Các bà mẹ đang cho con bú cần xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng những loại thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết về những thực phẩm cần tránh khi cho con bú. Một chế độ ăn uống lành mạnh trong thời kỳ cho con bú sẽ không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho người mẹ mà còn giúp đảm bảo cung cấp đủ sữa và dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh.
Các nghiên cứu cho thấy điều kiện dinh dưỡng của mẹ có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ. Vì vậy, việc biết được những loại thực phẩm và đồ uống nên hạn chế hoặc tránh khi cho con bú sẽ giúp các bà mẹ đảm bảo an toàn và hạn chế nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua sữa mẹ.
Dưới đây là những loại thực phẩm bạn nên tránh hoặc hạn chế trong thời gian cho con bú.
Contents
Rượu
Các chuyên gia khuyến nghị nên tránh uống rượu trong thời gian cho con bú vì rượu cản trở phản xạ xuống sữa và sản xuất sữa do làm thay đổi các hormone sản xuất sữa. Ngoài ra, rượu có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ cáu kỉnh và gây ra các vấn đề lâu dài, chẳng hạn như suy giảm phát triển nhận thức. Tuy nhiên, những nguy cơ này thường chỉ gặp ở những người mẹ uống rượu với một lượng lớn và thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo các bà mẹ đang cho con bú chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải, tức là không uống quá một ly tiêu chuẩn mỗi ngày. Uống rượu ở mức độ vừa phải có thể không ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu người mẹ cho trẻ bú sau ít nhất 2 tiếng sử dụng rượu.
Điều này là rất quan trọng vì 30 đến 60 phút sau khi uống rượu, nồng độ cồn trong sữa ở mức cao nhất và nó sẽ lưu lại trong sữa đến hai đến ba tiếng.
Vậy một ly tiêu chuẩn là bao nhiêu?
Thước đo cho một loại ly tiêu chuẩn khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ, ở Mỹ, một ly tiêu chuẩn (hoặc một đồ uống có cồn tương đương) là:
- 350ml bia thông thường
- 150ml rượu vang
- 45ml rượu rượu mạnh từ 40 độ trở lên.
Vậy nên nếu sử dụng rượu bạn cần cố gắng sử dụng một cách hạn chế và trong giới hạn. Một bà mẹ cho con bú uống một lượng lớn rượu có thể khiến con mình gặp các vấn đề sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như chậm phát triển vận động. Uống rượu mà không ăn sẽ làm tăng tác dụng của rượu đối với các hormone sản xuất sữa. Do đó, nếu uống rượu bạn cần ăn thêm đồ ăn để tránh các tác dụng phụ của rượu.
Caffeine
Caffeine là một chất kích thích tự nhiên thường được tìm thấy trong trà, cà phê và sô cô la. Đồ uống thể thao, nước ngọt, nước có hương vị, nước tăng lực và một số loại thuốc và một số sản phẩm khác cũng có thể chứa caffeine. Người mẹ cho con bú ăn hoặc uống thực phẩm có chứa caffeine có thể truyền ngay chất kích thích này sang con qua sữa mẹ.
Tiêu thụ một lượng lớn caffein có thể khiến trẻ bồn chồn, khó ngủ. Tuy nhiên, nếu mẹ tiêu thụ một lượng vừa phải không có khả năng gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào ở trẻ đủ tháng, khỏe mạnh. Các chuyên gia khuyến nghị các bà mẹ cho con bú uống không quá 2-3 tách cà phê (200 đến 300mg caffeine) mỗi ngày. Khuyến nghị này có thể khác nhau ở một số quốc gia.
Ví dụ, tại Anh khuyến cáo các bà mẹ đang cho con bú nên hạn chế lượng caffein của họ xuống dưới 200mg mỗi ngày. Vì vậy, hãy tham khảo ý của các chuyên gia bác sĩ để nhận được lời khuyên về lượng tiêu thụ an toàn cho bạn.
Cá chứa nhiều thủy ngân
Trẻ sơ sinh cần một số chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein nạc và DHA (axit docosahexaenoic), là những chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của não bộ. Cá là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thể cung cấp protein nạc chất lượng cao và các axit béo omega-3 thiết yếu như DHA và EPA (axit eicosapentaenoic). Tuy nhiên, một số loài cá, chẳng hạn như cá ngừ, cá kiếm và cá thu, có hàm lượng thủy ngân cao.
Khi người mẹ ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao một cách thường xuyên, có thể sẽ gây hại cho cả bà mẹ và đứa trẻ đang bú mẹ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, thủy ngân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não và hệ thần kinh của trẻ sơ sinh. Hệ thần kinh bị suy giảm có thể dẫn đến các vấn đề như suy giảm kỹ năng vận động và chậm phát triển giọng nói ở trẻ.
Do đó, các chuyên gia khuyên phụ nữ đang cho con bú nên ăn các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp, chẳng hạn như cá ngừ đóng hộp, cá hồi và cá mòi. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ khuyên các bà mẹ đang cho con bú ăn từ hai đến ba bữa hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp mỗi tuần.
Thực phẩm chế biến sẵn
Một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm tươi, lành mạnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, một số bà mẹ chọn thực phẩm chế biến sẵn vì sự tiện lợi của những loại thực phẩm này. Thực phẩm chế biến sẵn như khoai tây chiên và bánh rán, thường chứa nhiều natri, chất béo chuyển hóa, đường và đương nhiên là rất giàu calo. Thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ sức khỏe như béo phì, tiểu đường type 2, tăng huyết áp và các vấn đề tim mạch. Bên cạnh đó, tiêu thụ các thực phẩm này còn có thể làm thay đổi chất lượng sữa mẹ, qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ đang bú mẹ.
Một nghiên cứu gần đây từ Trường Y khoa Keck của USC cho thấy rằng đường fructose được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn có thể truyền sang trẻ sơ sinh qua sữa mẹ. Để trẻ tiếp xúc với lượng đường dư thừa trong thời kỳ sơ sinh có thể làm thay đổi sự lựa chọn thực phẩm của trẻ, khiến trẻ gặp các nguy cơ về sức khỏe lâu dài.
Các loại thảo mộc
Các loại thảo mộc là những loại cây có mùi thơm giúp tăng thêm hương vị và mùi thơm cho thực phẩm. Bên cạnh đó, một số loại được biết đến là có tác dụng tăng nguồn sữa mẹ và điều trị một số vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ như nứt đầu vú. Tuy nhiên sử dụng thảo mộc, đặc biệt là các chất bổ sung và trà thảo mộc, trong khi cho con bú cần thận trọng vì những lý do sau:
- Các loại thảo mộc có chứa các hợp chất có thể có tác dụng giống như thuốc, đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ.
- Rất hiếm bằng chứng lâm sàng chứng minh việc sử dụng một số loại thảo mộc cho bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh là an toàn và hiệu quả.
- Các sản phẩm thảo mộc có thể chứa kim loại nặng và thuốc trừ sâu do bị ô nhiễm.
Một số loại thảo mộc, chẳng hạn như arnica, rong biển, có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ sơ sinh và mẹ nên tránh chúng. Một số loại thảo mộc khác mà mẹ nên tránh do làm ngăn tiết sữa như bạc hà, mùi tây, hoa nhài và quả mọng. Nếu bạn muốn sử dụng các loại thảo mộc trong thời kỳ cho con bú, hãy tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước.
Thực phẩm có hương vị mạnh
Tỏi và các loại gia vị, chẳng hạn như ớt, là những thực phẩm có hương vị mạnh có thể xâm nhập vào sữa mẹ và có thể làm thay đổi mùi vị của sữa. Với trẻ nhạy cảm với những thay đổi này có thể trẻ sẽ tỏ ra cáu kỉnh, quấy khóc và bỏ bú mẹ.
Với các bà mẹ đang cho con bú nếu thấy chế độ ăn của mình có nhiều món ăn với hương vị quá mạnh và bạn lo ngại có thể gây ảnh hưởng đến hương vị chất lượng sữa thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia về việc liệu có nên loại bỏ thực phẩm này khỏi chế độ ăn hay không. Điều tương tự cũng áp dụng đối với thực phẩm khi ăn dễ sinh ra nhiều khí gây đầy bụng, như bắp cải, đậu và bông cải xanh, điều này có thể gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa ở trẻ sơ sinh nhạy cảm.
Thực phẩm dễ gây dị ứng
Sữa bò, cá, đậu phộng, trứng, động vật có vỏ, hạt, lúa mì và đậu nành là những thực phẩm gây dị ứng phổ biến. Nếu trẻ bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào trong số này, các bà mẹ cũng nên tránh sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn trong thời kì cho con bú.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), có khoảng 2-3 trẻ trong số hàng trăm trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn có phản ứng dị ứng với những thực phẩm này, chủ yếu là sữa bò, trong chế độ ăn của người mẹ. Trong những trường hợp như vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên loại bỏ sữa và các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn của người mẹ trong giai đoạn cho con bú.
Làm thế nào để biết chế độ ăn uống hiện tại của các bà mẹ đang cho con bú có ảnh hưởng đến trẻ hay không?
Việc tránh uống rượu, ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, thực phẩm chế biến sẵn và hạn chế caffeine là lựa chọn tốt nhất cho mọi bà mẹ đang cho con bú. Tuy nhiên, việc tránh các thực phẩm có hương vị mạnh, sinh hơi hoặc gây dị ứng phụ thuộc vào việc những thực phẩm này có ảnh hưởng đến trẻ hay không.
Nếu một đứa trẻ nhạy cảm với thức ăn mà mẹ ăn có hương vị mạnh hoặc có thể sinh hơi, chúng có thể biểu hiện những dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Khó chịu ở bụng
- Buồn nôn, đầy hơi hoặc đau bụng
- Cực kỳ khó chịu
- Khóc dai dẳng
- Bỏ bú.
Bé bị mẫn cảm với thức ăn hoặc dị ứng thức ăn sẽ có những biểu hiện sau đây.
- Khó chịu ở bụng
- Đầy bụng
- Khó chịu và cáu kỉnh
- Buồn nôn hoặc nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Xuất hiện các nốt ngứa đỏ trên da (phát ban) hoặc chàm
- Thở khò khè và ho
- Nghẹt mũi
- Phân có máu
- Khó thở
- Sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và hiếm gặp cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Nếu các bà mẹ nghi ngờ rằng thực phẩm nào đó trong chế độ ăn uống của mình gây khó chịu cho trẻ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia và loại bỏ thực phẩm đó khỏi chế độ ăn uống của bạn.
Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh trong thời kỳ cho con bú là rất quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và trẻ. Các bà mẹ nên hạn chế những thực phẩm kể trên để hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn đến trẻ trong thời kì cho con bú. Tuy nhiên một số loại thực phẩm, như thức ăn sinh hơi, cũng có thể là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng. Vậy nên hãy cân nhắc tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn về việc có nên loại bỏ những thực phẩm này khỏi chế độ ăn hay không.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
BS. Hoài Thu
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Mom Juntion