Đôi khi một số bố mẹ chia sẻ việc con họ không đi ngủ vào ban đêm, bỏ ngủ trưa, ngủ nhiều, ít ngủ…và khó tạo thói quen ngủ cho trẻ. Vậy những điều này có liên quan với nhau thế nào?
Những cuộc trao đổi với bố mẹ có con nhỏ cho thấy vấn đề thường gặp ở những trẻ hay thức đêm, không chịu ngủ thường là do trẻ đã ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc vào ban ngày.
Trẻ sơ sinh cần có thói quen ngủ trưa với sự cân bằng giữa giấc ngủ ban ngày và giấc ngủ ban đêm. Nếu giấc ngủ bạn ngày quá ít sẽ dẫn đến tích tụ cortisol (một loại hormone gây căng thẳng ), điều này sẽ khiến chúng khó ổn định hơn và cũng dẫn đến tình trạng thức giấc vào ban đêm hoặc thức dậy vào sáng sớm. Cortisol kích hoạt chức năng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” ở trẻ sơ sinh và hoạt động giống như adrenaline khiến cho trẻ không thể ngủ ngon. Tương tự, ngủ quá nhiều ban ngày cũng có thể dẫn đến thức giấc nhiều và khiến trẻ khó chịu.
Nói một cách đơn giản, chúng ta cần xem xét toàn bộ khoảng thời gian 24 giờ. Tùy theo độ tuổi trẻ sẽ có số giờ ngủ khác nhau. Nếu bé ngủ nhiều vào ban ngày thì tất nhiên bé sẽ ngủ ít hơn vào ban đêm.
Tầm quan trọng của thời gian thức đối với trẻ sơ sinh
Thời gian thức là khoảng thời gian bé thức giữa mỗi lần ngủ (bao gồm cả những lần bú). Nếu thời gian thức giữa các giấc ngủ ngắn của trẻ quá ngắn, trẻ sẽ không đủ mệt để ngủ ngon. Điều này có thể khiến trẻ khó ngủ khi ngủ trưa hoặc ngủ ban đêm vì trẻ chưa đủ mệt và nếu ngủ quên, trẻ có thể sẽ chỉ ngủ trong một thời gian ngắn.
Điều quan trọng cần nhớ là thời gian thức thay đổi rất nhanh đặc biệt là với trẻ nhỏ. Một em bé mới sinh chỉ có thể thức khoảng một giờ mỗi lần, nhưng khi 3 tháng tuổi thời gian thức của trẻ đã kéo dài đến 2 giờ. Nhiều cha mẹ không tăng thời gian thức của con mình khi chúng lớn lên và rồi họ lại tự hỏi tại sao con họ đột nhiên không ngủ dễ dàng như trước đây. Một em bé ngoan và sẵn sàng đi ngủ đúng giờ sẽ rất dễ chìm vào giấc ngủ.
Đánh thức trẻ dậy sau giấc ngủ ngắn
Để kết hợp giữa thời gian thức và thời gian ngủ trưa một cách phù hợp đôi khi bạn cần đánh thức trẻ dậy. Mặc dù việc đánh thức em bé đang ngủ có vẻ là một điều không hay nhưng chúng tôi khuyên bạn nên làm điều này nếu trẻ có nguy cơ gặp phải một trong những điều sau:
- Ngủ quá nhiều giờ vào ban ngày – điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc ổn định giờ đi ngủ, thức dậy vào ban đêm nhiều hơn và thức dậy vào sáng sớm.
- Ngủ quá muộn hoặc quá lâu vào buổi chiều điều này có thể có tác động tiêu cực đến cả việc ổn định giờ đi ngủ và giấc ngủ ban đêm.
Dưới đây là một số cách điều chỉnh giấc ngủ trưa để giúp trẻ có được những đêm ngon giấc hơn.
- Thực hiện thay đổi một cách nhẹ nhàng. Ví dụ: nếu bạn đang cố gắng giảm từ bốn giấc ngủ ngắn mỗi ngày xuống còn hai giấc, hãy giảm từng giấc ngủ ngắn một lần để bé có thời gian thích nghi với kiểu ngủ mới.
- Duy trì tạo thói quen ngủ trưa và ngủ ban đêm tương tự nhau. Bạn có thể đặt bé ngủ trưa ở nơi mà bé dự kiến sẽ ngủ vào ban đêm. Điều này giúp tạo ra sự thoải mái và giúp trẻ nhận thức được đây là nơi để ngủ.
- Đôi khi bạn không nên quá mong đợi vào việc tạo thói quen đi ngủ đều đặn cho trẻ. Trẻ nhỏ có thể chưa sẵn sàng cho những giấc ngủ ngắn đúng giờ và sẽ ngủ không đều đặn và đây hoàn toàn là điều bình thường.
- Hãy chú ý đến các dấu hiệu mệt mỏi của con bạn, chúng đang cố gắng báo hiệu cho bạn biết khi nào chúng cần ngủ.
- Hãy thử đặt trẻ xuống khi con bạn có dấu hiệu mệt mỏi đầu tiên. Điều quan trọng là đừng đợi cho đến khi con bạn hoàn toàn kiệt sức, điều này có thể khiến trẻ có giấc ngủ chập chờn và ít ngủ hơn.
- Hãy thử nằm ngủ trưa trong cùng phòng với con bạn.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
BS Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM