Giấm táo: thần dược hay ảo ảnh tiếp thị?

07/11/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ngày nay, không khó để tìm thấy giấm táo trong tủ bếp của các gia đình. Đây là dạng thực phẩm tự nhiên, lành mạnh, với nhiều công dụng cho sức khỏe của bạn. Theo thông tin truyền thông, dấm táo có tác dụng từ khử trùng bàn chải đánh răng của bạn cho đến điều trị bệnh tiểu đường và làm tan chảy vòng eo đầy mỡ,… Nghe thật thú vị đúng không? Tuy nhiên, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra khoa học nói gì về giấm táo: chúng thật sự là thần dược hay chỉ đơn giản là ảo ảnh của sự tiếp thị quá đà.

Giấm táo là gì?

Giấm táo là một trong những thành viên mới nhất của gia đình siêu thực phẩm hiện nay. Dù mới được biết đến rộng rãi thời gian gần đây, nhưng giấm táo đã là một thành phần trong y học dân gian trong nhiều thế kỷ.

Trước tiên, hãy nói về giấm nói chung. Những gì bạn nhận được trong giấm táo chỉ là một dạng axit axetic loãng – hay còn gọi là “giấm” trong ngôn ngữ thông thường. Giấm được tạo ra bằng cách lên men rượu hoặc đường với sự hiện diện của vi khuẩn axit axetic (Acetobacter). Rượu và đường để lên men thành giấm cũng có nguồn gốc từ thực phẩm. Và nguồn thực phẩm đó có thể bao gồm nhiều loại như gạo, ngũ cốc nguyên hạt, nho, rượu hoặc táo.

Cách làm giấm táo

Giấm táo: thần dược hay ảo ảnh tiếp thị? VIAM clinic
Cách làm giấm táo

Để làm giấm táo, táo được cắt nhỏ, đổ thêm nước và để cho đến khi đường tự nhiên lên men và tạo thành etanol. Giai đoạn thứ hai là khi vi khuẩn axit axetic chuyển đổi etanol thành axit axetic và tạo ra sản phẩm là giấm táo.

Và đó là tất cả, không có gì đặc biệt về quy trình làm giấm táo này. Giấm táo có màu nâu đục đặc trưng do không được lọc và chứa các sợi vật liệu được gọi là “cái”. Cái là hỗn hợp của protein, nấm men và vi khuẩn trông hơi giống mạng nhện trôi nổi trong giấm.

Nhiều người cho rằng tác dụng sức khỏe được đưa ra của giấm táo là do cái. Và có một lý do chính đáng cho điều này vì cái có thể là một loại men vi sinh tiềm năng. Nhưng tầm quan trọng của cái như một loại men vi sinh hiện không có nhiều nghiên cứu để chứng minh được tác dụng của cái.

Tuy nhiên, chỉ cần bạn thực hiện một tìm kiếm đơn giản trên Google về giấm táo sẽ cho thấy đủ loại tuyên bố tuyệt vời về sức khỏe: từ việc giảm nguy cơ ung thư đến thậm chí là loại bỏ gàu đến những lợi ích phổ biến hơn của giấm táo đối với việc giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu. Vậy thì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về những tác dụng thần kỳ đó.

Đọc thêm tại bài viết: Giấm táo giúp giảm mỡ bụng: sự thật thế nào?

Giấm táo hỗ trợ “đốt cháy” mỡ?

Tuyên bố rằng một ngụm giấm táo sẽ làm tan mỡ cơ thể, đặc biệt là giảm mỡ bụng là một tác dụng thật thần kỳ, tuy nhiên tuyên bố này lại có rất ít bằng chứng khoa học đằng sau nó, thậm chí hiện nay mới chỉ có hai thử nghiệm lâm sàng trên người.

Một nghiên cứu năm 2009 từ Nhật Bản cho thấy một nhóm nam và nữ thừa cân uống hai thìa giấm táo mỗi ngày trong 12 tuần đã thấy một lợi ích nhỏ đó là giảm khoảng dưới 2 kg cân nặng cơ thể. Trong khi đó, vòng eo và lượng triglyceride trong máu cũng giảm so với những người không uống giấm táo.

Một nghiên cứu gần đây hơn đã chỉ định ngẫu nhiên 39 người thực hiện chế độ ăn hạn chế calo có hoặc không có giấm táo trong 12 tuần. Mặc dù cả hai nhóm đều giảm cân, nhưng nhóm dùng giấm táo đã giảm nhiều hơn một chút: khoảng dưới 2 kg.

Giấm táo hỗ trợ "đốt cháy" mỡ? VIAM clinic
Giấm táo hỗ trợ “đốt cháy” mỡ?

Hai nghiên cứu này đưa ra kết quả rất thú vị, nhưng liệu phép màu có đến từ tác dụng tăng chuyển hóa của giấm táo không?

Đã có một số nghiên cứu về hương vị cho thấy rằng uống giấm có thể gây ra cảm giác buồn nôn nhẹ và giảm cảm giác thèm ăn. Điều đó không phủ nhận rằng giấm táo có thể có một lợi ích nhỏ trong việc giảm cân. Nhưng cơ chế ở đây có thể chỉ là giấm táo khiến bạn cảm thấy hơi khó chịu và giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giúp bạn giảm một chút cân nặng.

Giấm táo có giúp kiểm soát lượng đường trong máu?

Một tác dụng tuyệt vời khác của giấm táo được tiếp thị là sẽ làm giảm lượng đường trong máu và mức insulin. Điều này có đáng tin hay không?

Giấm táo có giúp kiểm soát lượng đường trong máu? VIAM clinic
Giấm táo có giúp kiểm soát lượng đường trong máu?

Vào năm 1987, các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện ra rằng việc cho một nhóm nhỏ tình nguyện viên khỏe mạnh uống giấm có chứa 5% axit axetic có thể làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu sau khi uống một liều sucrose khi bụng đói. Tương tự như vậy, một nghiên cứu nhỏ khác vào năm 2005 phát hiện ra rằng các mức axit axetic khác nhau cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu và phản ứng insulin ở những người tình nguyện viên khỏe mạnh sau bữa ăn gồm bánh mì trắng, đồng thời cũng làm tăng cảm giác no.

Sau đó cũng đã có những nghiên cứu khác trong lĩnh vực này và các phát hiện đã được tổng hợp đưa vào một bài đánh giá có hệ thống được công bố vào năm 2017. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy lượng glucose và insulin giảm đáng kể ở những người tiêu thụ giấm so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là không có đề cập đến “giấm táo” trong nghiên cứu. Nó chỉ liên quan đến giấm thông thường, và tất nhiên giấm táo vẫn là một loại giấm vì hàm lượng axit axetic của nó.

Lợi ích của giấm táo với bệnh tiểu đường

Lợi ích của giấm táo với bệnh tiểu đường l VIAM clinic
Lợi ích của giấm táo với bệnh tiểu đường

Hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực điều hòa lượng đường trong máu đều được thực hiện trên những người tình nguyện khỏe mạnh, nhưng cũng có một số nghiên cứu nhỏ trên những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Và ở nghiên cứu này, có vẻ như cũng có một lợi ích nhỏ đối với cải thiện lượng đường trong máu lúc đói.

Tham khảo thêm: Ăn nhiều trái cây có thể gây bệnh tiểu đường type 2?

Giấm có thể giúp tạo điều kiện sản xuất các hormone liên quan đến việc điều hòa lượng đường, giảm hoạt động của các enzyme tiêu hóa carbohydrate, cải thiện độ nhạy insulin và thậm chí giúp tăng lưu lượng máu đến các mô. Nhưng một điểm quan trọng cần chú ý đó là lợi ích của giấm dường như chỉ áp dụng cho các bữa ăn có chứa tinh bột là thành phần chủ yếu, nó sẽ không có tác dụng gì đối với các bữa ăn nhiều chất béo.

Vậy, điều này có nghĩa là mọi người nên uống giấm trong bữa ăn của mình không? Câu trả lời là “Không”. Nếu bạn không bị tiểu đường, lượng đường trong máu của bạn sẽ được điều hòa tốt. Nhưng nếu bạn bị tiểu đường type 2, thì có thể sẽ không có lợi ích lớn như vậy. Đó là vì tình trạng điều hòa lượng đường trong máu bị suy yếu và tình trạng kháng insulin là các triệu chứng cơ bản của tiểu đường type 2. Vì vậy, giấm không thể khắc phục được tất cả những điều đó. Do đó, bạn nhất định phải trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang cân nhắc dùng thử giấm táo để điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là nếu bạn đang dùng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường.

Những lợi ích khác của giấm táo

Còn tất cả những quảng cáo về sức khỏe khác mà bạn có thể đã đọc về giấm táo thì sao? Hầu như tất cả chúng đều không được chứng minh bởi các bằng chứng khoa học cũng như không có lý do chính đáng nào để giấm táo mang lại những lợi ích này.

Do đặc tính kháng khuẩn của giấm táo (mặc dù khá yếu so với các chất khử trùng), nên nó thường được gợi ý là chất tẩy rửa tự nhiên cho ngôi nhà. Và đúng vậy, nó sẽ phát huy tác dụng như một chất tẩy rửa vì axit có hiệu quả chống nấm mốc. Nhưng muối, nước cốt chanh, hydro peroxide và baking soda cũng có tác dụng tẩy rửa còn hơn vậy.

Giấm táo vì có độ pH thấp nên có tác dụng tuyệt vời đối với các chất bẩn kiềm như nước cứng và cặn khoáng cũng như cặn xà phòng. Tuy nhiên, các loại giấm thông thường khác cũng có tác dụng tương tự.

Đọc thêm tại bài viết: 6 lợi ích sức khỏe của giấm táo

Giấm táo có tác hại gì với sức khỏe không?

Bỏ qua những quảng cáo về sức khỏe được thổi phồng của giấm táo, có một lý do khá thuyết phục để không dùng giấm táo như một loại thuốc bổ sức khỏe hàng ngày.

Giấm táo có độ pH khoảng 3, vì vậy nó có thể hòa tan cấu trúc răng khi tiếp xúc với răng. Nếu tình trạng răng xói mòn nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến các vấn đề về răng. Và nguy cơ này không chỉ là lý thuyết, vì trong ít nhất một thử nghiệm lâm sàng với giấm đã theo dõi tình trạng xói mòn răng trong hơn 8 tuần. Kết quả cho thấy tình trạng xói mòn đã tăng 18% ở những người dùng giấm hàng ngày.

Nguyên Nhân Khiến Bạn Bị Mòn Răng Là Gì? | Colgate®

Nếu bạn vẫn muốn dùng một liều giấm táo hàng ngày như một loại thuốc bổ sức khỏe (hoặc bất kỳ loại giấm nào khác), hãy pha loãng giấm với nước trước khi uống.

Kết luận

Ngoài việc giấm táo làm nước sốt trộn salad ngon hơn hoặc đôi khi là chất tẩy rửa gia dụng đa năng tiện dụng, thì không có nhiều lý do thuyết phục về sức khỏe để dùng giấm táo. Vì vậy, qua bài viết trên, bạn đã có câu trả lời về công dụng thật sự của giấm táo. Hãy dùng nó một cách thông thái và chớ để những quảng cáo thần kỳ trên Internet đánh lừa bạn.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

BS. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám Chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY