6 nguyên nhân gây chán ăn ở người cao tuổi

20/02/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Khi bước vào tuổi già, cảm giác thèm ăn của nhiều người giảm dần, khẩu phần ăn cũng ít đi đáng kể. Tình trạng chán ăn, mất cảm giác ngon miệng này có thể do nhiều nguyên nhân như: giảm chức năng vị giác, rối loạn tiêu hóa, sức khỏe suy giảm, tác dụng phụ của thuốc, bệnh trầm cảm, cô đơn hoặc một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng chán ăn kéo dài sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm chất lượng cuộc sống.

6 nguyên nhân gây chán ăn ở người cao tuổi

Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chán ăn ở người cao tuổi và một số biện pháp cải thiện. Hy vọng qua đó, người cao tuổi và gia đình có thể nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa và xử lý vấn đề kịp thời. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ngon miệng sẽ góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần và chất lượng sống của người cao tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến chán ăn ở người cao tuổi

1. Thay đổi sinh lý do tuổi tác

Việc cảm giác thèm ăn giảm sút khi về già là điều không hiếm gặp. Điều này là do khứu giác và vị giác suy giảm khi tuổi cao, khiến thức ăn trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngoài ra, nếu ít hoạt động thể lực hơn so với thời thanh niên, cơ thể cũng không cần nhiều năng lượng như trước đây.

2. Vấn đề răng miệng

Các vấn đề về răng miệng trở nên phổ biến hơn khi lớn tuổi, và chúng có thể khiến việc ăn uống trở nên khó chịu hơn, theo Hiệp hội Nha khoa Mỹ. Các vấn đề như mất răng hoặc răng giả không vừa, có thể khiến việc nhai trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, sâu răng hoặc bệnh nha chu chưa được điều trị cũng khiến việc nhai trở nên đau đớn.

3. Thay đổi hoàn cảnh xã hội

Khi về già, hoàn cảnh sống có thể thay đổi. Bạn có thể sống với ít người hơn hoặc sống một mình và ăn uống cô độc. Theo các nghiên cứu, những người sống một mình gần như gấp đôi nguy cơ bị chán ăn. Những thay đổi về hoàn cảnh xã hội này có thể làm tăng cảm giác cô đơn, khiến cảm giác thèm ăn giảm sút. Ngoài ra, nếu trầm cảm do phải sống một mình, bạn cũng có thể bị mất cảm giác ngon miệng.

4. Cảm lạnh hoặc nhiễm trùng

Hệ miễn dịch có thể suy giảm khi tuổi tăng, khiến bạn dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng hơn. Khi cơ thể bị ốm, các món ăn thường không còn hấp dẫn nữa. Điều này đặc biệt đúng nếu bệnh khiến bạn bị mất nước.

5. Suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức, đặc biệt trong bệnh sa sút trí tuệ và Alzheimer, có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, dẫn đến sụt cân và mất hứng thú với thức ăn. Ăn các bữa đều đặn cũng trở nên thách thức đối với những người mắc bệnh Alzheimer. Họ có thể bị choáng ngợp bởi quá nhiều lựa chọn thức ăn hoặc gặp khó khăn trong việc tập trung vào thức ăn nếu môi trường xung quanh quá nhiều xao nhãng. Hơn nữa, khi bệnh Alzheimer trở nên tồi tệ hơn, người bệnh có thể quên ăn hoặc không còn nhận ra thức ăn.

6. Bệnh mạn tính và tình trạng sử dụng thuốc

Nhiều bệnh mạn tính thường gặp ở người già như đau mạn tính, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận, bệnh gan và ung thư đều có thể làm giảm cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, các bệnh như Parkinson hoặc viêm khớp dạng thấp nặng cũng có thể ảnh hưởng khả năng cầm nắm đũa thìa, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn hơn. Thuốc điều trị các bệnh trên cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn. Một số loại thuốc có thể làm thay đổi cảm giác vị giác, gây khô miệng hoặc đơn giản là khiến bạn cảm thấy chán ăn. Theo các chuyên gia, một số loại thuốc phổ biến nhất gây mất cảm giác ngon miệng bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh
  • Digoxin, thuốc điều trị suy tim
  • Fluoxetine, thuốc chống trầm cảm
  • Hydralazine, điều trị huyết áp cao
  • Opioid, dùng để giảm đau mạn tính

Cách khắc phục tình trạng chán ăn ở người cao tuổi

May mắn thay, có một số thay đổi trong bữa ăn và đồ ăn nhẹ hàng ngày giúp kích thích cảm giác thèm ăn, hoặc ít nhất là bổ sung đủ năng lượng mặc dù bạn không cảm thấy đói. Một số gợi ý bạn có thể thử:

  • Bổ sung thêm calo và protein vào thức ăn: Thêm thực phẩm giàu calo vào bữa ăn giúp bạn hấp thụ đủ chất dinh dưỡng trong một lượng thức ăn nhỏ hơn.
  • Cho thức ăn thêm hương vị: Thêm các loại rau thơm tươi hoặc nước cốt chanh giúp bữa ăn có vị ngon hơn mà không cần thêm muối.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ: Nếu không có cảm giác thèm ăn đủ cho 3 bữa chính, hãy ăn nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày.
  • Tăng cường hệ thống hỗ trợ: Đừng ngại nhờ người thân hoặc bạn bè giúp đỡ nếu gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, mua sắm hoặc nấu nướng. Bạn cũng có thể thử ăn cùng mọi người.
  • Cố gắng ăn trong môi trường yên tĩnh: Môi trường quanh bạn cũng quan trọng như bữa ăn được dọn ra. Điều này đặc biệt đúng với những người bị suy giảm nhận thức. Hãy giảm thiểu xao nhãng bằng cách tắt TV và điện thoại di động. Chỉ cung cấp 1 hoặc 2 món ăn cùng lúc để tránh choáng ngợp, theo gợi ý của Hiệp hội Alzheimer.
  • Hỏi bác sĩ về thuốc thay thế: Nếu loại thuốc mới hay liệu trình điều trị ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, hãy cho bác sĩ biết. Họ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc loại thuốc cho phù hợp.

Tóm lại, chán ăn ở người già có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, bằng cách lựa chọn thực phẩm phù hợp, tăng cường hương vị, ăn nhiều bữa nhỏ, uống thêm sữa, cùng ăn với người thân và bạn bè trong môi trường thư giãn, người cao tuổi vẫn có thể duy trì được chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Nếu tình trạng chán ăn kéo dài, bạn cần đi khám, tìm nguyên nhân và điều trị triệt để. Sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và xã hội cũng góp phần quan trọng giúp người cao tuổi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hà Linh – Phòng khám chuyên khoa dinh đưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY