Tiêu chảy sau khi ăn là tình trạng xảy ra đột ngột, gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau cho đến khi quá trình đi đại tiện xảy ra. Hãy cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về tình trạng tiêu chảy sau khi ăn tại bài viết dưới đây nhé!
Contents
- 1 Tại sao bạn bị tiêu chảy sau khi ăn?
- 1.1 Tiêu chảy sau khi ăn có phổ biến hay không?
- 1.2 Nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi ăn
- 1.2.1 Tiêu chảy sau ăn cấp tính
- 1.2.2 Ngộ độc thực phẩm
- 1.2.3 Do nhiễm khuẩn
- 1.2.4 Do phản xạ dạ dày – đại tràng
- 1.2.5 Bất dung nạp lactose
- 1.2.6 Tiêu chảy ở trẻ nhỏ
- 1.2.7 Thuốc kháng sinh
- 1.2.8 Ký sinh trùng
- 1.2.9 Tiêu chảy sau ăn mạn tính
- 1.2.10 Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- 1.2.11 Bệnh viêm ruột (IBD)
- 1.2.12 Rối loạn nội tiết
- 1.2.13 Bệnh Celiac
- 1.3 Điều trị
- 1.4 Chăm sóc tại nhà
- 1.5 Giữ đủ nước
- 1.6 Thực phẩm nên ăn
- 1.7 Vệ sinh tay
- 1.8 Điều trị bằng thuốc
- 1.9 Khi nào cần đi khám bác sĩ?
- 1.10 Phòng ngừa bệnh
- 1.11 Một số thông tin liên quan
- 1.11.1 Nguyên nhân nào gây ra đi ngoài phân vàng sau khi ăn?
- 1.11.2 Nguyên nhân gây đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn là gì?
- 1.11.3 Nguyên nhân gây mệt mỏi và tiêu chảy sau khi ăn
- 1.11.4 Nguyên nhân nào gây ra tiêu chảy sau khi ăn 6 giờ?
- 1.11.5 Nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi ăn salad
- 1.11.6 Nguyên nhân gây đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ
- 1.11.7 Mắc Covid có gây tiêu chảy sau khi ăn?
Tại sao bạn bị tiêu chảy sau khi ăn?
Tiêu chảy sau khi ăn khá phổ biến tuy nhiên khó có thể xác định được nguyên nhân gây ra bệnh và cách điều trị. Bởi vì tình trạng này có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý hoặc không có nguyên nhân cụ thể. Tiêu chảy có thể được phân loại thành tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính, tùy thuộc vào thời gian xảy ra các triệu chứng. Nếu như tiêu chảy cấp tính được xác định trong vài ngày hoặc một tuần thì tiêu chảy mạn tính có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy sau khi ăn cấp tính và mạn tính, thêm vào đó là cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này.
Tiêu chảy sau khi ăn có phổ biến hay không?
Dưới đây các tỷ lệ mắc phải một số nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi ăn. Một số trường hợp có thể không gặp tiêu chảy, tuy nhiên tiêu chảy có thể là triệu chứng của tình trạng:
- Ngộ độc thực phẩm: Cứ 6 người có 1 người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm
- Bất dung nạp Lactose: Tỷ lệ mắc phải rất khác nhau tùy thuộc vào vùng địa lý, ví dụ người gốc Bắc Âu tỷ lệ mắc phải là 5% trong khi người gốc Á, Châu Phi hoặc Tây Ba Nha tình trạng mắc phải lên tới 90%
- Bệnh viêm ruột (IBD): Ở Hoa Kỳ, theo báo cáo của trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), vào năm 2015 có khoảng 3 triệu người trưởng thành mắc bệnh viêm ruột
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Trên toàn cầu, hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến khoảng 10-15% dân số và rối loạn tiêu hóa là triệu chứng được chẩn đoán phổ biến nhất
- Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy tỷ lệ mắc phải tiêu chảy có liên quan đến kháng sinh là khoảng 9.6%
- Bệnh Celiac: Ở Hoa Kỳ, tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số
- Viêm dạ dày ruột do virus: Bệnh lý này ảnh hưởng đến khoảng 19 đến 21 triệu người Mỹ mỗi năm
***THAM KHẢO THÊM BÀI VIẾT: Tiêu chảy do ăn keto
Nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi ăn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh tiêu chảy sau khi ăn tùy thuộc vào tình trạng đó là cấp tính hay mạn tính
Tiêu chảy sau ăn cấp tính
Tình trạng này thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Các bác sĩ có thể điều trị bệnh bằng thuốc hoặc tự khỏi hoàn toàn. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy sau ăn cấp tính bao gồm
Ngộ độc thực phẩm
Thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm có thể gây tiêu chảy. Các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các sinh vật khác có thể gây ô nhiễm và gây ra bệnh. Trong đó, virus và vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm hiện nay.
Do nhiễm khuẩn
Viêm dạ dày ruột do virus có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa. Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm dạ dày ruột do virus là norovirus.
Do phản xạ dạ dày – đại tràng
Phản xạ dạ dày – đại tràng là một phản xạ sinh lý trong đó việc hấp thu thức ăn khiến trực tràng phản ứng bằng cách đẩy phân đi nhanh hơn. Cường độ của các phản ứng có thể khác nhau giữa mọi người. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể sử dụng hiện tượng này để giúp giảm táo bón ở trẻ em và người cao tuổi tuổi bằng cách thiết lập thói quen đi đại tiệu sau khi ăn. Đây là một hiện tượng tương đối phổ biến, nhưng phản xạ này thường không gây tiêu chảy.
Bất dung nạp lactose
Một số người bị dị ứng với sữa hoặc không thể tiêu hóa được đường lactose, đây là loại đường trong sữa có thể gây ra tình trạng tiêu chảy. Điều này có nghĩa là nếu họ uống hoặc ăn sữa, nó có thể gây tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi. Bất dung nạp lactose có tỷ lệ phổ biến cao hơn ở những người có nguồn gốc châu Á, châu Phi hoặc gốc Tây Ban Nha so với những người có nguồn gốc Bắc Âu.
Tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi khoảng từ 6 tháng đến 5 tuổi. Mặc dù các nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng các giả thuyết cho rằng thức ăn di chuyển trong hệ tiêu hóa của trẻ nhanh hơn khiến cho nước không hấp thụ nhiều vào cơ thể. Một giả thuyết khác là tình trạng này xảy ra ở trẻ nhỏ uống nhiều đồ uống có đường, chẳng hạn như nước ép trái cây. Lượng đường cao khiến nước đi vào ruột và làm cho phân nhiều nước hơn.
Thuốc kháng sinh
Một số loại kháng sinh có thể gây đau bụng và tiêu chảy cấp, các triệu chứng có xu hướng sẽ mất đi khi người đó ngừng dùng thuốc kháng sinh.
Ký sinh trùng
Tình trạng nhiễm ký sinh trùng thường gặp ở các nước kém phát triển hoặc đang phát triển vì điều kiện vệ sinh kém. Ngoài ra, khi đi du lịch chúng ta cũng có nguy cơ bị tiêu chảy sau khi ăn phải những thực phẩm ô nhiễm. Các triệu chứng có xu hướng kéo dài cho đến khi bác sĩ xác định và loại bỏ ký sinh trùng.
***THAM KHẢO THÊM BÀI VIẾT: Ăn gì nếu bạn bị tiêu chảy
Tiêu chảy sau ăn mạn tính
Tiêu chảy sau ăn mạn tính là tình trạng tiêu chảy kéo dài ít nhất 4 tuần với tối thiểu ba lần đi ngoài lỏng hoặc ra nước mỗi ngày. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy mạn tính bao gồm:
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích là một chứng rối loạn có thể gây đầy hơi, đau bụng và táo bón hoặc tiêu chảy. Đây là rối loạn đường tiêu hóa phổ biến nhất, với tỷ lệ xuất hiện trên toàn thế giới là 10–15%. Thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc và các chiến lược kiểm soát căng thẳng thường có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh
Bệnh viêm ruột (IBD)
Bệnh viêm ruột là một tình trạng tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh của ruột, gây viêm và khó chịu trong ruột. Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng là hai ví dụ về bệnh viêm ruột. Cả hai tình trạng bệnh này đều có thể gây tiêu chảy kéo dài, đau quặn bụng, giảm cân và mệt mỏi.
Rối loạn nội tiết
Một số rối loạn nội tiết tố, chẳng hạn như cường giáp và đái tháo đường có thể gây tiêu chảy mãn tính, đặc biệt nếu có tổn thương thần kinh ở đường ruột.
Bệnh Celiac
Bệnh celiac là một chứng rối loạn tự miễn dịch ảnh hưởng đến sự hấp thụ gluten, loại protein có trong lúa mì và các sản phẩm từ lúa mì. Những người mắc bệnh này sẽ bị tiêu chảy bất cứ khi nào họ ăn thực phẩm có chứa gluten từ lúa mì, lúa mạch hoặc lúa mạch đen. Một số sản phẩm có thể chứa gluten, bao gồm: mì ống, bánh mì, nước sốt, nước thịt và các sản phẩm khác mà một người có thể không nghĩ đến ngay lập tức. Người mắc bệnh celiac nên kiểm tra nhãn của thực phẩm chế biến sẵn để xem chúng có chứa gluten hay không.
Điều trị
Trong hầu hết các trường hợp tiêu chảy cấp tính, các triệu chứng sẽ biến mất theo thời gian và người bệnh có thể tự kiểm soát tại nhà.
Chăm sóc tại nhà
Chăm sóc tại nhà thường gồm sự kết hợp giữa giữ đủ nước, sử dụng thức ăn nhạt và ngăn ngừa lây lan bệnh với người xung quanh nếu nguyên nhân là do bệnh lý có từ trước.
Những người mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh celiac nên tuân theo các khuyến nghị của bác sĩ về chế độ ăn để giúp ngăn ngừa các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Giữ đủ nước
Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước nếu người bệnh không thay thế chất lỏng bị mất. Những người bị tiêu chảy nhẹ đến trung bình có thể sử dụng các phương pháp sau đây để thay thế chất lỏng bị mất:
- Dung dịch thay thế chất điện giải, chẳng hạn như Oresol
- Nước ép táo
- Nước dừa
- Các món cháo, súp
Điều quan trọng nhất là sử dụng chất lỏng có chứa đường và muối để giúp thay thế chất điện giải bị mất.
Thực phẩm nên ăn
Người bị tiêu chảy cấp tính nên ăn thức ăn nhạt cho đến khi dạ dày của họ bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn. Những thực phẩm như chuối, cơm, súp và bánh quy đặc biệt dễ tiêu hóa và có thể giúp làm cứng phân.
Vệ sinh tay
Rửa tay và các biện pháp vệ sinh khác là một bước quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rửa tay với xà phòng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiêu chảy tới 48%.
Người bình thường nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn suốt cả ngày, khi:
- Sau khi thay tã
- Trước và sau khi chuẩn bị thức ăn hoặc ăn
- Sau khi đi vệ sinh
- Sau khi chạm vào bất kỳ vật liệu nhiễm bẩn nào
Điều trị bằng thuốc
Điều trị tiêu chảy, dù là cấp tính hay mãn tính cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, các loại thuốc có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung chất lỏng và thời gian để phục hồi.
Nếu tình trạng bệnh không có sốt hoặc có máu trong phân thì người bệnh có thể sử dụng thuốc không kê đơn để giảm tần suất đi ngoài phân lỏng. Những loại thuốc này sẽ không điều trị khỏi nguyên nhân gây tiêu chảy nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và giảm mất nước. Các loại thuốc không kê đơn bao gồm: loperamid, diphenoxylate-atropine, bismuth subsalicylat
Nếu một loại thực phẩm hoặc chất cụ thể, chẳng hạn như đường sữa hoặc gluten gây tiêu chảy, bạn nên tránh những tác nhân đó trong tương lai. Khi bệnh viêm ruột hoặc hội chứng ruột kích thích gây tiêu chảy, người bệnh có thể cần sử dụng thuốc để kiểm soát hệ miễn dịch hoặc phản ứng viêm. Các loại thuốc này có thể bao gồm probiotic và steroid. Thêm nữa, người bệnh nên tuân theo phác đồ điều trị khi dùng thuốc và phản hồi với bác sĩ nếu những loại thuốc này không còn hữu ích.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu người bị tiêu chảy không thấy cải thiện bằng các biện pháp điều trị tại nhà hoặc các phương pháp điều trị khác trong vòng 48 giờ thì họ nên đi khám bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu họ bị tiêu chảy và bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như khô miệng, đau quặn bụng, khát nước, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, không đi tiểu hoặc nhầm lẫn
- Dấu hiệu chảy máu, chẳng hạn như tiêu chảy ra máu hoặc đen, hoặc phân có máu hoặc chất nhầy
- Sốt cao
- Đau bụng dữ dội
Phòng ngừa bệnh
Nhiều tình trạng tiêu chảy có thể phòng ngừa được, trong đó vệ sinh tay có thể giúp ngăn ngừa bệnh cấp tính và với những người mắc bệnh mạn tính thì tránh các thực phẩm gây kích thích có thể giúp ngăn ngừa bệnh bùng phát.
Một số phương pháp phòng ngừa bổ sung bao gồm:
- Vaccine Rotavirus: Rotavirus là loại virus gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị nên tiêm vaccine cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để giúp ngăn ngừa nhiễm loại virus này.
- Chuẩn bị thức ăn: Để tránh bị ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia khuyến nghị chỉ nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, uống nước tinh khiết, đặc biệt là khi đi du lịch và tránh ăn thức ăn bị ô nhiễm.
Một số thông tin liên quan
Nguyên nhân nào gây ra đi ngoài phân vàng sau khi ăn?
Màu sắc của phân cũng có thể cung cấp thông tin về sức khỏe của bạn. Thông thường, nếu phân màu nâu là tình trạng bình thường khỏe mạnh thì phân màu vàng có thể cho thấy sự hiện diện của một loại ký sinh trùng phổ biến – đó là trùng roi Giardia. Phân vàng cũng có thể chỉ ra các vấn đề về gan, bệnh túi mật hoặc suy dinh dưỡng liên quan đến bệnh celiac. Phân màu đen hoặc đỏ có thể cho thấy chảy máu đường ruột, trong khi phân màu xanh lá cây, xanh dương hoặc cam có thể do ăn thực phẩm có chứa những màu này.
Nguyên nhân gây đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn là gì?
Một số nguyên nhân phổ biến có thể gây đau dạ dày cùng với tiêu chảy bao gồm:
- Bệnh viêm ruột (IBD)
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Bệnh celiac
- Nhiễm trùng
- Ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân gây mệt mỏi và tiêu chảy sau khi ăn
Những người vừa mệt mỏi, vừa tiêu chảy có thể có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh celiac hoặc bệnh viêm ruột. Ngoài ra, người bị nhiễm trùng dạ dày cấp tính cũng sẽ gặp triệu chứng mệt mỏi.
Nguyên nhân nào gây ra tiêu chảy sau khi ăn 6 giờ?
Nếu một người bị tiêu chảy trong vòng vài giờ sau khi ăn, họ có thể bị ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng như tiêu chảy có thể xảy ra chỉ trong vài giờ sau khi ăn thực phẩm không đảm bảo. Hoặc một vài người mắc hội chứng ruột kích thích chưa được chẩn đoán, vì vậy người bệnh nên đi khám nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân gây tiêu chảy sau khi ăn salad
Đi đại tiện hoặc thậm chí tiêu chảy sau khi ăn salad không phải là hiếm hoặc đáng lo ngại khi không có triệu chứng nào khác. Salad và các thực phẩm giàu chất xơ khác thường có thể kích hoạt nhu động ruột và thậm chí có thể gây tiêu chảy vì một số người sẽ có hệ tiêu hóa không ổn định. Tuy nhiên, tiêu chảy sau khi ăn salad cũng có thể cho thấy bạn đã tiếp xúc với ô nhiễm từ các nguyên liệu hư hỏng hoặc sơ chế không đúng cách.
Nguyên nhân gây đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ
Trong một số trường hợp, đầy hơi và tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ có thể là kết quả của việc một người sử dụng thực phẩm đó quá nhiều. Một số tình trạng cơ bản, chẳng hạn như bệnh túi mật hoặc hội chứng ruột kích thích cũng có thể gây ra sự kết hợp giữa đầy hơi và tiêu chảy.
Mắc Covid có gây tiêu chảy sau khi ăn?
Covid có thể gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa, bao gồm cả tiêu chảy. Các triệu chứng thường kết thúc trong vòng vài tuần, nhưng đôi khi tình trạng này có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng của tình trạng tiêu chảy cấp tính sẽ mất đi trong vòng 2 ngày cho dù có điều trị hay không. Trong thời gian này, người bệnh nên giữ đủ nước và có thể dùng thuốc kê đơn để giảm triệu chứng.
Mặc dù tiêu chảy mãn tính có thể do nguyên nhân bệnh lý, chẳng hạn như bệnh viêm ruột, nhưng tiên lượng của bệnh vẫn rất tốt. Các phương pháp điều trị, bao gồm tránh một số loại thực phẩm và tuân theo kế hoạch điều trị có thể giúp cải thiện kết quả điều trị.
Xem thêm video hấp dẫn:
Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678
BS. Tạ Tùng Duy – Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Theo Medical News Today