Bắt đầu cho trẻ ăn dặm

25/09/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ăn dặm là quá trình trẻ nhỏ từ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức hoàn toàn, nay được ăn thêm các thức ăn đặc. Khi nào nên cho trẻ ăn dặm và ăn như thế nào là rất quan trọng. Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về những mẹo và phương pháp dành cho trẻ bắt đầu ăn dặm tại bài viết sau.

Bắt đầu cho trẻ ăn dặm | viamclinic.vn

Bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Khi nào thì trẻ sẵn sàng với việc ăn dặm?

Hầu hết các chuyên gia y tế đều khuyên rằng trẻ nên bắt đầu ăn dặm vào khoảng 4-6 tháng tuổi. Thời điểm 6 tháng thường được khuyến nghị vì khi đó, trẻ bắt đầu có nhu cầu lớn hơn về các chất dinh dưỡng không có hoặc hạn chế trong sữa, chẳng hạn như sắt, kẽm,… và một lượng nhỏ thức ăn đặc cũng có thể cung cấp chất dinh dưỡng này. Các dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng để ăn dặm như:

  • Đã có thể ngồi vững.
  • Vận động đầu, cổ tốt.
  • Có thể ngậm thức ăn trong miệng và sẵn sàng nhai.
  • Có thể cầm thức ăn và đưa vào trong miệng.
  • Tò mò, hiếu động trong giờ ăn và muốn tham gia.

Rất hiếm trẻ có thể ăn dặm trước 4-6 tháng tuổi. Nếu bạn cho rằng con có các dấu hiệu sẵn sàng cho việc ăn dặm nhưng chưa được 6 tháng, hãy nói chuyện với Bác sỹ Nhi khoa để được tư vấn.

Phương pháp ăn dặm truyền thống và phương pháp tự chỉ huy

Ăn dặm thường được chia làm hai phương pháp chính: truyền thống và tự chỉ huy. Tuy nhiên, không có cách nào được đánh giá là tối ưu. Điều này đồng nghĩa với việc bạn nên xem xét ưu, nhược điểm của từng phương pháp hoặc cũng có thể kết hợp các phương pháp có hiệu quả tốt nhất cho con bạn.

Ăn dặm tự chỉ huy

Với phương pháp này, bé được khuyến khích việc tự ăn ngay từ đầu. Các thức ăn cung cấp cho trẻ được chuẩn bị dưới dạng có thể cầm tay và cho phép trẻ khám phá thức ăn đặc theo tốc độ riêng của chúng.

Ưu điểm:

  • Khuyến khích bé ăn uống độc lập.
  • Trẻ có thể tự quyết định khi nào mình no và ít có khả năng thừa cân về lâu dài.
  • Thích hợp với các bữa ăn gia đình, giảm thiểu việc chế biến bữa ăn riêng cho trẻ.
  • Trẻ có thể ăn chung cùng với gia đình.

Nhược điểm:

  • Tăng nguy cơ hóc nghẹn thức ăn. Tuy nhiên, nếu được cung cấp các loại thực phẩm phù hợp, nguy cơ trẻ bị nghẹn sẽ không cao hơn so với cách ăn truyền thống.
  • Khó khăn trong việc định lượng lượng thực phẩm mà trẻ đã tiêu thụ, rất dễ bị dẫn đến suy dinh dưỡng nếu bữa ăn không đa dạng hoặc/và trẻ biếng ăn.
  • Khó xác định nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm vì nhiều loại thực phẩm được sử dụng trong cùng một bữa ăn.
  • Trẻ dễ bị dây bẩn ra người và quần áo.

Ăn dặm truyền thống

Với phương pháp này, mẹ sẽ cho bé ăn và tiếp xúc dần dần với thức ăn đặc. Bắt đầu với những thức ăn xay nhuyễn mịn chuyển dần sang thức ăn nghiền sau đó là thức ăn cầm tay và cuối cùng là những miếng cắt nhỏ.

Ưu điểm:

  • Dễ dàng xác định lượng thức ăn trẻ đã ăn.
  • Trẻ ít dây bẩn ra quần áo hơn.

Nhược điểm:

  • Việc chuẩn bị các bữa ăn riêng biệt và cho trẻ ăn có thể sẽ tốn nhiều thời gian.
  • Trẻ có nguy cơ ăn quá nhiều vì rất khó khăn để biết được khi nào trẻ đã no.
  • Nếu trẻ quá quen với việc xay nhuyễn các loại thức ăn thì việc chuyển sang các loại thực phẩm có kết cấu khác có thể gây khó chịu cho trẻ.

Hương vị đầu tiên

Hương vị đầu tiên rất quan trọng để phát triển thói quen ăn uống tốt và giúp trẻ tiếp xúc được nhiều loại thực phẩm khác nhau. Khi cho trẻ làm quen với thực phẩm mới, hãy nhớ rằng lượng ăn không quan trọng bằng số lượng thực phẩm đã thử vì trong quá trình ăn dặm, bé vẫn nhận được phần lớn chất dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Cố gắng để ăn dặm trở thành một trải nghiệm tích cực cho bé bằng cách cho trẻ chơi, chạm và nếm những món mới.

Khoảng một giờ sau khi bú sữa mẹ và khi bé không có dấu hiệu mệt mỏi thường là thời điểm thích hợp để cho trẻ ăn. Trộn thức ăn với một ít sữa mẹ hoặc công thức có thể giúp trẻ dễ chấp nhận hơn.

Những thực phẩm thích hợp cho bé thử lần đầu tiên:

  • Rau mềm, nấu chín: Bông cải xanh, cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí đỏ, bí ngô, đậu Hà Lan xay nhuyễn, nghiền hoặc chế biến để có thể cầm tay.
  • Trái cây mềm: Chuối, xoài, quả việt quất, mâm xôi, bơ, lê hoặc táo chín, mận, đào xay nhuyễn, nghiền hoặc thái cầm tay.
  • Ngũ cốc: Bột yến mạch, gạo, hạt quinoa, kê nấu chín, nghiền xay nhuyễn đến kết cấu phù hợp và trộn với một lượng nhỏ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Bắt đầu bằng vài thìa hoặc vài miếng mỗi lần một ngày trong khoảng một tuần để đánh giá xem trẻ muốn ăn nhiều hay ít. Có thể cho trẻ thử ăn thực phẩm mới hằng ngày hoặc cũng có thể kết hợp các loại thực phẩm với nhau. Ví dụ, hãy thử trộn ngũ cốc gạo dành cho trẻ sơ sinh với lê, chuối hoặc bơ. Bạn cũng có thể bắt đầu cho trẻ uống từng ngụm nước bằng cốc để cho bé làm quen.

Xây dựng chế độ ăn đặc

Xây dựng chế độ ăn đặc | viamclinic.vn

Khi bé được khoảng 4-6 tháng tuổi và thường xuyên ăn thức ăn đặc, bạn có thể cho bé ăn đa dạng hơn để dần dần xây dựng thành ba bữa mỗi ngày. Đảm bảo cung cấp đa dạng các kết cấu thực phẩm khác nhau và quan sát dấu hiệu no ở trẻ.

Bạn có thể bắt đầu với:

  • Thịt, gia cầm và cá: đảm bảo chúng mềm, dễ xử lý và đã loại bỏ hết xương.
  • Trứng: đảm bảo rằng chúng đã được chế biến kỹ.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: sữa chua và phô mai nguyên chất là những lựa chọn tốt.
  • Các loại hạt và ngũ cốc có chứa gluten: Đảm bảo chúng đã được nghiền mịn hoặc dùng làm bơ hạt. Không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn nguyên hạt. Theo dõi chặt chẽ nếu gia đình có tiền sử dị ứng hạt. Các lựa chọn bao gồm lúa mạch, mì ống,….
  • Đậu: bé có thể thích ăn các loại đậu như đậu Lima, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh,…
  • Thức ăn cầm tay: bánh gạo, bánh mì que và mì ống nấu chín cũng như trái cây mềm (chuối, lê, xoài, bơ) và rau củ nấu chín mềm (củ cà rốt, khoai lang, bông cải xanh).
  • Vào khoảng 7-9 tháng, nhiều bé đã có thể ăn ba bữa nhỏ mỗi ngày. Cố gắng bổ sung nguồn protein, carbohydrat và chất béo có trong bữa ăn. Vào khoảng 9-11 tháng, nhiều trẻ có thể sử dụng thức ăn được cắt thành từng miếng nhỏ. Trẻ cũng nên được cung cấp loại thực phẩm có độ cứng như bí xanh, táo, cà tốt, bánh quy giòn, bánh mì,…. Ở độ tuổi này, hầu hết các bé có thể ăn ba bữa mỗi ngày và một bữa tráng miệng như sữa chua chất và/hoặc trái cây. Khi được 1 tuổi, hầu hết các bé đều có thể ăn những gì mà cả nhà ăn và tham gia bữa ăn gia đình. Ở giai đoạn này, nhiều bé có thể ăn ba bữa nhỏ kết hợp với 2-3 bữa phụ mỗi ngày. Tuy nhiên, từng bé sẽ khác nhau và ăn ít hay nhiều là tùy thuộc vào nhu cầu của riêng trẻ.

Những thực phẩm cần tránh: mặc dù, trong giai đoạn ăn dặm, cần cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau nhưng có một số thực phẩm mà bạn cần tránh cho trẻ như:

  • Mật ong: tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong vì có nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng.
  • Trứng chưa được chế biến chín vì chúng có thể chứa vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho trẻ.
  • Các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: vi khuẩn có trong sữa có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều đường, muối và chế biến ở nhiệt độ cao. Những thực phẩm này thường cung cấp rất ít chất dinh dưỡng, đường có thể làm hỏng răng và thận của trẻ không thể chịu được hàm lượng muối lớn có trong thực phẩm.
  • Các loại hạt nguyên hạt: không cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn vì có nguy cơ bị nghẹn. Tham khảo ý kiến của các Bác sỹ Nhi khoa trước khi cho trẻ sử dụng các sản phẩm hạt nếu dị ứng hạt hoặc các loại dị ứng khác.
  • Các thức ăn có hàm lượng chất béo thấp: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần nhiều chất béo trong chế độ ăn hơn so với người lớn.

Một số lời khuyên giúp việc ăn dặm của bé dễ dàng hơn:

  • Trẻ có xu hướng thích ăn ngọt hơn. Vì vậy, hãy cho trẻ ăn rau trước khi ăn trái cây để hạn chế việc trẻ từ chối ăn rau.
  • Cố gắng tránh việc lặp lại một loại thực phẩm nhiều lần. Nếu trẻ không thích một loại thực phẩm nào đó, mẹ hãy liên tục cho trẻ tiếp xúc bằng cách trộn chúng với một loại thức ăn mà trẻ yêu thích cho đến khi bé quen dần.
  • Không nên ép trẻ ăn nhiều hơn mức mà trẻ muốn và dừng lại khi trẻ đã no.
  • Hãy làm cho bữa ăn của trẻ trở nên thoải mái và cho phép trẻ làm bừa bộn, dây bẩn ra quần áo. Điều này sẽ khuyến khích bé thử nghiệm nhiều hơn với thức ăn và tạo ra mối liên hệ tích cực với việc ăn uống.
  • Cố gắng cho bé tham gia các bữa ăn của gia đình. Bé sẽ có nhiều khả năng ăn những thực phẩm mà người xung quanh ăn hơn.

Những mối nguy cơ tiềm ẩn. Mặc dù việc ăn dặm rất thú vị và hấp dẫn nhưng vẫn có một số điều mà cha mẹ cần lưu ý:

Dị ứng thực phẩm

Chế độ ăn uống đa dạng là rất quan trọng nhưng vẫn có khả năng trẻ sẽ có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm và nguy cơ sẽ cao hơn do gia đình có tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc trẻ bị bệnh chàm. Không có một bằng chứng nào cho thấy việc trì hoãn cho trẻ ăn một số thực phẩm sau 6 tháng tuổi sẽ ngăn ngừa nguy cơ dị ứng.

Ngược lại, một số bằng chứng lại cho thấy rằng trẻ ăn hầu hết các loại thực phẩm từ 4 đến 6 tháng tuổi có thể làm giảm nguy cơ dị ứng và bệnh celiac. Trên thực tế, một số nghiên cứu quan sát đã chứng minh được rằng cho ăn nhiều loại thực phẩm sớm hơn 6 tháng có thể ngăn ngừa nguy cơ dị ứng, đặc biệt ở những trẻ có nguy cơ cao hơn.

Hóc nghẹn

Hóc nghẹn có thể là một mối lo ngại đáng kể khi bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc và nôn trớ là hoàn toàn bình thường trong quá trình học ăn của trẻ, nó như một phản xạ an toàn giúp trẻ không bị nghẹn. Các dấu hiệu bao gồm há miệng và thè lưỡi về phía trước, nói lắp bắp và/ hoặc ho. Trẻ cũng có thể đỏ mặt, tím tái và trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bất tỉnh.

Cha mẹ và người lớn không nên hoảng sợ hoặc quá lo lắng khi trẻ nôn. Tuy nhiên, hóc nghẹn sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Nó xảy ra khi thức ăn chặn đường thở, đồng nghĩa với việc trẻ không thể thở được bình thường. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để giảm nguy cơ hóc nghẹn:

  • Cho trẻ ngồi thẳng trong khi ăn.
  • Luôn có người trông coi trẻ khi trẻ đang ăn.
  • Từ chối những thực phẩm có nguy cơ cao như các loại hạt, nho, bỏng ngô, việt quất hoặc thịt, cá có xương.
  • Không cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa hoặc ép trẻ ăn.
  • Cha mẹ nên tham gia khóa học sơ cứu để biết cách xử lý khi trẻ bị nghẹn. Nếu trẻ không thể ho ra thức ăn, hãy gọi ngay cho các dịch vụ cấp cứu.

Kết luận

Kết luận | viamclinic.vn

Ăn dặm là một quá trình quan trọng, trong đó, trẻ sẽ chuyển từ sữa mẹ hoặc sữa công thức sang thức ăn. Cho dù, cha mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho bé thì cũng nên bắt đầu cho bé ăn rau, trái cây, ngũ cốc mềm khi trẻ được 4-6 tháng sau đó chuyển dần sang các loại thực phẩm khác.

Hãy lưu ý tránh một số loại thực phẩm nhất định và phòng ngừa nguy cơ dị ứng, nghẹt thở. Để ăn dặm trở nên thú vị và thoải mái, cho phép bé tham gia vào bữa ăn gia đình càng nhiều càng tốt.

Xem thêm video hấp dẫn:

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam để khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng cùng chuyên gia đầu ngành TẠI ĐÂY hoặc Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY