Cúm A ăn gì cho mau khỏe?

26/12/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Thời tiết thay đổi thất thường, khả năng phòng bệnh của cơ thể kém dẫn tới nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, điển hình là cúm A. Các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, đau họng,… khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, dẫn tới sức khỏe càng giảm sút. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp giảm các triệu chứng bệnh, tăng sức đề kháng và tăng khả năng phục hồi của cơ thể.

Cúm A ăn gì cho mau khỏe

Cúm A là bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp, mặc dù ở khoảng cách 2m, chúng vẫn có thể lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn khi trò chuyện, hắt hơi, ho,… Hoặc bệnh có thể được truyền từ người bệnh khi tiếp xúc với bề mặt của các đồ vật chứa virus gây bệnh và trực tiếp đưa tay lên mũi, miệng,…  Hiện nay, đã xuất hiện thêm các chủng mới của bệnh cúm A, các triệu chứng có vẻ giống với bệnh cảm cúm thông thường nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, ngoài việc nghỉ ngơi kết hợp sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sỹ thì một chế độ ăn bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cũng rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh khỏi và phòng ngừa các biến chứng.

Người bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi?

1. Uống đủ nước.

Nước rất quan trọng với người bệnh, không chỉ giúp cơ thể đào thải các độc tố mà còn giúp làm loãng dịch đờm, giảm tình trạng khó chịu, tắc mũi, khó thở. Uống nước là cách đơn giản và nhanh nhất giúp bù đắp lại lượng dịch đã thất thoát qua quá trình sốt, đồ môi hôi,…

2. Các thực phẩm cung cấp nhiều Vitamin C.

Bổ sung Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chọi bệnh tật của cơ thể bằng cách kích thích quá trình sản sinh tế bào bạch cầu, ngăn ngừa sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và vi rút gây bệnh. Ngoài ra, Vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa, giúp làm chậm quá trình hư hỏng và suy giảm chất lượng của các tế bào, trong đó có các tế bào miễn dịch. Thức ăn là nguồn Vitamin C hữu ích nhất với cơ thể, bao gồm:

  • Ớt đỏ, ớt xanh.
  • Bông cải xanh, bông cải trắng.
  • Cải xoăn.
  • Trái cây thuộc họ cam, mọng nước: cam, chanh, bưởi, dâu tây, nho, đu đủ, táo, lê,…

3. Các thực phẩm giàu kẽm.

Kẽm là một loại khoáng chất vi lượng có nhiều chức năng đối với cơ thể, đặc biệt là hệ miễn dịch. Cụ thể, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của kẽm trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh về đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm phổi,… Thực phẩm có nguồn gốc động vật rất giàu kẽm như: thịt bò, thịt gà, thịt lợn nạc, trứng, sữa, tôm, cua, cá, hàu,… Do đó, bổ sung những thực phẩm này vào khẩu phẩn của người bệnh sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.

4. Cháo, súp nóng.

Các triệu chứng ốm, sốt, mệt mỏi khiến người bệnh chán ăn, nếu kéo dài sẽ dẫn tới suy nhược cơ thể do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, khiến diễn biến bệnh ngày càng trầm trọng. Do đó, một món ăn ngon, dễ hấp thu nhưng vẫn đầy đủ các dưỡng chất sẽ rất phù hợp với người bệnh. Các món cháo, súp như cháo gà, cháo thịt bò, cháo thịt lợn, cháo đỗ xanh, súp thập cẩm,… ăn ngay khi còn ấm nóng và kèm với các loại rau như tía tô, rau thơm rất giàu dinh dưỡng và đặc biệt là dễ tiêu hóa. Ngoài ra, các loại thịt giàu kẽm vừa có tác dụng kháng viêm, vừa có thể tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.

5. Sữa chua.

Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường tối đa hệ miễn dịch. Do đó, bổ sung men vi sinh và các lợi khuẩn là biện pháp hữu ích. Sữa chua là nguồn cung cấp dồi dào các vi sinh vật có lợi với hệ đường ruột. Đặc biệt, sữa chua còn chứa Vitamin D có vai trò thiết yếu với hệ miễn dịch và cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể. Cân nhắc việc bổ sung sữa chua uống hoặc sữa chua ăn vào chế độ ăn của người bệnh sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.

Những thực phẩm nên tránh

1. Rượu, bia, cà phê và các chất kích thích

Đây đều là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe, khiến cơ thể mất nước và vi khuẩn sinh sôi mạnh hơn. Ngoài ra, chúng còn gây áp lực lên các cơ quan, đặc biệt là gan, dẫn tới làm chậm quá trình phục hồi của cơ thể.

2. Đồ ăn chế biến sẵn, chiên rán nhiều dầu mỡ

Những thực phẩm này đều chứa rất nhiều chất bảo quản, gia vị, các loại hương liệu, phẩm màu và các chất béo không tốt cho cơ thể. Tất cả đều nên được loại bỏ khỏi chế độ ăn, đặc biệt với tình trạng của người bệnh, khi cơ thể đang có nhiều tổn thương và cần phục hồi.

3. Thức ăn thô, cứng.

Người mắc bệnh cúm A thường đi kèm với các triệu chứng đau họng như ho, khó nuốt, cổ họng đau rát,… Vì vậy, nên tránh các thực phẩm cứng khiến việc ăn uống trở nên khó ăn như các loại bánh quy, các loại hạt cứng,…

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY