Cách thêm gia vị vào bữa ăn dặm của trẻ

10/11/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Trẻ em về cơ bản không phải là người lớn thu nhỏ, do đó, với đối tượng này sẽ có những lưu ý về việc chăm sóc nói chung cũng như vấn đề dinh dưỡng nói riêng. Đặc biệt, với trẻ trong giai đoạn ăn dặm, yêu cầu về những bữa ăn bổ sung không những phải đảm bảo về nhu cầu dinh dưỡng mà còn phải khoa học và dễ hấp thu, tạo điều kiện tối đa cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc của cha mẹ về việc việc nêm nếm những loại gia vị vào bữa ăn của trẻ.

Cách thêm gia vị ăn dặm cho bé l VIAM clinic

Thời điểm thích hợp để sử dụng gia vị cho bé ăn dặm.

Theo khuyến cáo, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú mẹ hoàn toàn mà không cần ăn thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác, kể cả nước lọc. Và khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, sữa mẹ không thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên các bữa ăn bổ sung sẽ bù đắp sự thiếu hụt về năng lượng cũng như là các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc ăn dặm còn là bước đệm giúp trẻ quen dần với mùi vị của thực phẩm. Với vài trò này, bữa ăn dặm phải đảm bảo đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, tính đa dạng và đặc biệt là phù hợp với khẩu vị của trẻ nhỏ. Các loại gia vị sẽ là yếu tố góp phần giúp món ăn của trẻ thêm ngon miệng, kích thích vị giác. Thậm chí, cải thiện vấn đề lười ăn, không chịu ăn ở trẻ.

Tuy nhiên, với trẻ dưới 12 tháng tuổi, các mẹ chỉ cần đảm bảo chế biến sạch sẽ và giữ nguyên hương vị ban đầu của các loại thực phẩm mà không cần thêm bất kì loại gia vị nào. Điều này được giải thích là do hệ tiêu hóa cũng như chức năng đào thải của cơ thể trẻ chưa hoàn chỉnh, nên việc nêm nếm các loại gia vị về lâu dài có thể dẫn tới việc tổn hại chức năng của các cơ quan, đặc biệt là thận. Hậu quả là trẻ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai.

Ngoài ra, trong giai đoạn ăn dặm, trẻ không phân biệt được vị mặn ngọt. Hay nói cách khác, trẻ thường được ăn theo thói quen của người lớn và hình thành nên khẩu vị của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc. Quan niệm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại tới sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, sữa, hoa quả, thịt gia cầm, thịt cá, trứng, rau tươi,… đều chứa lượng natri nhất định và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu natri của trẻ trong giai đoạn 6-12 tháng. Do đó, có thể khẳng định rằng việc thêm các loại gia vị vào bữa ăn bổ sung của trẻ nên được bắt đầu khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.

Thời điểm thích hợp để sử dụng gia vị cho bé ăn dặm l VIAM clinic
Chỉ nên cho gia vị vào bữa ăn của trẻ khi trẻ đủ 12 tháng tuổi trở lên

Cách thêm gia vị vào bữa ăn bổ sung cho trẻ.

Muối là loại gia vị rất phổ biến, chúng chứa hai nguyên tố có vai trò quan trọng với sức khỏe là Natri và Clo. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc cho quá nhiều muối vào cháo/bột có thể gây ảnh hưởng đến chức năng thận của trẻ. Theo khuyến cáo, trong giai đoạn 1-2 tuổi, trẻ chỉ cần 2,3g muối/ ngày, bao gồm lượng muối có trong nước mắm, bột canh, hạt nêm,… và cả thực phẩm. Với các bữa ăn bổ sung, số lượng hợp lý nhất là 1,5g muối/ ngày vì 10% nhu cầu natri của trẻ đã được đáp ứng từ các thực phẩm tự nhiên và 20% từ thực phẩm chế biến sẵn.

Hạt nêm có thể giúp cho bữa ăn của trẻ tăng thêm độ ngon miệng, hấp dẫn. Nhưng mẹ chỉ nên sử dụng những loại được chế biến 100% từ các thực phẩm tự nhiên dành riêng cho các bé như rau củ, thịt gà, thịt heo. Hoặc mẹ cũng có thể tự tay chế biến hạt nêm cho trẻ như hạt nêm làm từ tôm, tép, cá hồi, cá lóc,…

Những lưu ý trong việc sử dụng gia vị cho trẻ.

Với trẻ từ 6 tháng tuổi, các khuyến cáo chủ yếu tập trung vào việc không nên nêm bất kỳ loại gia vị nào. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể thêm một chút dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu óc chó hoặc dầu đậu nành để kích thích trẻ ăn ngon miệng cũng như bổ sung năng lượng và các acid béo tốt cho não bộ. Mẹ cũng có thể cho một lượng nhỏ phô mai vào cháo/bột để thay thế mắm, muối hay hạt nêm vì phô mai cũng có vị mặn. Việc thêm phô mai còn giúp cho bữa ăn của trẻ thêm thơm, ngon, ngậy và đặc biệt là bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ như Canxi, Vitamin A, D, Kẽm,…

Những lưu ý trong việc sử dụng gia vị cho trẻ l VIAM clinic
Mẹ có thể thêm một chút dầu hướng dương, dầu ô liu, dầu óc chó hoặc dầu đậu nành vào bữa ăn của con

Bên cạnh việc đáp ứng chính xác lượng muối mà trẻ cần, thì khẩu vị của trẻ cũng rất quan trọng. Khi nêm nếm vừa khẩu vị của người lớn, có nghĩa là đang mặn so với trẻ. Do đó, nếu bữa cháo/bột nhạt một chút tức là đã vừa với trẻ.

Có một số loại gia vị mà mẹ nên tránh cho thêm vào bữa ăn của trẻ dưới 2 tuổi như bột ngọt do chất glutamate có thể gây ức chế thần kinh, giảm khả năng hấp thụ canxi và tăng nguy cơ loãng xương sớm. Một số chất tạo màu, tạo mùi và hương vị nhân tạo cũng nên được loại bỏ khỏi thực đơn của trẻ. Khi thử các loại gia vị mới, cha mẹ nên theo dõi các biểu hiện của trẻ trong khoảng 4-5 ngày và chỉ nên sử dụng tối đa hai loại gia vị trong một món ăn.

Việc thêm gia vị vào bữa ăn của trẻ tưởng chừng đơn giản nhưng chúng đóng vai trò khá quan trọng giúp cho bữa ăn thêm hấp dẫn và kích thích sự ngon miệng. Do đó, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ càng cũng như trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và đáp ứng sự phát triển của trẻ.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY