Mâm cơm gia đình luôn đóng vai trò quan trọng với mỗi người, thế nhưng thật khó để khẳng định bữa ăn gia đình của chúng ta có thực sự cân bằng về dinh dưỡng hay không. Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về cách cân bằng dinh dưỡng cho mâm cơm gia đình tại bài viết sau.
Trước đây, do quỹ thời gian eo hẹp cùng khối lượng công việc nhiều nên mâm cơm nhà chị Hà Thị Thanh ở quận Hoàng Mai – Hà Nội luôn phải nhanh gọn và đơn giản nhất có thể. Cũng vì thế, cậu con trai chị Thanh đã quen với thực đơn của mẹ lúc nào không hay, việc từ chối các món không “thích” ngày càng nhiều. “Chỉ cần nấu một nồi cơm, thêm bát canh rau, rang ít thịt hay rán quả trứng là xong bữa. Con trai tôi thích ăn các món từ thịt lợn, thịt bò, đậu, lạc còn các món cá, tôm, cua là bạn ý không thích và không ăn”- chị Thanh nói.
Việc cân đối các nhóm chất giúp tăng cường sức khỏe là điều không thể bỏ qua, tuy nhiên, với người cao tuổi như bà Trần Thị Tuyết ở quận Đống Đa, HN, chất xơ lại là một nhóm chất được “ưu ái” hơn cả. “Vì lớn tuổi nên chủ yếu ăn thịt nạc, ăn rau là nhiều, thậm chí còn có thể luộc thêm đĩa rau củ quả ăn kèm rau xanh”- bà Tuyết chia sẻ.
Gia đình có người già, trẻ nhỏ hay người mắc các bệnh mãn tính thì bữa ăn trong gia đình nhiều thế hệ lại càng không đơn giản. Chỉ khi nào có khách, gặp mặt gia đình, có giỗ chạp hay ngày, lễ tết, thì bữa cơm mới có nhiều món. Việc xây dựng mâm cơm gia đình như vậy đã được coi là cân bằng dinh dưỡng hay chưa thì các “bếp trưởng tại gia” thật khó trả lời.
Theo PGS. TS. BS Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN – Trưởng Phòng Khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, quan niệm từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình của người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài thể hiện nét văn hóa, bữa cơm gia đình còn là bữa ăn cung cấp các chất dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong nhà.
“Tuy nhiên, bữa cơm truyền thống của người Việt Nam chúng ta ngày càng có nhiều thay đổi, đây không còn là dịp để ông bà, bố mẹ, con cái gặp nhau như ngày xưa. Cách chế biến của món ăn thì cũng khác nhiều. Ví dụ ngày xưa thì có nhiều thời gian để ông bà bố mẹ bỏ công nấu nướng chế biến rất cụ thể. Nhưng bây giờ ai cũng vội cả nên việc mua đồ ăn sẵn đã trở nên phổ biến” – BS. Nguyễn Xuân Ninh chia sẻ.
Thực tế, các thành viên trong gia đình thường thưởng thức các món ăn theo thói quen của người nội trợ. Thế nhưng, hiện có không ít người nội trợ vẫn chế biến các món ăn theo bản năng, theo thói quen và ý thích của cá nhân mình. Theo BS Nguyễn Xuân Ninh, một người đầu bếp ngoài kiến thức về nấu ăn ngon còn cần phải có kiến thức về mặt dinh dưỡng để nấu các món phù hợp với khẩu vị và nhu cầu của từng người, giúp cho mỗi thành viên của gia đình khỏe mạnh. Đây là một việc rất khó trong thời hiện đại bởi vì trong gia đình có rất nhiều đối tượng khác nhau như người già, người bị bệnh mãn tính (thừa cân, huyết áp, tim mạch, mỡ máu…) và trẻ nhỏ đang cần dinh dưỡng để phát triển tăng cơ, tăng chiều cao…
Bài viết tham khảo về bác sĩ khám dinh dưỡng uy tín tại Hà Nội
“Hiện nay, một thái cực được gọi là giàu có nhưng mà chưa đúng đó là có những người rất thích ăn các món thịt béo như thịt lợn mỡ (thịt ba chỉ, thịt quay, các món chế biến sẵn như: giò, chả, xúc xích hoặc rán, xào). Nếu người nội trợ có thói quen này thì cả nhà sẽ ăn những món như thế. Về lâu dài sẽ dẫn đến vấn đề thừa cân béo phì và rất nhiều bệnh mãn tính. Còn một xu hướng thứ hai thường gặp ở vùng sâu, vùng xa, đó là do tình trạng thiếu thốn về kinh tế cộng với kiến thức dinh dưỡng còn hạn chế nên người dân thường chỉ ăn cơm với rau hoặc là ăn rất nhiều cơm. Cả hai chiều hướng này đều có nguy cơ dẫn đến rất nhiều bệnh liên quan yếu tố do thiếu dinh dưỡng gây nên”- PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo.
Do vậy, bác sỹ Nguyễn Xuân Ninh đưa ra lời khuyên để cho mâm cơm gia đình vừa khoa học lại vừa ngon miệng hơn, đó là mâm cơm nên có 4 món chính. “Ví dụ như món cơm, mỗi người có thể từ nửa bát đến hai miệng bát thì tùy theo tình trạng lao động của mỗi người. Với những người phải ăn kiêng như thừa cân, mắc bệnh mỡ máu thì nên ăn ít hơn hoặc thậm chí phải dùng đến gạo lứt. Món thứ hai là món thịt mặn nên có một đến hai món. Ví dụ có thể món cá hay thịt. Mỗi người phải đảm bảo một đơn vị mà chúng tôi hay hướng dẫn (1 đơn vị bằng lòng bàn tay mỗi người). Thứ ba là món rau, rau thì có thể là rau tươi hoặc rau luộc, mỗi một người ăn khoảng một đến hai đơn vị đo bằng nắm tay của mình. Thứ tư là món canh, không nên gộp món canh với món rau bởi món canh để cung cấp nước có hương vị riêng của nó. Cuối cùng có thể có món trái cây tráng miệng có thể ăn ngay sau đó hoặc ăn sau bữa ăn từ 1-2 giờ” – BS Ninh tư vấn.
Chuyên gia lưu ý, trong quá trình chế biến, chúng ta không nên ninh thịt lâu khoảng 3-4 tiếng đồng hồ bởi ninh lâu nhiều axit amin quý trong thịt sẽ bị sẽ hao hụt hoặc bị phá hủy, dẫn đến dù ăn nhiều thịt nhưng lại không đáp ứng được một số nhu cầu do thịt cung cấp. Ngoài ra, việc lên thực đơn cho cả tuần đối với món chính mang lại nhiều lợi ích, đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt với những người ăn kiêng, người tập thể thao, người già, trẻ nhỏ hay người mắc bệnh mãn tính….
Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678
PGS. TS. BS Nguyễn Xuân Ninh – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo VOV2 – Đài tiếng nói Việt Nam