Erythritol có trong nhiều loại thực phẩm có dán nhãn “ăn kiêng”, “không đường” và “thân thiện với chế độ ăn keto” , tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chất này với nguy cơ mắc cơn đau tim và đột quỵ. Cùng tìm hiểu về erythritol trong bài viết sau đây!
Contents
Erythritol là gì?
Erythritol là một loại chất tạo ngọt nhân tạo được gọi là rượu đường. (Mặc dù thực tế, nó không phải là “đường” hoặc “rượu”)
Ngoài erythritol, các loại rượu đường phổ biến bao gồm:
- Xylitol
- Sorbitol
- Maltitol
- Mannitol
- Isomalt
- Lactitol
- Tinh bột hydro hóa thủy phân
Rượu đường không ngọt bằng đường. Ngược lại, đường nhân tạo như aspartame và saccharine có thể ngọt hơn đường tới 700 lần.
Cơ thể chúng ta tạo ra rượu đường một cách tự nhiên, bao gồm erythritol. Erythritol cũng được sản xuất thương mại bằng cách lên men ngô. Erythritol nhân tạo thường được thêm vào thực phẩm và từ đó gây ra những vấn đề về sức khỏe mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Erythritol được cơ thể chúng ta tự tạo ra như một phần của quá trình trao đổi chất, nhưng ở mức rất thấp. Erythritol do cơ thể sản xuất tự nhiên không gây ra vấn đề gì cả, tuy nhiên liều lượng erythritol nhân tạo cao trong thực phẩm mới thực sự gây ra tác dụng xấu.
Đọc thêm tại bài viết: Chất làm ngọt nhân tạo và các chất thay thế đường khác
Erythritol có an toàn không?
Các loại rượu đường như erythritol từ lâu đã được biết là gây ra các vấn đề về tiêu hóa cho một số người. Nghiên cứu đã cho thấy nồng độ erythritol cao trong máu có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như đau tim, đột quỵ và thậm chí tử vong.

Một nghiên cứu khác sâu hơn ở các mô hình (không phải người) đã cho thấy gia tăng hình thành cục máu đông ở các mô hình bệnh động mạch. Và họ phát hiện ra rằng việc bổ sung erythritol vào máu khiến máu “vón cục” bằng cách hạ thấp ngưỡng kích hoạt tiểu cầu.
Tiểu cầu có trong máu của chúng ta, chúng sẽ nhanh chóng đến vị trí bị thương để hình thành cục máu đông và ngăn chúng ta chảy máu. Nhưng khi tiểu cầu được kích hoạt quá mức trong cơ thể, chúng sẽ gây ra cục máu đông và có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Một khẩu phần erythritol trong các sản phẩm thực phẩm chế biến được quảng cáo là “thân thiện với chế độ ăn keto” thông thường khiến nồng độ erythritol trong máu tăng gấp 1.000 lần, cao hơn nhiều so với mức gây ra nguy cơ đông máu tăng cao. Nguy cơ đông máu có thể tăng lên trong vài ngày sau khi tiêu thụ chỉ một khẩu phần thực phẩm có chất tạo ngọt nhân tạo có chứa erythritol. Một loại đường cồn khác cũng làm tăng nguy cơ đông máu tương tự, đó là xylitol.
Dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh những bất lợi đối với sức khỏe tim mạch của erythritol, tuy nhiên vẫn nên coi erythritol là một yếu tố nguy cơ và chúng ta nên thực sự thận trọng khi ăn thực phẩm chế biến có chứa erythritol.
Công dụng của erythritol
Erythritol thường được sử dụng để thay thế đường ăn trong các sản phẩm ít calo và ít đường. Erythritol cũng được đưa vào một số thực phẩm như một thành phần để “làm đầy” một số chất tạo ngọt nhân tạo khác.
Erythritol là lựa chọn ưa thích của các nhà sản xuất thực phẩm vì hai lý do chính. Thứ nhất, nó rất ít calo, khiến nó trở nên lý tưởng cho các loại thực phẩm “ăn kiêng”. Thứ hai, hương vị và kết cấu của nó gần với đường ăn hơn một số chất tạo ngọt khác.
Các sản phẩm không đường có chứa erythritol thường được khuyến nghị cho những người bị béo phì, tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa và đang tìm kiếm các lựa chọn để giúp kiểm soát lượng đường hoặc calo nạp vào cơ thể. Và những sản phẩm đó có thể sẽ không ghi trên nhãn dinh dưỡng của chúng là chúng có chứa erythritol hay các loại đường cồn khác.
Cách tránh tiêu thụ erythritol
Việc tránh tiêu thụ những thực phẩm chứa erythritol có thể khó khăn do bạn có thể đang ăn những thực phẩm có chứa erythritol mà bạn thậm chí không hề biết.
Erythritol nằm trong danh mục “Được công nhận chung là an toàn (GRAS)” của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Điều đó có nghĩa là hiện tại không cần phải tiến hành các nghiên cứu về độ an toàn dài hạn của erythritol. Nó cũng có nghĩa là các công ty thực phẩm không phải liệt kê erythritol trên nhãn dinh dưỡng của thực phẩm.
Erythritol được coi là an toàn vì đây là một hợp chất tự nhiên, nhưng vấn đề là lượng sử dụng trong thực phẩm lại cao hơn rất nhiều so với lượng cơ thể sản xuất tự nhiên và an toàn cho cơ thể bạn.
Mặc dù trên nhãn các thực phẩm có thể không nêu rõ rằng chúng chứa erythritol, tuy nhiên chất này thường có trong các thực phẩm có nhãn không đường như sau:
- Kem
- Kẹo
- Kẹo cao su
- Bánh quy
- Bánh ngọt
- Thanh protein
- Bơ vị trái cây
- Đồ uống tăng lực
Đọc thêm tại bài viết: Chất tạo ngọt Aspartam có an toàn hay không?
Và có một số dấu hiệu cảnh báo có thể gợi ý rằng thực phẩm bạn tiêu thụ có thể chứa erythritol (hoặc một loại rượu đường khác), ngay cả khi không được liệt kê trên nhãn dinh dưỡng. Nếu bao bì có những từ này hoặc các từ có ý nghĩa tương tự, thì điều đó có thể chỉ ra rằng thực phẩm đó có chứa erythritol:
- Chứa rượu đường
- An toàn với chế độ ăn keto
- An toàn với bệnh tiểu đường
- Không đường
- Ít đường
- Có đường nhân tạo
- Có đường tự nhiên
- Có đường bằng các hợp chất tự nhiên
- Ít calo
- Không calo
Dù cho bạn mua những sản phẩm này để cố gắng tiêu thụ ít đường hơn. Nhưng trên thực tế, chúng có thể vô tình làm tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bạn.
Một cách chắc chắn để tránh erythritol là tập trung chế độ ăn uống của bạn vào các loại thực phẩm nguyên chất, có nghĩa là thực phẩm tự nhiên, không đóng gói như trái cây và rau quả tươi. Và nếu bạn cần thứ gì đó ngọt một chút, bạn có thể sử dụng stevia – nhưng lưu ý là loại trong ống nhỏ giọt, không phải loại trong gói lớn để chắc chắn rằng bạn không dùng quá nhiều.
Bạn cũng cần tránh các loại đường nhân tạo dạng hạt do chúng thường sẽ bao gồm rượu đường như erythritol làm “chất độn”.
Và nếu tình trạng bệnh của bạn không nghiêm trọng và vẫn có thể dung nạp một số lượng ít đường ăn, xi-rô cây phong hoặc mật ong, thì chúng có thể là lựa chọn lành mạnh hơn so với đường nhân tạo.
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về cách giảm lượng đường trong chế độ ăn một cách lành mạnh và làm thế nào để tránh tiêu thụ quá mức erythritol, bạn có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được giải đáp và bác sĩ sẽ tư vấn một chế độ ăn phù hợp với tình trạng của bạn.

Bs. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM