Sắt là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Thiếu sắt nhiều chức năng cơ thể sẽ gặp vấn đề. Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu về 7 dấu hiệu cho thấy rằng bạn có thể bị thiếu sắt.
Vai trò chính của sắt là vận chuyển oxy trong máu đến mọi tế bào trong cơ thể. Sắt là một thành phần quan trọng của huyết sắc tố, protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi và vận chuyển nó đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ chất sắt thì cơ thể sẽ không thể tạo ra đủ các tế bào hồng cầu mang oxy khỏe mạnh. Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu hay nói cách khác là giảm huyết sắc tố.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn do mất máu trong thời kỳ kinh nguyệt. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, lượng sắt được khuyến nghị trong chế độ ăn hàng ngày đối với hầu hết phụ nữ từ 19 – 50 tuổi là 18 miligam (mg). Phụ nữ mang thai nên tiêu thụ 27 mg mỗi ngày. Mặt khác, nam giới trưởng thành chỉ cần khoảng 8 mg sắt mỗi ngày. Phụ nữ mang thai cần nhiều chất sắt nhất. Bởi em bé đang phát triển hoạt động như một ký sinh trùng lấy sắt từ người mẹ và người mẹ tăng lượng máu của mình để lưu thông qua em bé, tạo ra lượng máu cho em bé.
Có hai loại sắt: sắt heme từ nguồn động vật và sắt không heme từ nguồn thực vật. Sắt heme được máu hấp thụ dễ dàng hơn. Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt bò, gan, hàu, đậu, ngũ cốc tăng cường và rau lá xanh đậm như rau bina.
Đọc thêm bài viết: Thực phẩm giàu sắt hơn thịt bò
Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu sắt:
Contents
Cực kỳ mệt mỏi và kiệt sức
Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng thiếu sắt vì lúc này cơ thể bạn đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển oxy đến các tế bào. Những người thiếu sắt trong máu thường cảm thấy uể oải, yếu ớt và không thể tập trung. Mặc dù mệt mỏi có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng, nhưng nếu nó không biến mất khi nghỉ ngơi đầy đủ thì hãy xem xét kiểm tra lượng sắt của bạn.
Thường xuyên bị nhiễm trùng
Sắt đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, vì vậy mức độ sắt thấp có thể khiến một người dễ bị nhiễm trùng hơn. Các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đến lá lách – đây là nơi có thể chống lại nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các tế bào hồng cầu cũng mang oxy đến các hạch bạch huyết, nơi chứa các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Khi bị thiếu sắt, các tế bào bạch cầu không được sản xuất và chúng không khỏe mạnh vì không nhận đủ oxy. Vì vậy có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
Da nhợt nhạt
Hemoglobin làm cho da có màu hồng, vì vậy nồng độ hemoglobin thấp sẽ khiến da trở nên nhạt màu hơn. Khi các tế bào hồng cầu trở nên thiếu chất sắt, chúng trở nên nhỏ hơn và nhạt màu hơn ở trung tâm nên da cũng trở nên nhợt nhạt hơn. Điều này có thể dễ phát hiện hơn ở những người có nước da sáng, nhưng bất kể màu da của bạn là gì nếu vùng bên trong mí mắt dưới của bạn nhạt hơn bình thường thì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt.
Sưng lưỡi
Những thay đổi ở lưỡi của bạn, bao gồm đau nhức hoặc sưng tấy, có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt. Các vết nứt ở miệng cũng phổ biến ở những người bị thiếu sắt.
Đọc thêm bài viết: Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách và hiệu quả
Hội chứng chân không yên
Một số người bị thiếu sắt sẽ phát triển hội chứng chân không yên, một chứng rối loạn khiến bạn luôn có cảm giác muốn cử động chân, thường đi kèm với cảm giác khó chịu, kiến bò ở chân khiến bạn khó ngủ.
Hội chứng Pica
Những người bị thiếu sắt có thể phát triển cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm, chẳng hạn như đất sét, bụi bẩn hoặc phấn, một tình trạng được gọi là hội chứng pica. Tuy nhiên, thỏa mãn cơn thèm và ăn những chất này có thể gây hại, vì nó có thể dẫn đến việc hấp thụ các chất độc và chất có hại. Ăn đất sét, phấn và bụi bẩn thực sự có thể cản trở sự hấp thụ sắt.
Rụng tóc
Thiếu sắt, đặc biệt thiếu máu có thể gây rụng tóc. Các nang tóc không nhận đủ oxy, chúng sẽ chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi, rụng bớt và không mọc lại cho đến khi tình trạng thiếu máu được cải thiện. Rụng khoảng 100 sợi tóc mỗi ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tóc mình rụng nhiều và không mọc trở lại thì đây có thể là dấu hiệu của việc thiếu sắt.
Nếu đang gặp những triệu chứng này thì bạn nên gặp bác sĩ. Khi đó, các bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu sắt và đưa nhiều thực phẩm giàu sắt hơn vào chế độ ăn uống của bạn cũng như xác định xem bạn có cần bổ sung sắt hay không.
Xem thêm video hấp dẫn:
Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678
Thu Hoài – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Verywell Health