Bên cạnh các phương pháp điều trị sử dụng thuốc thì chế độ ăn uống cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp vẩy nến. Tuy nhiên, không có một chế độ ăn uống cụ thể nào được khuyến nghị cho bệnh viêm khớp vẩy nến.
Viêm khớp vẩy nến là một bệnh mạn tính. Hiện tại bệnh chưa có cách chữa trị dứt điểm, nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Những người bị viêm khớp vẩy nến có triệu chứng sưng, đau, cứng khớp, mệt mỏi và các triệu chứng khác. Nhiều người bị viêm khớp vẩy nến cũng có triệu chứng trên da – đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh vẩy nến. Không có chế độ ăn uống cụ thể nào gây ra hoặc giúp điều trị triệt để bệnh vẩy nến cũng như viêm khớp vẩy nến. Tuy nhiên, một số lời khuyên về chế độ ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bài viết này đưa cho bạn một số lời khuyên về chế độ ăn cũng như danh sách thực phẩm có lợi cho người bị viêm khớp vẩy nến và loại thực phẩm nào bạn nên tránh.
Chế độ ăn cho người bị viêm khớp vảy nến
Các bác sĩ không quy định một chế độ ăn kiêng cụ thể cho bệnh viêm khớp vẩy nến, nhưng chế độ ăn tập trung vào các thực phẩm tốt có thể sẽ mang lại lợi ích. Ví dụ, chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào thực phẩm tươi, có nguồn gốc thực vật và giảm bớt khẩu phần thịt hơn so với chế độ ăn điển hình của phương Tây. Chế độ ăn này cũng không chứa nhiều thực phẩm chế biến sẵn hoặc thêm đường và chất béo. Nghiên cứu cho thấy Chế độ ăn Địa Trung Hải có thể có lợi cho người bị viêm khớp vẩy nến.
Một vấn đề sức khỏe thường đi kèm ở những người bị viêm khớp vẩy nến như bệnh celiac, béo phì và bệnh tim mạch. Việc lựa chọn một chế độ ăn giải quyết những vấn đề sức khỏe này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh cũng như tăng cường sức khỏe của bạn. Trái cây và rau củ rất giàu chất chống oxy hóa nên có thể giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Đọc thêm bài viết: Chế độ ăn keto có tốt cho bạn không?
Chế độ ăn uống thân thiện với đường ruột
Sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, trong đó phải kể đến hệ miễn dịch, sự trao đổi chất và cân nặng. Một số nhà khoa học cho rằng sự xáo trộn của hệ vi sinh đường ruột có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vẩy nến.
Một nghiên cứu từ năm 2015 đã so sánh vi khuẩn đường ruột của những người khỏe mạnh với những người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến có hệ vi sinh đường ruột ít đa dạng hơn và số lượng lợi khuẩn cũng thấp hơn so với những người khỏe mạnh. Một số thực phẩm và chất bổ sung có thể tăng cường sức khỏe của hệ vi sinh đường ruột bao gồm:
- Thực phẩm lên men: Kimchi, kefir, kombucha, dưa cải bắp, sữa chua và miso chứa vi khuẩn có lợi.
- Probiotics: Các loại khác nhau có chức năng khác nhau. Bạn nên hỏi bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn sản phẩm phù hợp.
- Chất xơ: có lợi cho sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật đường ruột.
Chế độ ăn không có gluten
Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh vẩy nến có nhiều nguy cơ mắc bệnh celiac hoặc nhạy cảm với gluten. Cơ thể của những người mắc các bệnh này không dung nạp được gluten. Nếu các xét nghiệm phát hiện ra rằng một người bị nhạy cảm với gluten thì họ nên tham khảo chế độ ăn không có gluten. Tuy nhiên, trước khi áp dụng chế độ ăn không có gluten bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ vì không phải tất cả mọi người đều sẽ phù hợp với chế độ ăn này. Chế độ ăn không có gluten cần được lập kế hoạch cẩn thận vì nó có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt một số chất dinh dưỡng.
Chế độ ăn kiêng giảm cân
Béo phì có thể làm khởi phát và làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến. Trọng lượng dư thừa có thể gây thêm căng thẳng cho các khớp cũng như liên quan đến tình trạng viêm và có thể làm cho bệnh vảy nến trở nên tồi tệ hơn. Duy trì cân nặng vừa phải có thể giúp mọi người tránh được béo phì và các bệnh đi kèm khác có liên quan đến bệnh vẩy nến, chẳng hạn như huyết áp cao, tăng lipid máu và bệnh tim. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống kiểm soát calo có thể hỗ trợ bạn trong việc điều chỉnh cân nặng. Ngoài ra, chế độ ăn tăng cường trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt cũng có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Chế độ ăn uống tốt cho tim
Những người bị viêm khớp vẩy nến có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn, trong đó đáng lưu ý là các bệnh béo phì, tiểu đường type 2, tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Để có một trái tim khỏe bạn nên lưu ý một số nguyên tắc ăn uống sau:
Lựa chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và những thực phẩm có bổ sung thêm muối và đường
- Ăn nhiều trái cây tươi và rau củ
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn
- Hạn chế uống rượu, bạn chỉ nên uống tối đa 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly mỗi ngày đối với nữ
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải khuyến khích bạn ăn nhiều trái cây, rau và cá. Theo một số nghiên cứu, những người bị viêm khớp dạng thấp tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải có thể thấy sự cải thiện về tình trạng của bệnh cũng như cải thiện thể chất. Lợi ích này đến từ việc chế độ ăn Địa Trung Hải có chứa các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Điều này cũng có thể có lợi cho những người bị viêm khớp vẩy nến. Bất kỳ chế độ ăn uống nào có chứa nhiều nguyên liệu tươi, có nguồn gốc thực vật đều có khả năng mang lại lợi ích cho sức khỏe cho bạn.
Chế độ ăn giàu chất xơ
Một bài báo nghiên cứu năm 2022 cho rằng chất xơ trong chế độ ăn uống có thể giúp ích cho những người mắc bệnh vẩy nến, một bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh viêm khớp vẩy nến. Chất xơ giúp:
- Giảm stress oxy hóa
- Thúc đẩy hệ vi sinh đường ruột
- Góp phần kiểm soát cân nặng
Trong chế độ ăn giàu chất xơ, bạn nên:
- Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt
- Chọn gạo lứt thay vì gạo trắng
- Tập trung vào trái cây và rau quả tươi, chưa qua chế biến
- Tránh thêm đường, kể cả mật ong và nước ngọt
- Tránh bánh mì trắng, bánh nướng và các thực phẩm khác có chứa carbohydrate tinh chế
Chế độ ăn khác
Một số chế độ ăn khác như chế độ ăn Paleo và chế độ ăn keto có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp vẩy nến. Mặc dù những chế độ ăn này hiện đang phổ biến và có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe, nhưng các nghiên cứu lâm sàng vẫn chưa chứng minh được hiệu quả của chúng trong việc mang lại lợi ích cụ thể cho những người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn áp dụng chế độ ăn này.
Đọc thêm bài viết: 5 chế độ ăn tốt nhất cho phụ nữ trên 50 tuổi
Chế độ ăn Paleo
Chế độ ăn kiêng paleo bao gồm các loại thực phẩm mà con người sơ khai đã ăn, ưu tiên thịt, cá, rau, trái cây, quả và hạt được chế biến tối thiểu. Một đánh giá năm 2016 cho thấy chế độ ăn Paleo có thể giúp kiểm soát cân nặng và các vấn đề về trao đổi chất.
Chế độ ăn keto
Chế độ ăn keto thường ít carbohydrate và nhiều chất béo. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy chế độ ăn keto ít calo đã làm giảm đáng kể một số dấu hiệu viêm nhiễm sau 4 tuần ở những người mắc bệnh vảy nến. Tuy nhiên, các bác sĩ cần nghiên cứu thêm trước khi họ có thể đề xuất chế độ ăn keto cho những người bị viêm khớp vẩy nến. Chế độ ăn keto có thể giúp mọi người đạt được và duy trì cân nặng vừa phải. Điều này có thể có tác động tích cực đến các triệu chứng của bệnh viêm khớp vẩy nến.
Thực phẩm nên ăn
Các loại thực phẩm và thói quen ăn uống tốt có thể mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh viêm khớp vẩy nến tương tự như những loại thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa. Viêm mạn tính đóng một vai trò quan trọng trong các loại viêm khớp và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Tiêu thụ thực phẩm có chứa chất xơ và chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm nhiễm và các triệu chứng liên quan. Một số loại thực phẩm mà người bệnh viêm khớp vẩy nến nên ăn.
Thực phẩm chống viêm
Một số thực phẩm chống viêm tốt cho người bị viêm khớp vẩy nến:
- Quả mọng
- Các loại rau lá xanh
- Trà xanh
- Một số loại thảo mộc và gia vị
Chất xơ và chất chống oxy hóa
Các chuyên gia khuyến nghị những người bị viêm khớp nên ăn chất xơ vì chất xơ có thể làm giảm viêm cũng như tuân theo chế độ ăn có nhiều chất chống oxy hóa. Các chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm bằng cách loại bỏ các gốc tự do. Các gốc tự do là sản phẩm phụ của nhiều quá trình trong cơ thể có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một số thực phẩm cung cấp chất xơ và chất chống oxy hóa bao gồm:
- Trái cây tươi và rau quả
- Các loại ngũ cốc
- Đậu đỗ
- Các loại hạt
- Cá béo
Chất béo lành mạnh
Chế độ ăn của bạn nên bao gồm chất béo lành mạnh, chẳng hạn như:
- Dầu oliu
- Bơ
- Dầu thực vật khác
- Các loại cá như cá hồi, cá hồi và cá trích chứa axit béo omega-3 chống viêm, có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu cho thấy dầu cá có thể có lợi cho những người bị bệnh vẩy nến.
Vitamin D
Nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh vẩy nến có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn những người khác. Vitamin D đóng một vai trò trong việc duy trì sức khỏe của da. Mặc dù hầu hết vitamin D đến từ việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng các nguồn thực phẩm cũng rất quan trọng. Một số nguồn thực phẩm tốt cung cấp vitamin D bao gồm:
- Lòng đỏ trứng
- Các sản phẩm sữa tăng cường, ngũ cốc và nước cam
- Cá có dầu
Gừng
Gừng có nhiều chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm. Các hợp chất chống oxy hóa có trong gừng là gingerols, shogaols và paradols. Nghiên cứu chỉ ra gừng có thể giúp giảm đau do viêm xương khớp nói chung.
Curcumin
Curcumin là một chất hóa học trong củ nghệ và có lợi cho những người bị viêm khớp vẩy nến. Nghiên cứu cho thấy chất curcumin như một phương thuốc tự nhiên có thể giúp ích cho những người mắc bệnh vẩy nến.
Các thực phẩm cần tránh
Những người mắc bệnh vẩy nến nên tuân theo chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch, tránh tiêu thụ nhiều các thực phẩm như thịt mỡ, sữa béo, ngũ cốc tinh chế và đường bổ sung. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn có thể chứa chất béo chuyển hóa là chất béo không lành mạnh, không tốt cho sức khỏe nên cũng cần hạn chế.
Nghiên cứu chỉ ra rằng giảm cân thông qua chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể làm giảm viêm tổng thể và giúp giảm các triệu chứng của bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến. Thực phẩm có thể góp phần tăng cân bao gồm thực phẩm chiên rán, ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung và rượu.
Vì lý do này, những người bị viêm khớp vẩy nến nên hạn chế những thực phẩm như:
- Thực phẩm và đồ uống có thêm đường, bao gồm soda và kẹo
- Bánh mì trắng, gạo trắng và các sản phẩm bánh mì và ngũ cốc tinh chế khác
- Bánh quy, bánh ngọt và đồ ăn vặt đóng gói
- Thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích.
- Đồ chiên rán
- Đồ uống có cồn
Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678
BS Nguyễn Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Medical News Today