Cần bổ sung dầu ăn cho trẻ dưới 3 tuổi, vì sao?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Các chất béo không bão hòa tham gia vào sự phát triển trí não và thị giác, trong khi các chất béo bão hòa có trách nhiệm cấu trúc tế bào và mô trong cơ thể. Không chỉ vậy, chất béo còn là dung môi hòa tan các loại vitamin A, D, E, K. Vì vậy, để có thể phát triển toàn diện, trẻ cần phải được bổ sung đầy đủ và cân bằng các loại chất béo thiết yếu. Cùng tìm hiểu về việc bổ sung dầu ăn cho trẻ em dưới 3 tuổi cùng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trong bài viết dưới đây:

Tại sao cần bổ sung chất béo từ dầu vào chế độ ăn của trẻ dưới 3 tuổi?

Trong 4 nhóm dưỡng chất chính (đạm, đường bột, béo, vitamin/khoáng chất), chất béo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Cụ thể: các chất béo không bão hòa tham gia vào sự phát triển trí não và thị giác, trong khi các chất béo bão hòa có trách nhiệm cấu trúc tế bào và mô trong cơ thể. Không chỉ vậy, chất béo còn là dung môi hòa tan các loại vitamin A, D, E, K. Vì vậy, để có thể phát triển toàn diện, trẻ cần phải được bổ sung đầy đủ và cân bằng các loại chất béo thiết yếu.

Do ở giai đoạn 3 năm đầu đời, lượng thức ăn nói chung và các thức ăn giàu chất béo nói riêng như trứng, cá béo (cá thu, cá ngừ, cá hồi), mỡ lợn… trẻ tiêu thụ trong một ngày không nhiều, nên việc bổ sung chất béo từ dầu là cần thiết.

Cách bổ sung dầu ăn đúng cho trẻ

Hai loại dầu thường được khuyến nghị dùng cho trẻ là dầu olive và dầu cá hồi do chứa nhiều dưỡng chất tốt cho trẻ. Trong đó dầu cá hồi được “ưu tiên” nhiều hơn do dồi dào DHA, EPA – hai dưỡng chất vàng cho não bộ.

Tuy nhiên, hai loại dầu này khi dùng trong nấu nướng ở nhiệt độ cao sẽ bị hao hụt dưỡng chất, nên cách bổ sung tốt nhất là trộn trực tiếp vào suất ăn của trẻ khi còn nóng. Liều lượng phù hợp là 5ml (tương đương 1 muỗng café) vào một suất ăn. Thông thường trong ngày, trẻ ăn 2 suất chính thì tổng lượng cần thiết là 10ml (tương đương 2 muỗng café)/ngày.

Lưu ý khi lựa chọn dầu cá hồi cho trẻ

Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản khi chọn mua thực phẩm cho trẻ là lựa chọn thương hiệu uy tín, đọc kỹ thành phần ghi trên nhãn để đảm bảo dồi dào các dưỡng chất DHA, EPA, các loại vitamin cần thiết, thì cha mẹ cần chú ý yếu tố mùi vị. Trẻ có hơn 10.000 gai vị giác, cao hơn người lớn (chỉ từ 7.000 đến 8.000) nên rất “nhạy” mùi. Đây cũng là lý do giải thích tại sao trẻ có thể ăn nhạt, không gia vị, bởi trẻ có thể “cảm” được hương vị vốn có của nguyên liệu, từ vị ngọt của cà rốt đến vị mặn của bông cải xanh – những hương vị người lớn không cảm nhận được mà phải nhờ sự “trợ giúp” của gia vị.

Thông thường, các loại dầu đặc chế riêng cho trẻ sẽ được xử lý mùi vị, giúp trẻ dễ ăn: dầu cá hồi cho trẻ sẽ được xử lý mùi tanh, dầu olive cho trẻ sẽ được xử lý không còn mùi vị hắc nồng. Tuy nhiên vẫn có một số loại không được xử lý qua công đoạn này, khiến dầu mua về không được trẻ hào hứng “đón nhận”. Đây là chi tiết cha mẹ nên lưu ý khi chọn mua để tránh mất tiền mua về mà con không hợp tác.

Những lưu ý chung

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trẻ từ 6 tháng tuổi nên bắt đầu tập ăn dặm kết hợp với duy trì sữa mẹ. Do tại thời điểm đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên cần lưu ý chọn đúng loại thức ăn phù hợp:

  • Từ 6-8 tháng tuổi: Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa 2-3 lần/ngày.
  • Từ 9-11 tháng tuổi: Thức ăn mềm nhưng thô hơn, nên cho trẻ ăn tăng lên 3-4 lần/ngày.
  • Từ 12-24 tháng tuổi: Trẻ có thể ăn thô, nên ăn 3-4 bữa/ngày.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo những nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm như sau:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, duy trì cho con bú đến 24 tháng tuổi, kết hợp với thức ăn dặm bổ sung
  • Cho bé ăn đa dạng 4 nhóm thực phẩm chính: Nhóm chất đường bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất
  • Cho bé ăn tăng dần: Trẻ nên được cho ăn từ ít đến nhiều, tăng dần độ thô, bổ sung dần các nhóm thực phẩm.
  • Chọn thực phẩm phù hợp cho bé ăn dặm: Các loại thực phẩm cần phải dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và đảm bảo vệ sinh. Bổ sung thêm chất béo như dầu ăn, đặc biệt là dầu cá hồi vì đây là giai đoạn trẻ cần được bổ sung chất béo để phát triển não bộ và thể chất. Liều lượng khuyên dùng là 10ml (tương đương 2 muỗng/ngày) trộn vào suất ăn còn nóng của trẻ.

Không ép bé ăn: Lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho dung tích dạ dày của trẻ thay vì ép trẻ ăn quá nhiều.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY