Nguyên nhân khiến nguồn sữa mẹ sụt giảm và các biện pháp cải thiện

04/05/2022 -  Kiến thức dinh dưỡng

Nhiều bà mẹ đang cho con bú thường lo ngại và thắc mắc liệu họ có sản xuất đủ sữa cho trẻ bú hay không, nhiều bà mẹ lo lắng về nguồn sữa của chính mình. Không giống như khi cho trẻ bú bình, khi cho trẻ bú mẹ trực tiếp sẽ rất khó cho người mẹ để có thể biết được chính xác lượng sữa mà cơ thể sản xuất ra cũng như lượng sữa trẻ bú được là bao nhiêu.

Breast milk, formula nurture similarities, differences in gut microbes – Washington University School of Medicine in St. Louis

Tuy nhiên có một tin tốt để các bà mẹ có thể yên tâm là hầu hết những người đang cho con bú đều có thể sản xuất đủ sữa cho trẻ bú. Chỉ có khoảng 10% đến 15% cá bà mẹ không có đủ sữa cho trẻ bú. Đôi khi, nguồn sữa mẹ vẫn luôn đủ nhưng khi thấy trẻ khóc dạ đề, hoặc trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhảy vọt sẽ khiến mẹ lo lắng và tự hỏi liệu trẻ đã được bú đủ sữa hay chưa. Tình trạng nguồn sữa mẹ giảm thấp không đủ cung cấp cho trẻ chỉ là tình trạng tạm thời và mẹ hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp để cải thiện nguồn sữa của mình.

Làm sao để biết trẻ đã được bú đủ hay chưa?

Thời gian bú mẹ không phải là thước đo chính xác lượng sữa trẻ bú được. Một số trẻ chỉ cần chưa tới 20 phút để có thể bú no, trong khi những trẻ khác lại cần cả giờ để bú được lượng sữa tương tự. Vậy làm thế nào để các mẹ có thể biết trẻ đã được bú đủ?

Mẹ sẽ nghe thấy tiếng trẻ nuốt đều đặn trong khi bú và sẽ thấy một ít sữa trong miệng trẻ nhất là sau khi trẻ ngừng bú và rời vú mẹ. Nếu trẻ đã được bú no, mẹ sẽ thấy trẻ tỏ ra thoải mái và dễ dàng đi vào giấc ngủ sau khi bú. Ngực của mẹ cũng mềm hơn và xẹp xuống sau khi cho trẻ bú.

Nếu bạn vẫn lo lắng thắc mắc về việc trẻ đã được bú đủ hay chưa thì hãy đánh giá các chỉ số sau:

Tăng cân

Trẻ sơ sinh có thể giảm tới 10% trọng lượng sơ sinh trong vài ngày đầu sau khi sinh và sau đó trẻ sẽ bắt đầu tăng cân đều đặn. Hầu hết trẻ sơ sinh tăng ít nhất 20 đến 28g mỗi ngày và trẻ sẽ sớm lấy lại cân nặng lúc sinh trong vòng 10 đến 14 ngày.

Nếu bạn vẫn lo lắng về việc trẻ đã bú đủ hay chưa thì có một cách rất đơn giản. Hãy kiểm tra cân nặng của trẻ trước khi bú và cân lại sau khi kết thúc bữa ăn. Sự thay đổi trọng lượng sẽ cho bạn biết trẻ đã bú được lượng bao nhiêu. Bạn cũng có thể cân trẻ vào mỗi buổi tối để đảm bảo trẻ tăng cân đều đặn hàng ngày. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ đi khám kiểm tra cân nặng định kì hàng tháng, bác sĩ sẽ theo dõi sự tăng trưởng thay đổi cân nặng của trẻ và đánh giá xem tốc độ phát triển của trẻ có phù hợp với biểu đồ tăng trưởng theo lứa tuổi hay không.

Tã ướt

Tã ướt cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy trẻ bú đủ sữa mẹ. Một vài ngày đầu sau sinh trẻ có thể không cần phải thay quá nhiều tã, nhưng khi sữa mẹ về nhiều và ổn định bạn sẽ thấy số lượng tã ướt của trẻ tăng lên. Đến ngày thứ sáu sau sinh, trẻ sẽ phải thay ít nhất sáu đến tám chiếc tã ướt mỗi ngày.

Nếu bạn lo lắng về lượng sữa trẻ bú được, hãy theo dõi xem trẻ có bao nhiêu tã ướt trong ngày và gọi cho bác sĩ nếu bạn nghi ngờ có vấn đề.

Đừng quá lo lắng về thời gian giữa các lần đi nặng của trẻ, đặc biệt là sau vài tuần đầu tiên. Một số trẻ có thể đi vệ sinh từ ba đến bốn ngày (hoặc thậm chí lâu hơn) vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa nên có thể không tạo ra nhiều chất thải.

Dấu hiệu mất nước

Nếu bạn thấy những dấu hiệu sau, hãy đi khám ngay vì có thể trẻ đang bị mất nước:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Khóc ít nước mắt
  • Mắt trũng
  • Hôn mê
  • Khô miệng
  • Trẻ bỏ ăn, bỏ bú
  • Vàng da hoặc vàng mắt.

Nếu bạn vừa hút sữa vừa cho con bú cùng lúc, hãy nhớ rằng lượng sữa được vắt ra bằng máy hút chưa chắc đã phản ánh đúng lượng sữa của bạn, vì thông thường lượng sữa hút bằng máy sẽ ít hơn bằng cách cho con bú. Vậy nên đôi khi lượng sữa hút ra bằng máy ít có thể khiến bạn lo lắng rằng lượng sữa mà trẻ bú được ít hơn so với nhu cầu của con.

Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tăng cân đều, số lượng tã ướt trong ngày từ 6-8 chiếc và vẫn vui chơi bình thường, khỏe mạnh thì hãy yên tâm rằng trẻ đang bú đủ sữa và mẹ không cần phải lo lắng.

Nguyên nhân khiến nguồn sữa mẹ suy giảm

Guide to combination feeding your baby - The Mummy Bubble

Có một số lý do khiến trẻ không bú đủ sữa trong mỗi lần bú.

Nguồn cung sữa mẹ thực sự thấp và không đủ cho trẻ bú

Dù không phổ biến nhưng một số bà mẹ không có đủ nguồn cung sữa mẹ cho con bú. Một vài yếu tố vấn đề sức khỏe là nguyên nhân tác động khiến cơ thể người mẹ không sản xuất đủ sữa cho con bú. Những vấn đề này có thể được khắc phục nhưng một số trường hợp không thể cải thiện được và người mẹ phải chấp nhận sự thật là mình không thể sản xuất đủ sữa cho con bú.

Những nguyên nhân khiến nguồn sữa mẹ sụt giảm có thể do người mẹ bị mệt mỏi kiệt sức, căng thẳng tột độ, phẫu thuật vùng ngực vú trước đó, suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), sinh khó hoặc đang trong quá trình hồi phục sau sinh, một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa, tuyến sữa kém phát triển hay các vấn đề sức khỏe hoặc ung thư vú hay mẹ không thể cho con bú cũng có thể làm nguồn sữa mẹ bị sụt giảm và không đủ cho con bú.

Trẻ ngậm bắt vú không đúng

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến nguồn sữa mẹ ít là do trẻ ngậm bắt vú không đúng. Nếu trẻ không ngậm vú của mẹ đúng cách, trẻ sẽ không lấy được sữa ra khỏi vú một cách hiệu quả, điều này có thể khiến cơ thể mẹ tiết ra ít sữa hơn.

Nếu bạn không chắc liệu trẻ có ngậm bắt vú tốt hay không, hãy nhờ người khác đánh giá. Thông thường, chỉ cần thay đổi nhỏ trong vị trí cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về hiệu quả ngậm bắt vú cũng như tạo sự thoải mái khi cho con bú. Các y tá, bác sĩ hoặc những người bà người mẹ có kinh nghiệm có thể giúp bạn đánh giá và đưa ra hướng dẫn cho bạn thực hiện.

Trẻ không được bú mẹ thường xuyên

Không cho trẻ bú thường xuyên cũng là một lý do phổ biến khiến nguồn sữa mẹ sụt giảm. Hầu hết trẻ sơ sinh cần bú mẹ 2-3 tiếng/ lần. Mẹ càng cho trẻ bú nhiều lại càng kích thích cơ thể tạo ra nguồn sữa mẹ dồi dào.

Tuy nhiên, nếu mẹ cho trẻ ngủ trong thời gian dài giữa các cữ bú hoặc cho trẻ bú bình, cơ thể người mẹ có thể tiết ra ít sữa hơn và không đủ cung cấp cho trẻ. Đó là lý do tại sao các bác sĩ vẫn khuyên các mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ theo nhu cầu bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu đói và đánh thức trẻ sau khoảng 3 tiếng để cho bú nếu cần.

Thời gian mỗi cữ bú của trẻ ngắn

Mỗi cữ bú mẹ nên cho trẻ bú 10 đến 15 phút mỗi bên. Nếu trẻ bú dưới 5 phút thì có thể không đủ thời gian để bú được hết sữa từ vú của mẹ, điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ trong những cữ tiếp theo.

Trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt

Khi trẻ sơ sinh trải qua giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt vượt bậc, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng nhanh và trẻ sẽ thường xuyên thèm ăn và đói, đòi bú. Kết quả là khiến mẹ có thể cảm thấy nguồn cung sữa của mình không đủ cho trẻ bú trong khi thực tế tình trạng này sẽ không kéo dài và chỉ là nguồn sữa của mẹ chưa đáp ứng kịp nhu cầu của trẻ.

Nếu cho trẻ bú khi trẻ có dấu hiệu đói, cơ thể người mẹ sẽ nhận ra sự gia tăng nhu cầu và nó sẽ tạo ra nhiều sữa mẹ hơn. Mẹ sẽ bắt đầu nhận thấy nguồn sữa của mình tăng lên trong vòng một vài ngày.

Làm thế nào để cải thiện gia tăng nguồn sữa mẹ?

Cách tốt nhất để tăng nguồn sữa mẹ là cho con bú thường xuyên hơn. Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất ba tiếng một lần và đúng theo cữ hàng ngày. Quá trình này sẽ kích thích cơ thể bạn sản xuất nhiều sữa hơn. Mẹ cũng có thể thử ép vú trong khi cho trẻ bú, mẹ nên giữ vú giữa ngón cái và các ngón tay, sau đó bóp nhẹ.

Nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi sau đó mới chuyển sang bên kia. Ngoài ra, sau khi trẻ bú xong mẹ có thể dùng máy hút sữa để hút hết lượng sữa trong bầu ngực điều này sẽ kích thích tuyến sữa của mẹ để tạo ra một lượng lớn hơn cho lần bú tiếp theo.

Việc quan tâm chăm sóc cho bản thân trong giai đoạn cho con bú rất quan trọng với người mẹ. Trong giai đoạn này mẹ cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước dành thời gian nghỉ ngơi cũng như ngủ nhiều nhất có thể. Một số bà mẹ còn lựa chọn các sản phẩm lợi sữa để bổ sung.

Tạm kết

Hầu hết các bà mẹ đều có nguồn sữa đủ đáp ứng với nhu cầu của trẻ, có nghĩa là nếu mẹ thường xuyên cho trẻ bú, cơ thể mẹ sẽ sản xuất đủ sữa để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu mẹ có lo lắng, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được tư vấn. Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng nếu nguồn sữa mẹ không đủ cho nhu cầu của trẻ thì mẹ hoàn toàn có thể bổ sung sữa công thức hoặc xin sữa của các bà mẹ khác cho trẻ bú. Và điều cuối cùng ai cũng nên nhớ đó là sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bất kể mẹ cho con bú trực tiếp hoặc vắt sữa cho trẻ bú bình.

Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.

BS. Hoài Thu

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Verywell Family



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY