Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM thường xuyên nhận được các câu hỏi thắc mắc hoặc đề nghị giải đáp về vấn đề ăn uống với bệnh ung thư. Bài viết này sẽ tổng hợp một số câu hỏi thường gặp và giải đáp từ chuyên gia dinh dưỡng PGs.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh, hy vọng giúp bạn đọc hiểu rõ hơn mối liên quan giữa dinh dưỡng và ung thư.
Contents
- 1 Thực phẩm chiếu xạ làm tăng nguy cơ ung thư?
- 2 Nước ép trái cây, detox giúp giảm nguy cơ ung thư?
- 3 Dùng lò vi sóng, hộp đựng thực phẩm, cách chế biến liên quan với ung thư?
- 4 Chất tạo ngọt nhân tạo/chất thay thế đường có gây ung thư không?
- 5 Thực phẩm “hữu cơ”có giảm nguy cơ ung thư hơn thực phẩm thường?
Thực phẩm chiếu xạ làm tăng nguy cơ ung thư?
Chiếu xạ thực phẩm (áp dụng bức xạ ion hóa vào thực phẩm) là công nghệ cải thiện tính an toàn và kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm bằng cách giảm hoặc loại bỏ vi khuẩn và côn trùng. Giống như tiệt trùng sữa và đóng hộp trái cây và rau quả, chiếu xạ có thể làm cho thực phẩm an toàn hơn. Chiếu xạ không làm cho thực phẩm bị nhiễm phóng xạ, không ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng hoặc thay đổi đáng kể hương vị, kết cấu hoặc hình thức của thực phẩm. Trên thực tế, những thay đổi do chiếu xạ tạo ra rất nhỏ đến mức không dễ để biết liệu thực phẩm có bị chiếu xạ hay không.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đánh giá tính an toàn của thực phẩm chiếu xạ trong hơn 30 năm và nhận thấy quy trình này an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và nhiều cơ quan khác cũng xác nhận tính an toàn của thực phẩm chiếu xạ. Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy chiếu xạ thực phẩm gây ung thư hoặc có tác động có hại đến sức khỏe con người.
Đọc thêm: Các giai đoạn của bệnh ung thư là gì? | VIAM (vienyhocungdung.vn)
Nước ép trái cây, detox giúp giảm nguy cơ ung thư?
Nước ép trái cây và rau củ có thể là một cách thuận tiện để có được một số thành phần thực phẩm lành mạnh từ rau củ và trái cây. Ở mức độ vừa phải, chúng có thể là một phần đáng giá của chế độ ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, nước ép chứa ít chất xơ hơn, hàm lượng một số chất dinh dưỡng lành mạnh khác thấp hơn và nhiều đường tự nhiên hơn so với toàn bộ trái cây và rau củ mà chúng được làm từ, vì vậy chúng không phải là cách tốt nhất để có được chất dinh dưỡng từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho tuyên bố rằng chỉ tiêu thụ nước ép trong một hoặc nhiều ngày, được gọi là thanh lọc nước ép hoặc giải độc nước ép, làm giảm nguy cơ ung thư hoặc mang lại lợi ích sức khỏe khác. Loại chế độ ăn kiêng này được quảng cáo là một cách để loại bỏ “độc tố” khỏi cơ thể, là không cđủ bằng chứng khoa học. Mặc dù nước ép rau có thể là một cách để tăng lượng chất dinh dưỡng, nhưng chế độ ăn chỉ giới hạn ở nước ép cũng có thể gây thiếu nhiều dinh dưỡng quan trọng, đôi khi gây nguy hiểm cho sức khỏe khi có bệnh lý phối hợp; đã có công bố nước detox, khử ion gây tổn thương thận gan cho đối tượng sử dụng tại Mỹ.
Dùng lò vi sóng, hộp đựng thực phẩm, cách chế biến liên quan với ung thư?
Lò vi sóng dùng một dạng bức xạ điện từ không ion hóa trong nấu ăn, không làm tăng nguy cơ ung thư. Mặt khác, đồ nướng, hun khói hoặc chiên thịt (bao gồm cả thịt đỏ cũng như thịt gia cầm và cá) ở nhiệt độ cao có thể gây ra phản ứng hóa học tạo thành amin dị vòng thơm gây ung thư.
Một số phương pháp bảo quản thịt đỏ như tẩm thêm nitrat, có thể được chuyển đổi trong dạ dày thành các hợp chất N-nitroso gây ung thư. Một số hộp đựng thực phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng, ví dụ hộp nhựa có thể giải phóng các chất như phthalate hoặc các hợp chất phenolic như bisphenol A (có khả năng gây ung thư) trong quá trình bảo quản thực phẩm hoặc trong quá trình nấu trong lò vi sóng.
Sử dụng đồ nấu nướng phủ Teflon (chất chống dính) có thể giải phóng axit perfluorooctanoic (một chất có khả năng gây ung thư) vào thực phẩm. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã phát hiện ra rằng những chất này có tác động sinh học tiêu cực và chúng có thể ảnh hưởng đến thời điểm dậy thì, một yếu tố có thể gây ra nguy cơ mắc một số bệnh ung thư lâu dài như ung thư vú. Tuy nhiên, chưa đủ các bằng chứng về tác động trên cơ thể con người khi tiếp xúc lâu dài với các hóa chất này đối với nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, để tránh các rủi ro có thể, bạn nên chọn các hộp đựng thực phẩm và đồ nấu nướng bằng thủy tinh hoặc kim loại.
Tìm hiểu thêm: Đứng cạnh lò vi sóng có nguy hiểm không? | VIAM (vienyhocungdung.vn)
Chất tạo ngọt nhân tạo/chất thay thế đường có gây ung thư không?
Chất tạo ngọt không dinh dưỡng là những chất được sử dụng thay cho đường như sucrose, mật ong… để làm ngọt thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm khác. Một số chất tạo ngọt không dinh dưỡng hiện đã được FDA chấp thuận như aspartame, acesulfame kali, saccharin, sucralose, stevia, sorbitol, xylitol và mannitol. Chúng có thể được chiết xuất từ thảo mộc và các loại thực vật khác, hoặc chính từ đường, thường ngọt hơn đường tới hàng trăm lần, không có giá trị dinh dưỡng.
Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy những chất tạo ngọt này, ở mức độ thường được tiêu thụ trong chế độ ăn của con người, gây ung thư. Một số câu hỏi về chất tạo ngọt nhân tạo và nguy cơ ung thư nảy sinh khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy saccharin gây ung thư bàng quang ở động vật thí nghiệm, nhưng các nghiên cứu trên người không cho thấy nguy cơ ung thư tăng lên.
Những người mắc chứng rối loạn di truyền hiếm gặp gọi là phenylketonuria (PKU) không thể chuyển hóa aspartame bình thường, có thể dẫn đến độc tính cho hệ thần kinh, vì vậy họ nên tránh aspartame trong chế độ ăn uống của mình. Ngoại trừ trường hợp này, tất cả các chất tạo ngọt này dường như an toàn khi sử dụng ở mức độ vừa phải, mặc dù lượng đường cồn lớn hơn có thể gây đầy hơi và khó chịu ở bụng ở một số người.
Tìm hiểu thêm về: Các chất làm ngọt nhân tạo sử dụng trong thực phẩm | VIAM (vienyhocungdung.vn)
Thực phẩm “hữu cơ”có giảm nguy cơ ung thư hơn thực phẩm thường?
Theo quy về tiêu chuẩn Thực phẩm của Mỹ: thực phẩm có nguồn gốc từ động vật được dán nhãn hữu cơ là thực phẩm từ động vật được nuôi mà không thêm hormone hoặc kháng sinh vào thức ăn mà chúng ăn. Thực phẩm từ thực vật hữu cơ là thực phẩm từ các phương pháp canh tác không sử dụng hầu hết thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ thông thường, phân bón hóa học hoặc bùn thải làm phân bón. Thực phẩm hữu cơ cũng không sử dụng dung môi công nghiệp hoặc chiếu xạ thực phẩm trong quá trình chế biến và không phải là thực phẩm biến đổi gen.
Một lợi ích chính của việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ là hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp bền vững với môi trường. Nhiều người tiêu dùng cũng tin rằng thực phẩm hữu cơ có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe do không bị nhiễm các chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật và tác nhân có hại khác. Tuy nhiên hàm lượng các chất dinh dưỡng tư thực phẩm hữu cơ cũng không khác biệt so với thực phẩm được trồng theo phương pháp thông thường; mặt khác giá cả của sản phẩm hữu cơ thường đắt hơn các sản phẩm thông thường cùng loại.
Trên thực tế, chưa có các các bằng chứng về sử dụng thực phẩm hữu cơ làm giảm nguy cơ ung thư trên người. Việc rử sạch thực phẩm được trồng theo phương pháp thông thường hoặc hữu cơ trước khi ăn nhằm loại bỏ một số dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn ký sinh trùng là cần thiết,nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do nhiễm khuẩn.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
PGs.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM