Các bệnh lý dễ “tấn công” trẻ vào mùa hè

15/07/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu các bệnh lý dễ “tấn công” trẻ vào mùa hè tại bài viết sau.

Mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… sinh sôi và phát triển. Cùng với đó, sức đề kháng chưa hoàn thiện cũng là lý do khiến cho trẻ dễ mắc bệnh hơn.

Mùa hè là thời điểm diễn ra những kế hoạch vui chơi dành cho trẻ, nhưng mùa hè cũng là lúc trẻ dễ mắc bệnh. Đối với các bậc làm cha, làm mẹ, điều quan trọng là cần thận trọng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giữ cho trẻ được an toàn và khỏe mạnh trong thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa hè.

Tại sao trẻ dễ bị mắc bệnh vào mùa hè?

Mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… sinh sôi và phát triển. Cùng với đó, sức đề kháng chưa hoàn thiện cũng là lý do khiến cho trẻ dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, thời tiết nóng nực, oi bức vào những ngày hè cũng là tác nhân khiến cho tình trạng biếng ăn của trẻ càng trở nên nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hệ miễn dịch và có thể khiến trẻ mắc đi mắc lại một tình trạng bệnh.

Những bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa hè

1. Tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc và da chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các vết phỏng nước này thường xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng, đầu gối và mông của trẻ. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, để phòng bệnh tay chân miệng, trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi, không dùng chung chén, bát đĩa, thìa và thực hiện ăn chín uống sôi.

Đọc thêm bài viết: Thời tiết thất thường, bố mẹ nên làm gì để bảo vệ trẻ?

2. Tiêu chảy cấp

Nhiệt độ cao và thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển khiến thức ăn nhanh bị hư hỏng. Ngoài ra các loại côn trùng như ruồi muỗi hay chuột, gián, kiến… tăng sinh khiến cho các mầm bệnh lây qua đường tiêu hóa từ thực phẩm và nước uống gây tiêu chảy.

Tiêu chảy cấp là một bệnh lý truyền nhiễm với các triệu chứng điển hình như tiêu chảy, kèm theo nôn ói, mất nước, rối loạn điện giải. Thời gian tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Trong thời gian tiêu chảy cấp, việc quan trọng đó là đánh giá mức độ trẻ bị mất nước và bù nước điện giải bằng cách uống dung dịch oresol. Chỉ truyền dịch khi trẻ mất nước nặng, nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Dùng kháng sinh và men tiêu hóa vi sinh phải theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

3. Bệnh đường hô hấp

Mùa hè với thời tiết oi bức, nóng nực luôn là môi trường thuận lợi cho các virus gây ra các bệnh về đường hô hấp phát triển. Ngoài ra, vào mùa hè xu hướng chung của mọi người là ít di chuyển và dành nhiều thời gian trong nhà, đóng kín các cửa để ngăn chặn khí nóng từ bên ngoài, chính điều này đã vô tình làm không khí xung quanh kém lưu thông. Và đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp phát triển.

Các bệnh về đường hô hấp vào mùa hè thường gặp, đó là: cảm lạnh, cúm, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phế quản viêm phổi… Biểu hiện là sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng hoặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.

Trẻ ho, sổ mũi, nghẹt mũi nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Nếu ho khan gây kích thích nhiều, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm ho chứa thảo dược vì ít tác dụng phụ và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Nếu trẻ sốt, các phụ huynh nên cho uống thuốc hạ sốt bổ sung nước và sau đó đưa đi khám.

4. Thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm, thường được cho là bệnh của thời thơ ấu, bởi 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 1 – 14 tuổi), nhưng khá lành tính. Bệnh lây truyền từ người sang người qua cơ chế trực tiếp như: Những giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh qua hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện hoặc lây trực tiếp từ dịch tiết của người bệnh sang người lành. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt… mà các đồ dùng vật dụng này có dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bị bệnh.

Khi mắc bệnh thủy đậu, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban đường kính vài mm, sau 1 – 2 ngày mới xuất hiện nốt như hạt đậu. Đa số nốt đậu đường kính dưới 5 mm, có khi tới 10 mm. Nốt nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, khoảng một ngày sau trở nên đục như mủ, 2 – 3 ngày kế tiếp thì vỡ ra, các mụn sẽ đóng vảy.

Trong giai đoạn này người bệnh cần được cách ly ở nhà để tránh lây lan, cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, chia thành nhiều bữa, giàu dinh dưỡng; uống đủ nước, sữa, nước trái cây để cung cấp đủ khoáng chất, vitamin. Mặc quần áo mềm, thoáng để tránh cọ sát vào các nốt phỏng.

Đọc thêm bài viết: Trẻ em uống Ensure được không?

5. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh do virus Dengue truyền sang người khi bị muỗi Aedes hay muỗi vằn chích. Nhiễm virus dengue thường không có biểu hiện rõ ràng. Sốt dengue cổ điển (thể nhẹ) chủ yếu xuất hiện ở người lần đầu mắc bệnh, chưa có miễn dịch. Sốt xuất huyết dengue/Hội chứng sốc dengue (thể nặng) thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bệnh nhân đã có sẵn miễn dịch chủ động (do đã bị bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại huyết thanh khác. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 – 5 ngày (giai đoạn hạ sốt).

Khi nghi ngờ trẻ em có dấu hiệu sốt xuất huyết, cần đưa đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Trẻ sốt trên 38,5 độ C cho uống thuốc hạ sốt paracetamol, không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, toan máu. Người bệnh mắc sốt xuất huyết cần uống nhiều nước để tránh gặp tình trạng mất nước. Ngoài ra, nếu thấy một trong các dấu hiệu như: lừ đừ, mệt mỏi, chi lạnh, nôn ói nhiều, đau bụng, chảy máu thì cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nhiều bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường phân – miệng và đường hô hấp từ những đứa trẻ bị nhiễm bệnh khác. Rửa tay đơn giản và tránh dùng chung thức ăn hoặc đồ uống với những đứa trẻ khác, đặc biệt là những trẻ bị bệnh, cũng có thể giúp giảm đáng kể khả năng bị bệnh của con bạn. Cẩn thận hơn ở những nơi đông người, nơi trẻ tiếp xúc với nhiều người khác cũng có thể giúp giảm nhiễm trùng.

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 024.3633.5678

BS Tạ Tùng Duy – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

 



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY