Ngày nay, các bậc phụ huynh ngoài học hỏi kinh nghiệm từ người xung quanh còn có thể tìm kiếm thông tin về nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những kiến thức này phần nào giúp cha mẹ biết cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ tốt hơn. Phải chăng bởi vậy mà chiều cao trung bình của người trưởng thành năm 2010 cao hơn 4cm và nặng hơn 8kg so với người trưởng thành năm 1975. Tuy nhiên, vẫn còn một số quan niệm và hiểu biết chưa đúng đắn xung quanh việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển chiều cao của trẻ. Dưới đây là một số ví dụ hay gặp:
Quan niệm rằng gen di truyền quyết định hoàn toàn chiều cao cơ thể?
Nhiều cha mẹ cho rằng: “Gen di truyền quyết định hoàn toàn chiều cao của trẻ, do vậy, nếu cha mẹ thấp thì con không thể cao được”. Điều đó là hoàn toàn không đúng. Nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng: “Dù cho cha mẹ có thấp đến mấy, chỉ cần nuôi dưỡng tốt là con sẽ cao lên“. Điều này cũng không hoàn toàn chính xác.
Gen quả thực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng trong suốt giai đoạn tăng trưởng thì khó lòng đạt được mức chiều cao tối ưu do gen quy định. Do đó, nếu được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể thì trẻ sẽ đạt được mức chiều cao tối ưu do gen quy định và thậm chí có thể cao hơn một chút.
Nói đơn giản hơn, thì bất cứ loại bổ sung nào, bao gồm hormone tăng trưởng hay sữa, cũng chỉ có thể giúp trẻ cao đến một độ cao nhất định (đã được quy định bởi gen), không thể cao hơn. Hay nói một cách khác: Bạn không thể “cãi” lại gen.
Tìm hiểu thêm: Chế độ dinh dưỡng tăng trưởng chiều cao cho trẻ
Cho rằng chỉ uống sữa là đủ để tăng chiều cao?
Sữa là nguồn dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển. Sữa là nguồn cung cấp protein và canxi lý tưởng để trẻ tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng chiều cao. Uống sữa là điều kiện cần để trẻ đạt được chiều cao như ý, nhưng chưa đủ, bởi sữa, hay chính xác hơn là canxi và protein không phải là tất cả.
Ngoài canxi và protein từ sữa, cần có sự bổ sung dinh dưỡng từ các thực phẩm giầu các vitamin và chất khoáng như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, magie, kẽm, sắt, … và đặc biệt là vitamin D, để hỗ trợ hấp thu canxi, đồng thời cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là protein và các vi chất phát triển để trẻ đạt được chiều cao tối ưu.
Bên cạnh hiểu lầm về việc chỉ cần uống sữa là đủ để tăng trưởng chiều cao thì còn có một hiểu lầm khác đó là để tăng trưởng chiều cao, bổ sung càng nhiều canxi càng tốt. Do vậy, nhiều bậc phụ huynh ngoài cho con uống thật nhiều sữa, còn bồi bổ cho con bằng các loại thực phẩm rất giàu canxi như tôm, cua, cá, thậm chí mua cả thực phẩm chức năng bổ sung canxi cho con uống mà không biết rằng, bổ sung canxi sai cách có thể gây hại cho cơ thể.
Canxi chiếm 1.5-2% trọng lượng cơ thể, tương đưởng khoảng 1.200-1.600g đối với nam giới trưởng thành nặng 80kg. Khoảng 99% lượng canxi thấy trong mô răng và xương. Phần còn lại phân bố trong các mô mềm, máu, gan và tim. Một nửa số canxi trong máu tồn tại dưới dạng ion hòa tan Ca 2+, 40% số canxi trong máu gắn với các protein và 7-10% canxi trong máu tồn tại dưới dạng phức hợp ion như canxi citrate, canxi phosphate.
Đúng là canxi là khoáng chất trực tiếp tham gia cấu tạo nên xương, bổ sung canxi đầy đủ giúp xương chắc khoẻ, dẻo dai và nhanh dài, từ đó hỗ trợ phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, không phải cứ bổ sung một mình Canxi nhiều là cao lớn được, thậm chí có trường hợp bổ sung không đúng cách còn gây tác hại không tốt đối với sức khỏe của trẻ, thậm chí còn tác động ngược lại, bởi lượng Canxi quá dư thừa trong cơ thể lại khiến xương bị cốt hóa sớm, và không thể dài ra được nữa và trẻ không đạt được chiều cao tối ưu ở độ tuổi trưởng thành.
Bổ sung quá nhiều đến mức dư thừa canxi sẽ gây các triệu chứng như: táo bón, buồn nôn … nguy hiểm nhất là suy thận. Khi bộ máy tiêu hoá bị quá tải do thừa canxi sẽ dẫn đến khó hấp thu các chất dinh dưỡng khác, trẻ ốm yếu, chậm lớn, còi cọc dần.
Ngoài ra, bổ sung canxi mà không đi kèm với bổ sung vitamin D (giúp hỗ trợ hấp thu canxi) thì lượng canxi thực sự đi vào cơ thể cũng không nhiều như mong đợi. Hơn nữa việc canxi có đi vào xương hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như MK7 (vitamin K2) nên nếu cứ bổ sung thật nhiều canxi mà không chú ý đến các yếu tố khác (như di truyền, vận động luyện tập thể dục thể thao, chế độ sinh hoạt (cụ thể là giấc ngủ) và yếu tố dinh dưỡng hợp lý….thì canxi cũng không thể giúp xương chắc khỏe và tăng chiều cao cho trẻ được.