Những điều cần biết về thiếu máu thiếu sắt và lão hóa

31/12/2022 -  Kiến thức dinh dưỡng

Thiếu máu do thiếu sắt ở người lớn tuổi là tình trạng cơ thể không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh do thiếu sắt. Tình trạng này đang rất phổ biến ở người cao tuổi, với các nguyên nhân có thể do thiếu hụt dinh dưỡng, mất máu, dùng một số loại thuốc và khả năng hấp thụ kém.

Thiếu máu do thiếu sắt ở người cao tuổi | viamclinic.vn

Cơ thể sử dụng sắt để sản xuất các tế bào hồng cầu, vận chuyển oxi đi khắp cơ thể. Nếu không có đủ sắt, cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu khỏe mạnh để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược và khó thở.

Chúng ta thường nhận được sắt từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên, chế độ ăn uống thiếu hụt hoặc cơ thể không thể sử dụng sắt đúng cách có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng này phổ biến ở người lớn tuổi do nhiều yếu tố góp phần có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thu hoặc sử dụng chất sắt trong chế độ ăn uống.

Tại sao thiếu máu do thiếu sắt thường xảy ra ở người lớn tuổi?

Thiếu máu do thiếu sắt tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Nghiên cứu từ năm 2018 cho thấy 12–47% người lớn tuổi sẽ phát triển một số dạng thiếu máu.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy bệnh thiếu máu thường gặp nhất ở người lớn tuổi, có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 17% dân số trên 65 tuổi. Nghiên cứu cũng cho thấy thiếu máu do thiếu sắt đặc biệt chiếm khoảng 1/3 các trường hợp thiếu máu ở người lớn tuổi.

Mặc dù một số trường hợp thiếu máu do thiếu sắt có thể nhẹ, nhưng thiếu máu ở người lớn tuổi có thể gây ra một số hậu quả bất lợi như khiến thời gian nằm viện lâu hơn và thậm chí tử vong. Do đó, các bác sĩ sẽ sàng lọc chẩn đoán và điều trị ngay cả những trường hợp thiếu máu nhẹ.

           Tham khảo thêm: Cách phòng tránh thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ em

Nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng thiếu máu do thiếu sắt

Do chế độ ăn uống

Chế độ ăn ít chất sắt có thể gây ra các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt nếu cơ thể không có đủ sắt để tổng hợp bổ sung các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Những người tuân theo một số chế độ ăn kiêng nhất định, chẳng hạn như người ăn chay trường hoặc những người không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt có thể tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.

Do thiếu vitamin khác

Ngay cả với chế độ ăn giàu sắt, thì khi thiếu các vitamin quan trọng khác bạn vẫn có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. Sự thiếu hụt vitamin B phổ biến là vitamin B12 hoặc vitamin B9 có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt.

Do kém hấp thu

Nếu cơ thể không thể sử dụng sắt đúng cách, ví dụ, do rối loạn tiêu hóa thì ngay cả khi bổ sung nhiều chất sắt cũng có thể không đủ để cân bằng lượng sắt. Do đó, các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt có thể gây thiếu máu do thiếu sắt.

Do Erythropoietin thấp

Erythropoietin (EPO) là một loại hormone do thận sản xuất, giúp kích thích sản xuất và sửa chữa hồng cầu. Các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến mức EPO cũng có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Các bệnh về thận và các rối loạn liên quan đến nội tiết tố có thể làm hảnh hưởng đến mức EPO.

Do chảy máu

Chảy máu có thể khiến bạn bị thiếu máu. Chảy máu bên ngoài có thể xảy ra khi da lão hóa và trở nên mỏng hơn, khiến vết cắt và vết trầy xước dễ xảy ra hơn. Những vết cắt và vết trầy xước này cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để chữa lành.

Các tình trạng gây chảy máu trong như loét hoặc các vấn đề ở dạ dày hoặc ruột, có thể làm giảm số lượng hồng cầu trong cơ thể và dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Chấn thương đôi khi cũng có thể gây chảy máu trong dẫn đến mất máu.

Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài. Những người đang nằm viện và cần xét nghiệm máu thường xuyên cũng có nguy cơ bị thiếu máu

Nhìn chung, chảy máu có thể là một yếu tố góp phần làm mất máu và thiếu máu ở nhiều người. Nghiên cứu từ năm 2018 lưu ý rằng chảy máu do thuốc và các bệnh lý nền là nguyên nhân thường gặp nhất gây thiếu máu do thiếu sắt ở người lớn tuổi.

Do thuốc

Một số loại thuốc có thể làm thay đổi số lượng hồng cầu. Các loại thuốc ảnh hưởng đến thận hoặc nội tiết tố có thể gây mất cân bằng trong các hợp chất chính và làm giảm khả năng tạo hồng cầu.

Các loại thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ tiêu hóa có thể khiến cơ thể khó xử lý sắt hoặc các vitamin quan trọng khác như vitamin B. Một số loại thuốc, kể cả thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng đến tủy xương, nơi chịu trách nhiệm tạo ra các tế bào hồng cầu, có thể thay đổi cách cơ thể tạo ra hoặc sử dụng hồng cầu.

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung bất kì loại thuốc nào.

Do nhiễm H.pylori

Một số bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng sắt. Nghiên cứu từ năm 2019 lưu ý rằng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori phổ biến ở những người già, ảnh hưởng đến 50% những người trên 60 tuổi. Các biến chứng do nhiễm H. pylori có thể bao gồm thiếu máu.

Bệnh mạn tính

Các bệnh mạn tính có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến hồng cầu hoặc các hệ thống khác liên quan đến việc tạo hoặc sử dụng hồng cầu. Một số ví dụ bao gồm:

  • Ung nhọt
  • Các vấn đề trong ruột hoặc dạ dày
  • Bệnh ung thư
  • Bệnh gan
  • Bệnh thận

Do viêm

Người cao tuổi thường hay có tình trạng viêm mạn tính. Tùy thuộc vào loại và khu vực viêm, nó có thể ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể trong đó có chức năng tạo hồng cầu. Những người bị tình trạng viêm mạn tính kéo dài nên được thăm khám và nghe tư vấn của bác sĩ.

Triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt

Các triệu chứng thiếu máu khác nhau giữa các cá nhân, nhưng một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Loạn nhịp tim
  • Khó thở
  • Nhức đầu
  • Đau ngực
  • Da xanh, nhợt nhạt

Chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu sắt ở người cao tuổi | viamclinic.vn

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán thiếu máu bằng xét nghiệm máu. Xét nghiệm công thức máu toàn phần có thể giúp đo các loại tế bào máu và các thành phần khác của máu, như huyết sắc tố, một loại protein vận chuyển oxy. Số lượng huyết sắc tố thấp có thể cho thấy số lượng hồng cầu thấp và thiếu máu. Các bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm để đo mức hematocrit. Mức hematocrit là tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong máu đánh giá bệnh thiếu máu.

Ngoài xét nghiệm máu, các bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra các yếu tố khác liên quan đến thiếu máu. Xét nghiệm protein phản ứng C để tìm dấu hiệu viêm hoặc số lượng hồng cầu lưới để đánh giá quá trình sản xuất tủy xương. Ngoài ra, có thể kiểm tra:

  • Lượng vitamin B
  • Chức năng thận
  • Bất thường ở đường tiêu hóa
  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân không
  • Có nhiễm H.pylori không

Điều trị

Các bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp khác nhau để điều trị bệnh thiếu máu tùy thuộc vào nguyên và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Việc điều trị có thể khác nhau trong từng trường hợp theo nguyên nhân

Bác sĩ có thể cho bạn dùng chất sắt bổ sung, dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc bổ sung trong chế độ ăn uống để tăng lượng sắt cho cơ thể cũng như điều trị các vấn đề sức khỏe gây thiếu máu

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng các loại thuốc bạn dùng có thể gây thiếu máu thì bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc thay thế hoặc đề xuất những cách khác để kiểm soát bệnh thiếu máu cho đến khi bạn có thể bỏ thuốc.

Lời khuyên cho người bị thiếu máu thiếu sắt

Một người bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ cần đảm bảo rằng họ có đủ chất sắt và các chất dinh dưỡng quan trọng khác trong chế độ ăn uống. Khi thiếu máu do thiếu sắt bạn nên:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, như rau lá xanh đậm, các sản phẩm từ thịt và đậu
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C và vitamin B9 và B12 để giúp cải thiện sự hấp thụ sắt
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt, như sữa hoặc thực phẩm giàu axit phytic
  • Uống thực phẩm bổ sung sắt để giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi nào cần sự tư vấn của bác sĩ? | viamclinic.vn

Bất kỳ người lớn tuổi nào đang gặp phải các triệu chứng là dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt, như mệt mỏi và khó thở, nên cân nhắc liên hệ với bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Những người mắc các bệnh lý nền có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để cải thiện tình trạng này.

Xem thêm video hấp dẫn:

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc nhắn tin tới Fanpage.

BS. Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Medical News Today



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY