Nên kết hợp thực phẩm thế nào để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm?

28/04/2024 -  Kiến thức dinh dưỡng

Ăm dặm là một giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, giúp đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo sự tăng trưởng cả về thể chất và não bộ. Để giúp con có thể nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, cha mẹ hãy cùng khám phá cách kết hợp thực phẩm thông minh và khoa học thông qua bài viết dưới đây.

Ăn dặm không chỉ đơn giản là việc cho trẻ ăn mà đây còn là bước đầu tiên giúp trẻ làm quen với thực phẩm, khám phá những hương vị mới và dần định hình sở thích ăn uống của bản thân. Ngoài ra, giai đoạn này còn là một bước chuyển rất quan trọng khi sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu và trẻ cần lấy các chất dinh dưỡng thiết yếu từ nguồn thực phẩm đa dạng. Chính vì vậy, thành công trong giai đoạn ăn dặm sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của trẻ.

Những nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn dặm của trẻ.

Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, mặc dù sữa mẹ không còn đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho sự tăng trưởng của trẻ nhưng đây vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Do đó, cần tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoặc kết hợp sữa công thức, đáp ứng đủ nhu cầu theo tháng tuổi. Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa cũng nên được thêm vào các bữa phụ giúp trẻ làm quen cũng như đáp ứng nhu cầu về canxi và các vi chất cần thiết.

Tiếp đó, các bữa ăn dặm của trẻ phải được kết hợp đủ các nhóm chất thiết yếu bao gồm: chất đường bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và các vitamin, khoáng chất. Các thực phẩm được lựa chọn cho trẻ cần đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, còn tươi sống và không chứa hóa chất độc hại gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ.

Hiện nay có nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau, tuy nhiên, mẹ nên cho trẻ làm quen từ từ, tăng dần về độ thô cứng và từ loãng tới đặc. Thức ăn phải được chế biến chín kĩ và mềm, hạn chế khả năng hóc nghẹn.

Ngoài ra, tất cả các dụng cụ và cũng như các giai đoạn chế biến phải đảm bảo an toàn và vệ sinh sạch sẽ.

Đọc thêm tại bài viết: Bắt đầu cho trẻ ăn dặm – Phần 1

Cách kết hợp các thực phẩm trong một ăn dặm cho trẻ.

Việc kết hợp thực phẩm cho trẻ, điều quan trọng nhất là phải đáp ứng đủ nhu cầu về các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong các nhóm thực phẩm sau:

  • Chất đường bột (glucid): là nhóm cung cấp năng lượng chủ yếu. Gạo, ngô, khoai là những thực phẩm được sử dụng phổ biến ở nước ta và được chế biến dưới dạng bột, cháo hoặc hỗn hợp mịn giúp trẻ dễ dàng nhai nuốt.
  • Chất đạm (protein): thịt, trứng, sữa, cá, tôm, cua, lươn, đậu đỗ … là những thực phẩm phổ biến trong nhóm này. Thậm chí, thịt còn được khuyến cáo là thực phẩm đầu tiên nên cho trẻ làm quen khi bước vào giai đoạn ăn dặm. Với các vai trò quan trọng phải kể đến như tham gia vào quá trình xây dựng và tái tạo các tổ chức của cơ thể, là thành phần chính của kháng thể, các men, nội tiết tố quan trọng trong sự phát triển và duy trì hoạt động chuyển hóa. Tuy nhiên, để an toàn cho trẻ, mẹ nên xay nhuyễn hoặc băm nhỏ thịt. Với các loại thịt cá, gia cầm, nên loại bỏ hoàn toàn da, xương trước khi cho trẻ ăn.
  • Chất béo (lipid): gồm dầu, mỡ, bơ, dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành… thường xuyên bị lãng quên khi mẹ cho trẻ ăn dặm do các quan niệm sai lầm trước đây. Tuy nhiên, đây lại là thành phần bổ sung thêm năng lượng cho bữa ăn của trẻ, giúp thức ăn mềm hơn, trẻ dễ nuốt hơn. Ngoài ra, cho trẻ ăn dầu mỡ còn giúp tăng khả năng hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như: vitamin A, D, E, K,…
  • Chất xơ, vitamin và chất khoáng có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín như rau ngót, rau muống, rau giền, mồng tơi, rau cải và các loại quả như đu đủ, xoài, chuối, cam, quýt, …. Tất cả đều chứa lượng lớn các vitamin và vi chất giúp phòng chống các vấn đề liên quan sức khỏe ở trẻ.

Đọc thêm tại bài viết: Thực phẩm ăn dặm cho bé

Các loại gia vị và thành phần tạo màu, hương vị nên được hạn chế trong giai đoạn này do chức năng thận của trẻ chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Các loại thực phẩm có mặt trong các nhóm dinh dưỡng trên nên được kết hợp trong cùng một bữa cháo ăn dặm của trẻ. Tuy nhiên, mẹ nên chuẩn bị bữa ăn có kết cấu phù hợp với khả năng nhai nuốt. Cụ thể, khi mới bắt đầu, thức ăn nên được nghiền, xay nhuyễn, sau khi trẻ đã quen dần có thể tăng độ đặc và độ thô cứng.

Bằng cách kết hợp thực phẩm một cách thông minh và khoa học, cha mẹ có thể đảm bảo rằng trẻ sẽ nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết giúp trẻ phát triển khỏe mạnh trong giai đoạn ăn dặm.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY