1. Khi nào trẻ có thể ăn trứng?
Trứng là một món ăn quen thuộc giàu protein. Mẹ có thể chế biến theo nhiều cách như chiên, luộc, chưng, v.v.. để phù hợp với khẩu vị của trẻ.
Trước đây, các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo không nên đưa trứng vào chế độ ăn của trẻ nhỏ để tránh dị ứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay cho thấy điều này không thật sự hợp lý. Bố mẹ có thể cho bé ăn trứng nhưng cần phải theo dõi kĩ để tránh bé bị dị ứng với thực phẩm này.
2. Lợi ích của trứng
Trứng rất dễ mua, không tốn kém và dễ chế biến. Ngoài ra, chúng có thể kết hợp được với nhiều loại thực phẩm khác nhau cho cả ba bữa trong ngày.
Không chỉ vậy, mỗi quả trứng có chứa khoảng 70 kcalo và 6 gram protein. Lòng đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, chứa khoảng 250 miligam choline, giúp thúc đẩy hoạt động của tế bào. Bên cạnh đó, choline còn giúp tăng cường chức năng gan hỗ trợ quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng đến khắp cơ thể. Thậm chí choline còn có thể giúp tăng cường trí nhớ cho trẻ.
Trứng rất giàu riboflavin, vitamin B12, và folate. Ngoài ra trứng cũng có chứa phospho, và selen.
Những nguy cơ khi cho trẻ sơ sinh ăn trứng?
Một số thực phẩm phổ biến gây ra phản ứng dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ em bao gồm trứng, các chế phẩm từ sữa, đậu nành, đậu phộng và cá.
Các bác sĩ nhi khoa thường khuyên nên chờ cho đến khi trẻ đã đủ 1 tuổi để cho trẻ ăn trứng (cả lòng trắng và lòng đỏ).
Loại protein gây ra phản ứng dị ứng trứng nghiêm trong nằm ở lòng trắng chứ không ở lòng đỏ. Nếu trẻ bị dị ứng với các protein trong trứng, trẻ có thể gặp các triệu chứng dị ứng khác nhau.
Tuy nhiên, các trẻ được mẹ cho ăn trứng từ sau 1 tuổi có khả năng bị dị ứng trứng cao hơn những trẻ đã được tập ăn trứng từ khi mới 4 đến 6 tháng tuổi.
Những dấu hiệu dị ứng hoặc nhạy cảm với trứng
Khi một người bị dị ứng thực phẩm thì cơ thể sẽ phản ứng với loại thực phẩm đó như một chất nguy hiểm đối với cơ thể.
Có nhiều trẻ em có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa phát triển hoàn chỉnh có thể không dung nạp được một vài loại protein có trong lòng trắng trứng. Do vậy, khi trẻ được cho ăn trứng sẽ có thể cảm thấy buồn nôn, nổi mẩn hoặc có những triệu chứng dị ứng khác.
Phản ứng dị ứng có thể ảnh hưởng đến da, hoặc hệ tiêu hóa, hô hấp, hoặc hệ tuần hoàn. Các triệu chứng có thể bao gồm:
-
Phát ban, sưng hoặc mẩn đỏ
-
Tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau đớn
-
Ngứa quanh miệng
-
Khó thở, sổ mũi, hoặc gặp vấn đề về hô hấp
-
Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, và vấn đề với tim
Độ nặng của các triệu chứng phụ thuộc vào hệ miễn dịch của trẻ cũng như lượng trứng đã ăn vào. Trong một vài trường hợp, trẻ có thể bị sốc phản vệ khi ăn trứng.
Triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm các vấn đề về hô hấp và hạ huyết áp. Sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm cần được cấp cứu ngay lập tức.
Cách cho trẻ tập ăn trứng
Khi giới thiệu các loại thực phẩm mới cho trẻ, mẹ nên cho trẻ ăn từng chút một và từ từ. Bằng cách đó, mẹ có thể theo dõi các phản ứng của trẻ để kịp thời tránh dị ứng.
Một cách phổ biến để giới thiệu thực phẩm vào khẩu phần của trẻ là chờ đợi bốn ngày: cho trẻ ăn trứng vào ngày đầu tiên và chờ bốn ngày trước khi thêm bất cứ món gì mới vào chế độ ăn uống của trẻ. Nếu mẹ nhận thấy bất kỳ phản ứng dị ứng hoặc nhạy cảm nào, hãy cho trẻ đi khám ngay.
Một số cách để đưa lòng đỏ trứng vào khẩu phần ăn của trẻ:
-
Luộc trứng và bóc lấy lòng đỏ. Nghiền cùng với sữa mẹ, sữa công thức, (hoặc sữa tươi nếu trẻ trên 1 tuổi). Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ cũng có thể nghiền lòng đỏ với bơ, chuối, khoai lang và các loại trái cây và rau quả xay nhuyễn khác.
-
Tách trứng lấy lòng đỏ và làm trứng chưng cùng sữa mẹ hoặc sữa tươi. Mẹ cũng có thể thêm một muỗng canh rau củ xay nhuyễn cùng với lòng đỏ trứng.
-
Tách trứng lấy lòng đỏ, kết hợp với một nửa chén bột yến mạch nấu chín và trái cây hoặc rau. Xào cho đến khi chín. Sau đó cắt hoặc xé nhỏ cho trẻ.
Khi trẻ đã được 1 tuổi hoặc được sự đồng ý của bác sĩ nhi, mẹ có thể cho trẻ ăn cả quả trứng. Mẹ có thể làm trứng chưng cùng sữa hoặc cho vào các loại bánh.
Trứng ốp lếp cùng rau củ và phô mai cũng là một lựa chọn tốt để cho trẻ tập ăn trứng.
Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Healthline