Vào mùa đông, không khí lạnh tràn về mang theo nhiều thách thức hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người bệnh đái tháo đường cần cẩn trọng hơn trong sinh hoạt hàng ngày để bảo vệ sức khỏe. Hãy cùng Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM tìm hiểu một số lưu ý trong ăn uống và vận động nhằm ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy đến khi thời tiết chuyển lạnh nhé!
Contents
Ảnh hưởng của thời tiết lạnh đến bệnh tiểu đường
Nhiệt độ xuống thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh tiểu đường theo nhiều cách. Hệ miễn dịch suy giảm khiến họ dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp,làm cho tình trạng của bênh nhân trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, thời tiết lạnh còn khiến mạch máu co lại và làm chậm lưu thông máu, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ.Cùng với đó, việc ít vận động và ăn uống nhiều hơn trong mùa đông cũng khiến cho lượng đường trong máu gia tăng.
Chế độ ăn uống phù hợp cho người tiểu đường trong mùa đông
Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường trong mùa đông. Dưới đây là một số lời khuyên quan trọng:
Ưu tiên carbohydrate lành mạnh
Thay vì các loại thực phẩm ít chất xơ (carbs tinh chế) như gạo trắng, bánh mì trắng, hãy chọn các nguồn carbohydrate lành mạnh như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây và các loại đậu. Những thực phẩm này giàu chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, từ đó kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Hạn chế muối
Ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, gây nguy cơ mắc các bệnh tim và đột quỵ. Cố gắng hạn chế tối đa 6g (1 thìa cà phê) mỗi ngày. Hãy nhớ kiểm tra lượng muối trên nhãn thực phẩm và chọn những loại ít muối. Ngoài ra, bạn có thể tự nấu ăn để dễ dàng kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày, hay thay thế muối bằng các loại thảo mộc và gia vị khác.
Tăng cường rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây tươi cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể, đồng thời giúp kiểm soát đường huyết. Bạn có thể ăn chúng vào bữa chính và dùng chúng như đồ ăn nhẹ nếu đói.Ngoài ra, người bệnh tiểu đường hãy dùng trái cây nguyên cả thay vì ép thành nước.Tuy nhiên, hãy hạn chế các loại trái cây quá ngọt như nho, xoài, na,nhãn.
Lựa chọn chất béo lành mạnh
Các loại hạt không ướp muối, quả bơ, dầu ô liu, dầu cá, dầu hạt cải và dầu hướng dương là những nguồn chất béo lành mạnh, tốt cho tim mạch. Hạn chế chất béo bão hòa có trong thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, bơ và các loại bánh ngọt. Người bệnh tiểu đường nên cắt giảm sử dụng dầu, cố gắng ăn bằng phương pháp nướng, hấp hoặc luộc.
Tìm hiểu thêm Vai trò của chất béo lành mạnh đối với sức khỏe
Đảm bảo đủ số bữa trong ngày
Việc bỏ bữa hoặc ăn kiêng không khoa học có thể dẫn đến hạ đường huyết, gây nguy hiểm cho người bệnh do vậy không nên
Cắt giảm lượng đường bổ sung
Không dùng đồ uống có đường như nước tăng lực và nước ép trái cây, nên thay thế bằng sữa nguyên chất, trà hoặc cà phê không đường . Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dự trữ thực phẩm có đường bên cạnh phòng khi bị hạ đường huyết đột ngột. Trong tình huống này, người bệnh cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị hạ đường huyết, hãy phải trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm giải pháp tốt nhất.
Hạn chế rượu bia
Rượu bia chứa nhiều calo và có thể tương tác với thuốc điều trị tiểu đường, gây hạ đường huyết.
Phòng ngừa biến chứng tiểu đường trong mùa đông
Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh tiểu đường cần lưu ý một số điều sau để phòng ngừa các biến chứng trong mùa đông:
- Giữ ấm cơ thể: Nếu phải ra ngoài, người bệnh nên lưu ý mặc ấm để tránh tình trạng sốc nhiệt. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể khiến các mạch máu co lại dẫn tới thiếu oxy – là nguy cơ gây ra các tai biến. Do vậy người bệnh cần giữ ấm cơ thể, bàn tay, bàn chân và vùng đầu.
- Vận động thường xuyên: Duy trì thói quen tập luyện thể dục, có thể tham khảo các bài tập trong nhà và lưu ý khởi động kỹ càng trước khi tập luyện.
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Theo dõi đường huyết thường xuyên để nắm rõ tình trạng sức khỏe và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện nếu cần thiết.
- Dự phòng nhiễm trùng : Bị nhiễm cảm lạnh hoặc cúm có thể sẽ không phải là vấn đề đơn giản nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bởi bệnh cảm lạnh và cúm có thể sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng sau này.Do vậy, người tiểu đường nê tránh tiếp xúc với những người bị ốm và thường xuyên rửa sạch tay để dự phòng các bệnh dễ lây nhiễm.
- Chăm sóc bàn chân: Kiểm tra bàn chân hàng ngày, dưỡng ẩm và đi giày dép phù hợp để tránh các tổn thương. Nếu chức năng tuần hoàn của bạn kém và bạn có các bệnh lý về thần kinh ngoại biên, bạn có thể không thực sự cảm nhận được nhiệt độ lạnh thông qua bàn chân. Do vậy, nguy cơ bị loét, nhiễm trùng và hoại tử chân ở người bệnh tiểu đường trong mùa đông sẽ cao hơn.
- Quản lý căng thẳng: Tìm cách giải tỏa căng thẳng, stress để duy trì sức khỏe tinh thần tốt.
- Bảo quản thuốc và các dụng cụ hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường : Bảo quản insulin ở ngoài (bao gồm cả việc để insulin trong ôtô) chưa bao giờ là một ý tưởng tốt. Và điều này đặc biệt đúng trong suốt mùa đông. Bạn cũng nên giữ máy kiểm tra đường huyết tránh xa các điều kiện môi trường lạnh để tránh tình trạng cho ra kết quả không chính xác.
- Tuân thủ kế hoạch điều trị: Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ.
Lời khuyên của chuyên gia
Mùa đông có thể mang đến nhiều thách thức cho người bệnh tiểu đường, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ các hướng dẫn trên, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh tình, tận hưởng một mùa đông khỏe mạnh và hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống năng động và tinh thần lạc quan là chìa khóa để chiến thắng bệnh tiểu đường, không chỉ trong mùa đông mà còn vào các thời điểm khác trong năm.
Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ điều trị để xây dựng một kế hoạch kiểm soát bệnh tiểu đường phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân của bạn.
Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM (VIAM Clinic) thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam tư vấn, cung cấp chế độ dinh dưỡng cá thể dành cho những người đang điều trị các bệnh mạn tính, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ mang thai và cho con bú,… Để đặt lịch khám, bạn hãy liên hệ với VIAM Clinic TẠI ĐÂY hoặc Hotline: 0935.18.3939 hoặc 024.3633.5678