Thiếu hụt các chất dinh dưỡng có gây ra cảm giác thèm ăn hay không?

03/10/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Hiện nay, các nghiên cứu chứng minh quan điểm này vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại nhấn mạnh rằng, không giống như cơn đói, cảm giác thèm ăn phần lớn là do não chỉ huy chứ không phải là dấu hiệu thể hiện cơ thể thực sự cần gì. Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thực sự gây ra cảm giác thèm ăn hay không và các nguyên nhân gây ra cảm giác này là gì?

Có rất nhiều người tin rằng thèm ăn là cách mà cơ thể đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng. Cụ thể, khi cơ thể thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, chúng sẽ tự nhiên thèm ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tương tự. Ví dụ: thèm socola thường được cho là do mức magie thấp, trong khi thèm thịt hoặc phô mai là dấu hiệu của mức sắt và canxi thấp. Việc thỏa mãn cơn thèm ăn được cho là giúp cơ thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và khắc phục tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Trong một số trường hợp, cảm giác thèm ăn có thể phản ánh việc hấp thụ không đủ một số chất dinh dưỡng nhất định.

Thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể gây ra cảm giác thèm ăn

Hội chứng Pica (theo dân gian gọi là “ăn bậy”)

Một ví dụ cụ thể là hội chứng Pica, là tình trạng một người thèm ăn những thứ phi thực phẩm hoặc không có chất dinh dưỡng như nước đá, bụi bẩn, đất, đồ giặt hoặc bột ngô và những thứ khác. Pica phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai, trẻ em và hiện chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng được cho là có vai trò làm xuất hiện triệu chứng trên.

Các nghiên cứu quan sát thấy những người có triệu chứng Pica thường có lượng sắt, kẽm hoặc canxi thấp. Hơn nữa, việc bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu dường như sẽ ngăn chặn hành vi Pica trong một số trường hợp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng báo cáo các trường hợp mắc chứng Pica không liên quan đến thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng như việc bổ sung không ngăn được hành vi Pica. Do đó, các nhà nghiên cứu không thể khẳng định chắc chắn rằng sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có gây ra cảm giác thèm ăn liên quan đến chứng pica hay không.

Thiếu Natri

Natri đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng dịch, nồng độ chất điện giải trong cơ thể và cần thiết cho sự sống còn. Việc thèm đồ ăn mặn, nhiều natri thường được cho là do cơ thể cần nhiều natri hơn. Tương tự, những người có mức natri trong máu giảm do thuốc lợi tiểu hoặc thường xuyên tập thể dục sẽ ưa thích đồ ăn hoặc đồ uống có vị mặn hơn.

Vì vậy, trong một số trường hợp, thèm đồ mặn có thể là do thiếu natri hoặc natri trong máu thấp. Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là tình trạng thiếu hụt natri rất hiếm gặp mà ngược lại, dư thừa natri phổ biến hơn, đặc biệt là ở các nước phát triển trên thế giới. Do đó, việc thèm đồ ăn mặn không có nghĩa là bạn đang thiếu natri. Cũng có bằng chứng cho thấy rằng việc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng natri cao sẽ hình thành thói quen ăn mặn và tạo ra cảm giác thèm chúng nên việc bổ sung thêm natri là không cần thiết, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

Xem thêm: Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng gây rụng tóc như thế nào?

Tại sao sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể không liên quan đến cảm giác thèm ăn?

Cảm giác thèm ăn được cho là có liên quan đến sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, dưới đây là một số lập luận thuyết phục nhất chống lại quan điểm “thiếu chất dinh dưỡng này”.

Giới tính liên quan đến cảm giác thèm ăn

Cảm giác thèm ăn và tần suất ăn bị ảnh hưởng bởi giới tính. Ví dụ, phụ nữ dường như có khả năng thèm ăn cao gấp đôi so với nam giới. Phụ nữ cũng có xu hướng thèm đồ ngọt hơn, chẳng hạn như socola, trong khi đàn ông lại thích ăn mặn hơn.

Mối liên hệ giữa cảm giác thèm ăn và nhu cầu dinh dưỡng

Giả định “thiếu hụt chất dinh dưỡng” là những người hấp thụ ít một số chất dinh dưỡng nhất định sẽ có khả năng thèm ăn những thực phẩm có chứa chất dinh dưỡng đó hơn. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Điển hình là trong thời kì mang thai, sự phát triển của em bé sẽ khiến nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng gấp đôi. Theo như giả thuyết “thiếu chất dinh dưỡng” dự đoán rằng phụ nữ mang thai sẽ thèm những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt là trong giai đoạn nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ở mức cao nhất. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ mang thai có xu hướng thèm ăn đồ ăn nhiều carbohydrat, chất béo và đồ ăn nhanh hơn là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Hơn nữa, cảm giác thèm ăn có xu hướng xuất hiện vào nửa đầu của thai kỳ, điều này khiến cho việc thèm ăn không chắc là do nhu cầu năng lượng tăng lên.

Trong một nghiên cứu về giảm cân, những người theo chế độ ăn kiêng low-carb trong hai năm cho biết cảm giác thèm ăn thực phẩm giàu carbohydrat thấp hơn nhiều so với những người theo chế độ ăn ít chất béo. Tương tự, những người tham gia thực hiện chế độ ăn ít chất béo cũng cho biết ít thèm thực phẩm giàu chất béo hơn.

Thèm ăn những thực phẩm cụ thể và nghèo chất dinh dưỡng

Cảm giác thèm ăn nói chung rất cụ thể và thường không được thỏa mãn bằng bất cứ thứ gì khác ngoài món ăn mà bạn đang thèm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thèm ăn những thực phẩm giàu carbohydrat, nhiều chất béo hơn là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Do đó, những thực phẩm mà bạn đang thèm không phải là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất.

Các nguyên nhân khác có thể xảy ra cảm giác thèm ăn của bạn

Cảm giác thèm ăn có thể do các yếu tố khác chứ không phải do thiếu hụt các chất dinh dưỡng và chúng có thể được giải thích là do liên quan đến vấn đề về thể chất, tâm lý và xã hội, bao gồm:

  • Suy nghĩ hạn chế thực phẩm: Một số loại thực phẩm “bị cấm” hoặc chủ động kìm nén ham muốn thì cảm giác thèm ăn chúng lại thường tăng lên.
  • Liên quan đến bối cảnh: Trong một số trường hợp, não liên kết việc ăn một loại thực phẩm với một bối cảnh nhất định, chẳng hạn như ăn bỏng ngô khi xem phim. Điều này sẽ tạo ra cảm giác thèm ăn món nào đó vào lần tiếp theo khi bối cảnh tương tự xuất hiện.
  • Tâm trạng cụ thể: Cảm giác thèm ăn có thể được kích hoạt bởi tâm trạng, ví dụ “thức ăn thoải mái” thường được thèm muốn khi bạn muốn vượt qua tâm trạng tiêu cực.
  • Mức độ căng thẳng cao: Những người bị căng thẳng cho biết họ cảm thấy thèm ăn nhiều hơn những người không bị căng thẳng.
  • Ngủ không đủ giấc: Ngủ quá ít có thể làm rối loạn nồng độ hormone, làm tăng cảm giác thèm ăn.
  • Hydrat hóa kém: Uống quá ít nước hoặc các chất lỏng khác có thể thúc đẩy cảm giác đói và thèm ăn ở một số người.
  • Không đủ protein hoặc chất xơ: Protein và chất xơ giúp tạo cảm giác no nên ăn quá ít thực phẩm chứa protein và chất xơ cũng làm tăng cảm giác đói và thèm ăn.

Làm thế nào để giảm cảm giác thèm ăn?

  • Bỏ bữa và không uống đủ nước có thể dẫn tới cảm giác đói và thèm ăn. Vì vậy, ăn uống đều đặn, thường xuyên, đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước có thể làm giảm cảm giác thèm ăn.
  • Ngủ đủ giấc và thường xuyên tham gia các hoạt động giảm căng thẳng như yoga hoặc thiền.
  • Xác định nguyên nhân gây ra cảm giác thèm ăn. Ví dụ, nếu bạn có xu hướng ăn để vượt qua tâm trạng tiêu cực hãy thử tìm một hoạt động mang lại tâm trạng tích cực như gọi điện cho bạn bè hoặc đọc sách. Đặc biệt, có một tỷ lệ nhỏ thường xuyên thèm ăn một số loại thực phẩm nhất định cũng có thể do nghiện loại thực phẩm đó. Đây là tình trạng não của phản ứng với một số loại thực phẩm tương tự như não của những người nghiện ma túy.

Cảm giác thèm ăn thường được cho là cách cơ thể duy trì sự cân bằng dinh dưỡng. Mặc dù sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác thèm ăn một số thực phẩm nhất định nhưng điều này chỉ đúng trong số ít trường hợp. Nói chung, cảm giác thèm ăn có thể do nhiều yếu tố bên ngoài gây ra, không liên quan gì đến việc cơ thể cần các chất dinh dưỡng cụ thể.

Xem thêm video hấp dẫn: 

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam để khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng cùng chuyên gia đầu ngành TẠI ĐÂY hoặc Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY