Ăn uống lành mạnh và làm chậm quá trình lão hóa luôn đi đôi với nhau: Bạn càng ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng (kết hợp với các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng), thì tuổi thọ của bạn càng cao.
1. Đường
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể phá hoại sức khỏe của bạn, đặc biệt là khi tuổi già ập đến. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng mức chất béo trung tính, dẫn đến bệnh tim. Hơn nữa, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bao gồm cả đường có liên quan đến béo phì. Bạn hãy cố gắng kết hợp nhiều rau hơn vào bữa ăn hàng ngày, hạn chế lượng carbohydrate nạp vào và xem nhãn thực phẩm để biết lượng đường bổ sung.
2. Nitrat
Nếu bạn muốn già đi một cách khỏe mạnh, hãy loại bỏ thực phẩm chứa nitrat khỏi chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Nitrat là những hợp chất được sử dụng để bảo quản và cải thiện hình thức bên ngoài của thực phẩm đã qua chế biến như giăm bông, thịt xông khói, thịt nguội và xúc xích.
Thực phẩm có chứa nhiều nitrat cũng có xu hướng là các sản phẩm có hàm lượng natri cao – có thể dẫn đến bệnh tim do làm cho động mạch cứng lại và thu hẹp. Và chúng dường như cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã kết luận rằng ăn những thực phẩm này với số lượng lớn có thể làm tăng tỷ lệ mắc nhiều loại bệnh ung thư. Mặc dù thỉnh thoảng bạn có thể thưởng thức những món này, nhưng hãy cố gắng hạn chế tối đa thực phẩm giàu nitrat khỏi chế độ ăn uống của mình.
3. Natri
Mặc dù natri là nguyên tố thiết yếu với cơ thể, nhưng nếu dư thừa nó có thể tàn phá sức khỏe của bạn. Quá nhiều natri dẫn đến tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Thật không may, việc lạm dụng muối lại quá dễ dàng. Thực phẩm đóng gói hoặc thực phẩm đã qua chế biến có thể chứa tới 1400 miligam natri trong mỗi khẩu phần.
Bạn nên kiểm tra nhãn thực phẩm trước khi ăn. Bất kỳ thực phẩm đóng gói nào có giá trị natri trên 20% nhu cầu natri khuyến nghị trở lên đều được coi là thực phẩm có hàm lượng natri cao. Để cắt giảm natri, hãy chọn thực phẩm dưới 700 miligam natri mỗi khẩu phần và tăng cường ăn trái cây và rau quả.
4. Chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa nhân tạo – những chất được sử dụng để tăng hương vị, kết cấu và thời hạn sử dụng của thực phẩm chế biến sẵn – là một trở ngại đối với sức khỏe và bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi là không an toàn. Lý do là vì chất béo chuyển hóa có thể làm tăng cholesterol xấu (đồng thời làm giảm mức cholesterol tốt) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại 2.
Hơn nữa, chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa cũng có thể gây hại cho sức khỏe não bộ của bạn. Một nghiên cứu cho thấy những người có lượng chất béo chuyển hóa nhân tạo trong máu cao có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ cao hơn.
Để tránh chất béo chuyển hóa, hãy hạn chế ăn thực phẩm chiên, thức ăn nhanh, thực phẩm có nguồn gốc động vật (như thịt đỏ và sữa), bơ thực vật, bánh quy giòn, bánh quy, bánh ngọt và một số thực phẩm đông lạnh.
5. Chất béo bão hòa
Giống như chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa với lượng dư thừa có thể vô tình làm tăng nguy cơ phát triển một số vấn đề sức khỏe khi bạn già đi. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa kết hợp với thực phẩm giàu natri có thể góp phần gây ra bệnh tim, tiểu đường, béo phì và các tình trạng mạn tính khác.
6. Axit folic
Axit folic là một loại vitamin B có trong các loại rau lá xanh, trái cây, đậu, bánh mì và ngũ cốc giàu dinh dưỡng. Nó hỗ trợ cơ thể tạo ra các tế bào mới và đặc biệt quan trọng đối với người mang thai vì giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi đang phát triển.
Tuy nhiên, quá nhiều axit folic ở người lớn tuổi có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên (một loại tổn thương thần kinh). Do đó, hãy luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung axit folic.
7. Sắt
Chúng ta cần sắt cho nhiều chức năng, bao gồm vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên, khi cơ thể già đi, nhu cầu sắt cũng thay đổi. Ví dụ, khi một người trải qua thời kỳ mãn kinh, nhu cầu về sắt sẽ giảm đáng kể.
Và nếu bạn tiếp tục nhận được nhiều chất sắt hơn mức cơ thể cần, nó có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Lượng sắt dư thừa tích tụ trong các mô, đặc biệt là ở gan, tuyến tụy, tim, khớp và não, đồng thời có thể góp phần gây ra một số loại ung thư và tiểu đường.
Vì vậy, hãy luôn kiểm tra với bác sĩ xem việc bổ sung sắt có an toàn hay không.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Hoàng Hà Linh – Viện Y học ứng dụng Việt Nam