Trẻ em bỏ ăn khi bị ốm là một phản ứng tự nhiên của cơ thể. Có nhiều lý do khiến trẻ bỏ ăn, bao gồm cảm giác khó chịu trong miệng, cơ thể đang dành năng lượng để chống lại bệnh tật thay vì tiêu hóa thức ăn, buồn nôn, đau bụng, đau họng,…
Dù là trẻ sơ sinh hay trẻ đang ở độ tuổi đi học, trẻ bị bệnh thường chán ăn. Thật là một điều trớ trêu đáng buồn khi bị ốm lại khiến trẻ không chịu ăn uống – hai việc chúng phải làm để nhanh chóng hồi phục. Việc chống chọi với bệnh tật cần nhiều calo, sốt cao và mất nước là một trong những lý do phổ biến nhất khiến trẻ em bị cúm phải nhập viện. Thậm chí không cần phải sốt – nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể khiến trẻ bị bệnh mất nước nhanh chóng.
Trên thực tế, khi trẻ bị ốm, cha mẹ không thực sự cần phải lo lắng về việc trẻ sẽ ăn gì trong thời gian ngắn. Họ cần phải lo lắng về những gì trẻ đang uống. Miễn là con bạn vẫn uống nước và đi tiểu thì không ăn nhiều như bình thường là điều chấp nhận được với hầu hết các bệnh nhẹ, bạn không cần quá lo lắng. Hãy làm theo những hướng dẫn chung sau đây khi cho trẻ bị bệnh ăn:
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước
Nếu con bạn bị sốt, nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm hay bệnh về đường tiêu hóa kèm theo tiêu chảy, điều quan trọng là bé phải uống nhiều nước để tránh mất nước. Trẻ bú sữa mẹ nên tiếp tục bú mẹ, thậm chí bú nhiều hơn trước. Sữa mẹ là thức ăn dễ dàng nhất đối với hệ tiêu hóa của con, ngoài ra sữa mẹ còn chứa các yếu tố miễn dịch mà cơ thể cần để đáp ứng với bệnh tật của con bạn. Trẻ sơ sinh bú sữa công thức nên tiếp tục bú sữa công thức trừ khi bác sỹ có khuyến nghị khác. Nếu con bạn nhỏ hơn 6 tháng tuổi, đừng cho trẻ uống nước hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức mà không hỏi ý kiến bác sỹ của trẻ.
Đối với trẻ lớn hơn đã bắt đầu ăn dặm nhưng không chịu uống sữa, hãy cho trẻ uống chất lỏng như nước, nước trái cây hoặc ăn thực phẩm có hàm lượng nước cao như nước trái cây mọng, súp và kem. Cung cấp chất lỏng thường xuyên trong ngày và nhớ rằng bất kỳ lượng nào – thậm chí chỉ vài ngụm mỗi lần – đều là điều tốt.
Nếu trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn mửa nhiều, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bù điện giải (oresol) được sản xuất đặc biệt cho trẻ em. Đừng mua đồ uống thể thao ở cửa hàng; chúng chứa nhiều đường, có thể làm bệnh tiêu chảy nặng hơn.
Các dấu hiệu mất nước bao gồm ít tã ướt, thiếu nước mắt khi khóc, sốt, khô miệng, sụt cân, khát nước quá mức, bơ phờ và mắt trũng sâu.Trẻ được cung cấp đủ nước sẽ sản xuất nhiều tã ướt; nếu bé có ít tã ướt hơn, hãy kiểm tra với bác sĩ nhi khoa của bạn.
- Phục vụ món ăn yêu thích của trẻ
Khi con bạn bị ốm, một số loại thực phẩm trông hấp dẫn trong khi những loại khác thì không – giống như khi bạn bị ốm. Hãy đặc biệt tôn trọng những thực phẩm trẻ thích hoặc không thích. Nếu trẻ chỉ thích bú sữa mẹ/ sữa công thức, hãy chiều theo sở thích của trẻ. Tùy thuộc vào sở thích của con, hãy chế biến những món ăn mà trẻ thích, chẳng hạn như súp gà, mỳ Ý, pizza, kem, sữa chua…
- Không ép trẻ ăn
Khi trẻ bị bệnh, bạn nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 1 bữa ăn lớn. Nhưng nếu bé vẫn không chịu ăn, đừng ép bé. Ngay cả khi con bạn không ăn một miếng nào trong 24 giờ, đừng lo lắng, hãy biết rằng thời gian nhịn ăn sẽ không kéo dài – tuy nhiên, nếu trẻ hoàn toàn không ăn gì quá 24 giờ, hãy báo với bác sĩ. Trẻ em có xu hướng ăn những gì chúng cần và khi chúng khỏi bệnh, cảm giác thèm ăn sẽ nhanh chóng phục hồi. Trên thực tế, khi con của bạn khỏi bệnh, bạn sẽ ngạc nhiên vì chúng ăn nhiều thế nào.
Nếu một đứa trẻ không muốn ăn, chúng sẽ không ăn. Điều đó không có nghĩa là cha mẹ thất bại trong việc chăm sóc hoặc đứa trẻ đang tự hủy hoại bản thân. Khi trẻ bị ốm, cha mẹ chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, cung cấp đủ nước cho trẻ và cho bản thân được nghỉ ngơi.
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Hoàng Hà Linh – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM