Muối trong chế độ ăn của trẻ: Bao nhiêu là đủ?

23/12/2021 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nếu trẻ được cho ăn quá nhiều muối trong thời gian dài, có thể sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp. Trong những trường hợp hiếm gặp, trẻ tiêu thụ một lượng lớn muối sẽ cần phải đi cấp cứu. Nếu khi còn nhỏ trẻ được cho ăn quá nhiều muối thì có thể sẽ khiến trẻ có xu hướng thích ăn mặn hơn khi trưởng thành.

Các lý do nên hạn chế cho trẻ ăn mặn

Nhiều người thường có thói quen thêm một chút muối/mắm vào đồ ăn của trẻ với suy nghĩ sẽ tăng cường hương vị và giúp bé ăn ngon miệng hơn. Nhưng theo các nghiên cứu, nếu bạn cho bé ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW, thì bạn có thể sẽ vô tình cho trẻ ăn nhiều muối hơn do trẻ sẽ được ăn những thức ăn tương tự như người lớn. Tuy nhiên, trẻ ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe.

Thận của trẻ vẫn đang trong quá trình trưởng thành và thận của trẻ chưa đủ khả năng để lọc được quá nhiều muối hiệu quả như thận của người trưởng thành. Hậu quả là, chế độ ăn có quá nhiều muối có thể gây tổn thương thận của trẻ. Chế độ ăn quá nhiều muối cũng co thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ và sở thích về ăn uống của trẻ.

Trẻ em sinh ra với sở thích tự nhiên về vị ngọt, vị mặn và vị umami. Thường xuyên cho trẻ ăn đồ ăn mặn có thể củng cố vị giác tự nhiên này và khiến trẻ thích ăn đồ ăn mặn hơn là những loại đồ ăn khác. Những loại thực phẩm chế biến sẵn, thường sẽ có vị mặn nhưng lại không giàu dinh dưỡng, có thể sẽ được trẻ yêu thích hơn những thực phẩm tự nhiên có ít muối, ví dụ như rau xanh. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối cũng có thể sẽ khiến huyết áp của trẻ tăng lên. Nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của muối lên huyết áp trẻ em có thể sẽ nhiều hơn là đối với người trưởng thành. Trong những trường hợp rất hiếm gặp, nạp vào quá nhiều muối có thể dẫn đến cấp cứu và thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm và thường là do các “tai nạn” do trẻ ăn vào quá nhiều muối, nhiều hơn mức thông thường mà người lớn sử dụng trong bữa ăn.

Bao nhiêu muối được coi là an toàn?

Natri, thành phần chính trong muối ăn hàng ngày, là một chất dinh dưỡng rất quan trọng. Tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em cần một lượng natri vừa đủ để thực hiện tốt các chức năng bình thường của cơ thể. Trẻ dưới 6 tháng có thể đáp ứng được các nhu cầu natri khuyến nghị một ngày từ sữa mẹ và sữa công thức. Trẻ 7-12 tháng có thể đáp ứng nhu cầu khuyến nghị natri thông qua sữa mẹ/sữa công thức và một lượng nhỏ natri có mặt tự nhiên trong các thực phẩm ăn dặm không qua chế biến. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo không nên thêm muối vào các thực phẩm của trẻ cho đến khi trẻ đủ 1 tuổi.

Thỉnh thoảng có một món ăn gì đó được thêm muối là có thể chấp nhận được. Đôi khi, do điều kiện, bạn buộc phải cho trẻ ăn đồ ăn đóng gói hoặc đồ ăn chế biến sẵn và có muối hoặc cho trẻ nếm các món ăn của người lớn. Tuy nhiên, nhìn chung, cố gắng không thêm muối vào đồ ăn mà bạn chuẩn bị riêng cho trẻ.

Sau 1 tuổi, khuyến nghị về muối dành cho trẻ có thể thay đổi một chút. Ví dụ, EFSA khuyến cáo 1100mg natri/ngày, tương đương nửa thìa cà phê muối (2.8g) là an toàn và đủ cho trẻ 1-3 tuổi. Khuyến cáo tại Mỹ dành cho độ tuổi này là 800mg natri/ngày, tương đương khoảng 0.4 thìa cà phê muối/ngày

Làm thế nào để biết trẻ đã ăn quá nhiều muối?

Nếu trẻ ăn một bữa ăn quá mặn, trẻ thường sẽ có biểu hiện khát nước nhiều hơn. Thường thì bạn rất khó để phát hiện ra ảnh hưởng của một bữa ăn mặn ngay lập tức, nhưng theo thời gian, biểu hiện của trẻ sẽ rõ ràng hơn. Trong những trường hợp rất hiếm, trẻ có thể bị tăng natri máu. Nếu không điều trị, tăng natri máu có thể khiến trẻ dễ bị kích động, sau đó dẫn đến lờ đờ, buồn ngủ và thậm chí là không đáp ứng sau một thời gian. Trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong. Các trường hợp tăng nhẹ natri máu có thể khó phát hiện hơn. Dấu hiệu của trẻ bao gồm rất khát nước và da mịn, mượt hơn. Trẻ sơ sinh có thể sẽ kêu khóc với tần số cao hơn nếu vô tình ăn quá nhiều muối.

Làm thế nào để hạn chế lượng muối trong bữa ăn của trẻ?

– Không nêm nếm muối vào bữa ăn mà bạn chuẩn bị riêng cho trẻ

– Cố gắng lựa chọn các thực phẩm tươi sống, kiểm tra kỹ các thực phẩm, rau xanh đông lạnh, đóng hộp để tìm ra loại chứa ít natri nhất.

– Nếu bắt buộc phải sử dụng thực phẩm đóng hộp như cá loại đậu, rau, hãy rửa qua nước trước khi thêm vào đồ ăn cho trẻ.

– Nếu trẻ ăn BLW, bạn có thể để riêng đồ ăn của trẻ ra trước khi thêm muối vào hoặc trước khi chuẩn bị đồ ăn chung cho cả gia đình

– Kiểm tra các nhãn thực phẩm về hàm lượng natri, ví dụ như bánh mì, ngũ cốc, các loại xốt.

 – Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh hoặc đồ ăn ở nhà hàng

Làm thế nào để giúp con trẻ có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện? Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để đăng ký Khám, tư vấn Dinh dưỡng cùng các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam nhé! Đặt lịch khám nhanh và đơn giản tại Hotline: 0935183939 hoặc Fanpage Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

ThS. Lưu Liên Hương – Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Tổng hợp từ Healthline



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY