Thông thường, khi các bậc phụ huynh nghĩ đến sức khỏe của trẻ họ thường ít quan tâm đến sức khỏe xương của chúng. Thay vào đó, cha mẹ quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển chung như cân nặng chiều cao của con, hay việc thăm khám sức khỏe hàng năm và chế độ ăn của trẻ.
Nhưng việc xây dựng hệ xương chắc khỏe ngay từ bây giờ, khi trẻ vẫn đang phát triển, là một điều quan trọng cần được chú ý. Xương chắc khỏe không chỉ phòng ngừa gãy xương, mà còn có thể giúp phòng nguy cơ loãng xương sau này.
Contents
Cái nhìn cận cảnh hơn về bệnh loãng xương
Loãng xương là một căn bệnh mà khi một người già đi, xương sẽ mất dần canxi dần trở nên xốp hơn và dễ bị gãy hơn. Hơn nữa, đôi khi nguy cơ loãng xương có thể đến từ khi còn trẻ kéo theo những hậu quả khi về già. Nguyên nhân của điều này là bởi khối lượng xương mà một người đạt được khi còn ở độ tuổi thiếu niên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe xương suốt cuộc đời sau này. Nếu không tạo cho mình thói quen sinh hoạt ăn uống và vận động đầy đủ ngay từ bây giờ, xương của trẻ sẽ bị gãy khi già đi.
Khi trẻ còn nhỏ, quá trình tạo xương diễn ra nhanh hơn quá trình hủy xương. Vì vậy, khối lượng xương của trẻ tăng lên nhanh. Hầu hết mọi người đạt đến khối lượng xương đỉnh cao vào khoảng 20-30 tuổi. Tại thời điểm đó, xương đã đạt đến sức mạnh và mật độ tối đa. Trên thực tế, tới 90% khối lượng xương đạt đỉnh ở độ tuổi 18 đối với trẻ gái và 20 tuổi đối với trẻ trai. Sau đó, quá trình tái tạo xương vẫn tiếp tục, nhưng quá trình tạo xương sẽ chậm lại, khiến cho khối lượng xương bạn mất đi nhiều hơn một chút so với lượng xương tạo ra.
Nguy cơ trẻ có xuất hiện chứng loãng xương sau này hay không phụ thuộc vào khối lượng xương mà chúng đạt được khi đến tuổi 30, cũng như tốc độ hủy xương sau đó. Khối lượng xương khi đạt đỉnh của trẻ càng cao thì lượng xương dự trữ càng nhiều và càng ít có nguy cơ bị loãng xương khi già đi.
Tầm quan trọng khi cơ thể có xương chắc khỏe
Khi một người có xương chắc khỏe, họ được nâng đỡ tốt và có thể di chuyển dễ dàng. Hơn nữa, xương chắc khỏe còn giúp bảo vệ tim, phổi và não của chúng ta khỏi bị chấn thương. Xương của chúng ta cũng lưu trữ các vitamin và khoáng chất mà chúng ta cần. Bên cạnh đó khi xương yếu dễ gãy có thể gây đau và thậm chí có thể làm giảm chiều cao.
Bạn nên lưu ý xương là cơ quan sống. Trong xương có các tế bào xương liên tục phát triển và đổi mới. Vậy nên với một chế độ ăn uống tốt và tập thể dục đều đặn có thể giúp cho sự phát triển xương diễn ra tốt hơn.
Ngoài ra, khi con bạn chạy, nhảy hoặc nâng vật nặng, điều này gây căng thẳng áp lực cho xương của chúng. Sự căng thẳng này sẽ gửi tín hiệu đến não của trẻ và thông báo rằng xương của của trẻ cần được chắc khỏe hơn. Đáp lại điều đó, các tế bào xương mới được hình thành và thêm vào để củng cố xương của trẻ. Vì lý do này, cha mẹ cần khuyến khích trẻ chạy nhảy vận động và chơi thể thao để hỗ trợ cho sự phát triển xương.
Xem ngay: Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương bố mẹ nên biết.
Vai trò của hoạt động thể chất và sự chắc khỏe xương
Hầu hết các bậc cha mẹ tin rằng một khi trẻ đạt đến chiều cao tối đa ở tuổi thanh thiếu niên tức là chúng đã hoàn tất quá trình phát triển. Nhưng sự thật là, những năm cuối tuổi thiếu niên là khoảng thời gian quan trọng để phát triển xương, ngay cả khi thanh thiếu niên đã trưởng thành hoàn toàn. Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy khoảng 10% khối lượng xương tiếp tục tích tụ sau khi thanh thiếu niên đạt đến chiều cao trưởng thành.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khung xương của chúng ta có tốc độ phát triển không giống nhau ở những vị trí bộ phận khác nhau, tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh và vượt xa sự phát triển của xương trước tuổi thanh niên. Những phát hiện này có thể giúp giải thích tại sao trẻ em và thanh thiếu niên có tỷ lệ gãy xương cao. Thống kê cho thấy 30 đến 50 % trẻ em và thanh thiếu niên sẽ bị gãy xương ít nhất một lần trước khi trưởng thành.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác đo hoạt động thể chất và sức mạnh của xương của 309 thanh thiếu niên trong khoảng thời gian 4 năm ở những trẻ gái từ 10 đến 14 tuổi và trẻ em trai từ 12 đến 16 tuổi. Khoảng thời gian này rất quan trọng vì có tới 36% bộ xương người được hình thành trong giai đoạn này và đây cũng là thời điểm xương có những đáp ứng đặc biệt với hoạt động thể chất.
Nghiên cứu cho thấy những thanh thiếu niên ít vận động có xương yếu hơn. Nói cách khác, những đứa trẻ ngồi chơi game, sử dụng công nghệ hoặc lười vận động sẽ không tạo được áp lực căng thẳng lên xương để thúc đẩy sự phát triển và sức mạnh của xương. Cơ thể cần những hoạt động thể chất để gây căng thẳng tạo áp lực giúp xương phát triển như chạy nhảy hoặc các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền…
Bên cạnh đó, dù các bé trai có xương lớn hơn và khỏe hơn trong suốt cuộc nghiên cứu, nhưng cả bé trai và bé gái đều phản ứng như nhau đối với hoạt động thể chất. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng loại hoạt động thể chất không nhất thiết phải có cấu trúc hoặc tổ chức các môn thể thao để có hiệu quả. Trên thực tế, các hoạt động ngắn như nhảy múa xung quanh nhà, hay đơn giản là chạy nhảy cũng có tác động tích cực đến sức khỏe của xương.
Cuối cùng, chìa khóa để có xương chắc khỏe là hãy đặt các thiết bị công nghệ xuống và hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử để tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn và ngay cả việc đi bộ cũng có thể thúc đẩy xương khỏe mạnh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe xương
Xương liên tục thay đổi, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trên thực tế, quá trình tạo xương và hủy xương diễn ra song song với nhau và một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình này.
Hoạt động thể chất
Như đã đề cập trước đó, trẻ em và thanh thiếu niên không hoạt động thể chất có nguy cơ loãng xương sau này cao hơn so với các bạn cùng lứa tuổi vận động nhiều hơn.
Lượng canxi
Khi chế độ ăn uống của trẻ ít canxi, điều này dẫn đến mật độ xương giảm. Nó cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương và mất xương sớm.
Rối loạn ăn uống
Thanh thiếu niên gặp phải các rối loạn ăn uống như biếng ăn hoặc ăn vô độ có nguy cơ bị mất xương. Hơn nữa, bệnh Crohn và bệnh celiac cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể.
Một số loại thuốc
Bạn cần tư vấn của bác sĩ để biết về các loại thuốc mà trẻ đang dùng và tác động tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe của xương. Ví dụ, sử dụng prednisone lâu dài có thể gây hại cho xương của trẻ.
Chủng tộc và Giới tính
Thông thường, phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ loãng xương cao nhất. Hơn nữa, nếu có một thành viên trong gia đình mắc bệnh loãng xương cũng khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Làm thế nào để giữ cho xương của trẻ chắc khỏe?
Xây dựng các thói quen lành mạnh như dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thúc đẩy sự phát triển xương của trẻ. Hãy nhớ rằng, bạn chính là tấm gương của con trẻ. Vì vậy, những thói quen của cha mẹ cả tốt và xấu, đều có tác động mạnh mẽ đến hành vi của trẻ. Cách tốt nhất để khuyến khích những thói quen lành mạnh ở trẻ trước tiên là bản thân bạn hãy trở thành một tấm gương tốt.
Chế độ ăn uống và tập thể dục là chìa khóa
Điều tốt nhất bạn có thể làm là xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý và khuyến khích trẻ hoạt động thể chất. Bạn có thể làm điều này bằng cách chuẩn bị các bữa ăn và đồ ăn nhẹ lành mạnh và hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ. Bạn cũng có thể cho trẻ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa cũng như khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động thể chất khác như đi bộ, dắt chó đi dạo
Bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D cho trẻ. Trên thực tế, hầu hết trẻ em không có đủ canxi trong chế độ ăn để đảm bảo khối lượng xương tối ưu. Ví dụ, một ly sữa 240ml cung cấp khoảng 300 mg canxi , chỉ bằng 1/4 lượng khuyến nghị cho thanh thiếu niên. Đối với những trẻ không chịu uống sữa, hãy thử cho trẻ ăn phô mai, sữa chua, nước trái cây bổ sung canxi và ngũ cốc, cũng như các loại rau lá xanh. Nếu bạn lo lắng về lượng canxi của trẻ, hãy tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ để bổ sung hợp lý cho trẻ.
Bạn cũng nên nói chuyện với trẻ vềtầm quan trọng của sức khỏe xương và hướng dẫn khuyến khích trẻ cách để có xương chắc khỏe cho bản thân thông qua việc thảo luận về tầm quan trọng của chế độ ăn uống và tập thể dục với sức khỏe xương. Ngoài việc cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D, thanh thiếu niên của bạn nên tập thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày bằng cách tham gia các môn thể thao, đi bộ hoặc chạy. Hơn nữa, thời gian tập thể dục không nhất thiết phải liên tục. Ví dụ một tiếng đó bạn có thể chia ra 20 phút đá bóng, đi bộ trong 20 phút và chạy nhảy trong 20 phút cũng được tính.
Tuy nhiên tập thể dục quá sức, đặc biệt là kết hợp với ăn kiêng hạn chế, cũng khiến sức khỏe của xương có nguy cơ bị ảnh hưởng. Nếu trẻ đang tập luyện nhiều hơn mức khuyến nghị hoặc có nguy cơ chấn thương thì cần xem xét lại việc tập luyện của trẻ bằng cách tìm đến sự tư vấn của các bác sĩ chuyên gia.
Hãy cho trẻ biết những nguy cơ đối với sức khỏe xương của trẻ nếu trẻ hút thuốc, sử dụng rượu bia chất kích thích bởi nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc lá dẫn đến xương yếu hơn. Tương tự như vậy, uống rượu liên tục cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ loãng xương.
Tạm kết
Hãy nhớ rằng, việc xây dựng xương chắc khỏe bắt đầu ngay từ thời thơ ấu. Với thói quen ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất đều đặn và đi khám bác sĩ thường xuyên, trẻ có thể có hệ xương chắc khỏe trong suốt cuộc đời. Điều quan trọng là bổ sung đủ canxi, vitamin D và tập thể dục. Kết hợp các yếu tố này một cách nhất quán sẽ giúp sức khỏe nói chung cũng như xương chắc khỏe hơn.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.
BS. Nguyễn Hoài Thu
Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Tổng hợp từ Verywell Family