Bài viết này sẽ chỉ ra một số thói quen ăn uống hay gặp ở người Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền có gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, đưa ra các biện pháp xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh trong ngày Tết.
Tết đến xuân về cũng là lúc khắp nơi tràn ngập tinh thần lễ hội, những bữa tiệc cùng gia đình, bạn bè diễn ra thường xuyên với vô số các món ăn ngon. Trong những ngày này, cần chú trọng để ý đến thói quen ăn uống để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và cả gia đình.
Thói quen ăn uống ngày Tết gây hại cho sức khỏe
Mâm cơm ngày tết của người Việt với vô vàn những món ăn ngon như bánh chưng, giò chả, nem rán, dưa hành, bánh kẹo,…
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt và đồ ăn mặn có thể dẫn đến tăng cân, tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và góp phần làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa các chất phụ gia gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Các món chiên xào, góp phần nạp vào cơ thể nhiều chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa này làm tăng mức cholesterol LDL (cholesterol xấu), làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh về tim mạch.
Ăn uống thất thường, không ăn đúng bữa, bỏ bữa trong những ngày này làm rối loạn quá trình trao đổi chất của cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và mất cân bằng năng lượng.
Trong các bữa ăn ngày lễ, bạn có thể ăn quá no, ăn nhiều hơn so với ngày thường. Thói quen này khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động quá mức, gây đầy hơi, chướng bụng, thậm chí nếu thói quen này kéo dài có thể gây tăng cân, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.
Rượu bia, nước ngọt cũng là những đồ uống không thể thiếu trong các mâm cơm ngày Tết, thậm chí, nó còn được tiêu thụ với tần suất dày đặc hơn trong những ngày này. Uống nhiều rượu bia, nước ngọt nhưng lại uống ít nước sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, không chỉ tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường, mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần làm cơ thể mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và các cơ quan khác trong cơ thể.
Việc ăn nhiều mà lười vận động còn làm tích tụ mỡ, năng lượng không được tiêu hao, gia tăng nguy cơ béo phì.
Xây dựng thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh
Kể cả ngày Tết hay những ngày thường thì bạn cũng nên ăn uống đầy đủ các nhóm thực phẩm, tập trung vào carbohydrate phức hợp, protein nạc và chất béo lành mạnh. Bổ sung nhiều loại trái cây và rau củ nhiều màu sắc, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế bỏ bữa, tránh ăn quá nhiều, ăn vừa đủ để không bị no quá, tránh làm tổn thương dạ dày.
Bạn có thể lên kế hoạch trước cho bữa ăn ngày Tết, kết hợp cân bằng protein, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau nhiều màu sắc. Cân nhắc việc chuẩn bị bữa ăn trước để đảm bảo luôn có sẵn các lựa chọn cân bằng và bổ dưỡng. Điều này giúp ngăn chặn việc lựa chọn các loại thực phẩm không lành mạnh.
Hãy chú ý đến kích thước khẩu phần ăn. Sử dụng đĩa, bát đựng thức ăn nhỏ hơn giúp kiểm soát khẩu phần ăn và ngăn ngừa lượng calo nạp vào quá mức.
Nước rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng và các chức năng khác của cơ thể. Thay vì uống rượu bia và nước ngọt thì hãy uống đủ nước và lựa chọn các loại thực phẩm mọng nước như trái cây và rau củ. Không chỉ cung cấp nước mà còn cung cấp thêm các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tập uống nước từ từ, chia đều thời gian uống nước hợp lí, không để đến khi khát thì mới uống. Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo nhu cầu nước ở người trưởng thành nên uống khoảng 2,5 lít/ngày.
Lồng ghép các hoạt động thể chất vào dịp Tết. Những ngày này bạn đừng lười biếng mà hãy tăng cường vận động, các hoạt động thể dục thể thao. Tham gia các hoạt động cùng gia đình, bạn bè như đi dạo, các trò chơi ngoài trời, hoặc đơn giản là cùng nhau chuẩn bị một bữa ăn. Điều này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất mà còn giúp bạn và gia đình trở nên gắn kết hơn, nâng cao sức khỏe tinh thần.
Lựa chọn các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn như hấp, nướng thay vì chiên ngập dầu. Những phương pháp này vẫn đảm bảo cung cấp các chất dinh dưỡng đồng thời hạn chế lượng calo tiêu thụ vào người. Nấu vừa đủ, hạn chế nấu lại thức ăn nhiều lần, không nên tái sử dụng lại dầu mỡ cũ do các chất dinh dưỡng bị biến đổi, gây độc cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn có thể thực hành ăn uống chánh niệm bằng cách thưởng thức từng miếng, ăn chậm và chú ý đến các dấu hiệu đói và no, chú ý đến hương vị, kết cấu và mùi thơm. Nâng cao trải nghiệm ăn uống và khuyến khích cách tiếp cận có ý thức hơn trong việc tiêu thụ thực phẩm. Thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm và ngăn ngừa ăn quá nhiều.
Sức hấp dẫn của việc thưởng thức các món ăn trong ngày Tết là điều không thể phủ nhận. Quan trọng là bạn cần phải hiểu được thói quen ăn uống trong dịp Tết của mình tác động thế nào đến sức khỏe. Ưu tiên một chế độ ăn uống cân bằng, kết hợp các loại thực phẩm đa dạng và nhiều màu sắc, cùng với lối sống lành mạnh, hoạt động thể chất đầy đủ sẽ mang lại sức khỏe lâu dài, giúp bạn tận hưởng không khí ngày Tết cổ truyền một cách trọn vẹn và ý nghĩa.
Bác sĩ Hồ Mai Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam