầm tím và chảy máu.

Chế độ ăn uống là một công cụ khác để quản lý các tác dụng phụ của điều trị. Chia nhỏ khẩu phần ăn là một cách giúp trẻ hạn chế cảm giác buồn nôn hoặc chán ăn. Thay vì ăn ba bữa một ngày, có thể cho trẻ ăn một lượng nhỏ và ăn thường xuyên hơn trong ngày, có thể là hai giờ một lần. Chế độ ăn nhạt cũng có thể dễ dàng được dung nạp hơn khi trẻ bị đau bụng và bị bệnh dạ dày.

Khi có vấn đề về vết loét miệng, hãy chọn những thực phẩm mềm hơn, không gây kích ứng, như bột yến mạch hoặc bánh pudding. Thức ăn lạnh, chẳng hạn như kem que, có thể tạo cảm giác dễ chịu ở những chỗ đau. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ nên hạn chế những thực phẩm có tính axit, vì điều này có thể làm vết loét trở nên trầm trọng hơn.

Đối phó với việc giảm cân không mong muốn

Tác động kết hợp của mệt mỏi, buồn nôn và các tác dụng phụ khác có thể dẫn đến giảm cân. Những trẻ bắt đầu điều trị với cân nặng đạt chuẩn có thể trở nên quá gầy và thiếu dinh dưỡng nếu không ăn đủ chất.

Cùng với việc ăn nhiều bữa nhỏ hơn, bạn cũng nên chế biến những món ăn giàu calo và chất dinh dưỡng để dễ tiêu hóa, chẳng hạn như sữa lắc hoặc sinh tố. Các loại thực phẩm như bơ đậu phộng, phô mai que và sữa nguyên chất đều tốt cho sức khỏe của trẻ và chứa nhiều calo.

Hiện nay, có nhiều loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đường uống khác nhau có thể sử dụng, có hàm lượng calo và protein cao hơn, đồng thời có thêm vitamin và khoáng chất.

Đối phó với tình trạng tăng cân do sử dụng steroid

Một số trẻ có vấn đề ngược lại. Thuốc steroid thường được dùng cùng với hóa trị liệu có thể khiến trẻ tăng cảm giác đói và gây tăng cân. Steroid có thể thực sự là một thách thức vì chúng thường khiến trẻ thèm những thực phẩm có hàm lượng carbohydrate và muối rất cao. Hãy để trẻ ăn một số loại thực phẩm mà trẻ muốn, đồng thời vẫn khuyến khích những lựa chọn lành mạnh hơn như trái cây và rau quả.

Sau khi trẻ dùng xong steroid, cảm giác thèm ăn và cân nặng của trẻ có thể trở lại bình thường.

Đọc thêm tại bài viết: Các loại thuốc phổ biến có thể gây tăng cân

Vấn đề về an toàn thực phẩm

Điều trị ung thư có thể làm tổn thương các tế bào miễn dịch có chức năng chống lại nhiễm trùng. An toàn thực phẩm là điều rất quan trọng trong thời điểm này để ngăn ngừa các nguy cơ bệnh tật do thực phẩm. Không ăn bất kỳ thực phẩm nào nếu chưa được nấu chín hoặc thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn. 

Trẻ mắc bệnh bạch cầu cũng nên tránh các sản phẩm sữa tươi hoặc chưa tiệt trùng và mật ong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết những thực phẩm này có thể chứa các vi khuẩn có hại như Campylobacter, E. coli và Salmonella, cùng nhiều vi khuẩn khác và khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng.

Đảm bảo rằng trẻ và mọi thành viên trong gia đình rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn. Ngoài ra, hãy rửa tất cả trái cây và rau quả tươi trước khi sử dụng.

Đọc thêm tại bài viết: Tạo thói quen rửa tay cho trẻ

Các thực phẩm cần tránh

Ngoài những thứ chưa được nấu chín hoặc chưa tiệt trùng, hầu hết các loại thực phẩm đều không bị giới hạn. Tuy nhiên, bạn nên nhẹ nhàng hướng trẻ tránh xa những thực phẩm không cung cấp dinh dưỡng, chẳng hạn như thức ăn nhanh, đồ ăn nhẹ đóng gói, nước ngọt và kẹo.

Ngay cả đối với những trẻ thiếu dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin và khoáng chất thường không được khuyến khích trong quá trình điều trị ung thư. Do một số vitamin và khoáng chất có thể tương tác với các loại thuốc hóa trị. Đó là lúc chế độ ăn uống đa dạng càng trở nên quan trọng hơn, để đảm bảo trẻ nhận được những chất dinh dưỡng đó theo những cách khác nhau.

BS. Lê Minh Khánh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY