Có nên cho dầu mỡ vào bột/cháo ăn dặm của bé không?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

5-9 tháng tuổi ăn dặm có nên bổ sung dầu mỡ vào cháo?

Chất béo cực kỳ quan trọng với sự phát triển của con người, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi ăn dặm. Chất béo cần thiết cho việc phát triển não bộ và các chức năng sinh hóa trong cơ thể. Mặt khác chất béo còn là môi trường để các vitamin tan trong dầu hoạt động (vitamin A, D, E, K) và cơ thể chỉ có thể hấp thu được các vitamin này khi có đủ lượng chất béo cần thiết. Như vậy trong chế độ ăn của trẻ trong thời kỳ ăn dặm cần phải có chất béo.

Chất béo có trong rất nhiều thực phẩm hàng ngày mà trẻ ăn, từ sữa mẹ, sữa công thức, thịt, cá, phô mai, váng sữa…. Vậy nên điều mà các bậc phụ huynh thắc mắc là nếu đã có trong những thực phẩm này thì việc cho thêm dầu, mỡ ở ngoài có cần thiết không?

Câu trả lời là có. Vì những lý do sau:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc năm 2010 và Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị năm 2015 của Nhật Bản: Đối với tất cả các trẻ dưới 6 tháng tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp chiếm 40-60% năng lượng tổng số. Đối với trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, năng lượng do chất béo cung cấp chiếm 30-40%. Như vậy thì lượng chất béo dành cho 0-5 tháng rơi vào khoảng 22-37g/ngày, từ 6-9 tháng tuổi cần 20-29g/ngày tùy thuộc vào mức năng lượng mà trẻ ăn được vào mỗi ngày.

Nếu trong độ tuổi 5-9 tháng trẻ bú mẹ trung bình được 700-800 ml/ngày, cung cấp được 21-24g chất béo trong trường hợp chế độ ăn của mẹ đầy đủ các chất dinh dưỡng và sữa mẹ vẫn còn đậm đặc. Trong trường hợp sử dụng sữa công thức, lượng chất béo cũng tương đương như sữa mẹ. Như vậy là vẫn còn thiếu trung bình khoảng 5g chất béo nữa và còn thiếu rất nhiều so với lượng 37g được khuyến nghị ở trên. Giả sử độ tuổi tuổi này trẻ ăn thêm được 1-2 bữa cháo, mỗi bữa ăn được khoảng 15g thịt/cá/tôm thì lượng chất béo bổ sung thêm được tối đa là 1g có trong thực phẩm, trừ khi trẻ ăn lòng đỏ trứng thì 15g lòng đỏ trứng sẽ cung cấp gần 5g chất béo. Như vậy vẫn cần thêm tối thiểu 1g và tối đa 5g chất béo đến từ dầu mỡ bổ sung ngoài. Sự tính toán này chính xác nếu trẻ ăn đúng được lượng đồ ăn như đã đề cập, không thừa, không nôn trớ, đồng thời mẹ cũng nấu đúng số lượng như thế.

Như vậy việc khuyến nghị cho thêm dầu/ mỡ vào bữa ăn là vô cùng hợp lý. Nhất là trong trường hợp trẻ biếng ăn, ăn không đủ số lượng thì chất béo lại còn vô cùng quan trọng. Vì dầu mỡ cung cấp rất nhiều năng lượng, khi trẻ đã không ăn được nhiều thì phương pháp làm tăng đậm độ năng lượng bằng dầu mỡ là giải pháp tối ưu cho cả mẹ và trẻ.

Ăn dặm chỉ ăn dầu?

Dầu ăn hay mỡ đều là chất béo, đều cung cấp một lượng năng lượng như nhau, nhưng bản chất hóa học khác nhau nên có những chức năng khác nhau trong cơ thể. Cơ trẻ em cần có cả hai loại để phát triển. Đó là lý do chúng ta không chỉ chú trọng vào cho trẻ ăn dầu ăn (dầu o liu, dầu hạt cải…) mà còn nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật (mỡ lợn, mỡ gà, váng sữa, phô mai…).

Lưu ý khi chọn dầu: Không phải dầu ăn nào cũng có thể sử dụng làm dầu trộn vào cháo nên hãy lựa chọn những loại dầu để trộn như dầu ô liu cực kỳ nguyên chất, các loại dầu trộn dành riêng cho trẻ em để phù hợp với khẩu vị của trẻ.

>>>Tham khảo: 15 thực phẩm dinh dưỡng tăng trưởng chiều cao cho trẻ

Chất béo có gây khó tiêu, tiêu chảy cho trẻ hay không?

Chất béo cũng đã được chứng minh là không làm tăng gánh nặng cho các cơ quan trong cơ thể trẻ mà chúng còn là một chất cần thiết để các cơ quan phát triển và trưởng thành. Với một lượng ăn hợp lý theo độ tuổi, trẻ sẽ đạt được sự khỏe mạnh cần thiết. Trong một vài trường hợp trẻ bị táo bón, tiêu chảy có liên quan đến sử dụng dầu mỡ đó là do sử dụng sai cách như đồ ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng các loại dầu chiên đi lại,…. Nhưng trong những trường hợp đó, tiêu chảy và táo bón có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà chính bậc phụ huynh vẫn chưa nhìn nhận được ra. Một trong những quan niệm phổ biến nhất của bố mẹ khi bổ sung chất béo vào thức ăn của trẻ là dầu mỡ sẽ khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên quan niệm này không đúng bởi dầu mỡ không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón hay tiêu chảy cho trẻ. Rối loạn tiêu hóa thường xảy ra với những trẻ có chế độ sinh hoạt chưa đúng hoặc do thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh chứ không phải do chế độ ăn có dầu mỡ.

Cuối cùng trẻ em không phải người lớn thu nhỏ. Các bậc phụ huynh tưởng rằng khi cho dầu/mỡ vào sẽ khiến bát cháo bị ngấy nhưng khẩu vị của trẻ lại khác, và đôi khi ăn uống là một thói quen, cái gì luyện nhiều cũng sẽ thành thói quen. Sử dụng chất béo hợp lý khoa học cho mọi lứa tuổi sẽ giúp trẻ có sức khỏe và sự phát triển tốt nhất.

Làm thế nào để có một thực đơn khoa học, một chế độ ăn, ngủ, luyện tập hợp lý? Liên hệ ngay với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY