Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ. Một câu nói đã quá quen thuộc. Vậy tại sao việc giảm cân của trẻ em lại cứ bắt buộc phải giống người lớn?
Trẻ em có bụ bẫm một tí thì ai trông cũng thích. Ăn tốt thì bố mẹ càng nhàn. Nhưng sự bụ bẫm trong nhiều năm cũng sẽ không phải là điều hay cho đến khi các bậc phụ huynh phát hiện ra rằng cân nặng của con đã vượt mức cho phép. Trong tình huống này mọi biện pháp giảm cân được áp dụng, trong đó có cả những biện pháp giảm cân của người lớn. Vậy có nên áp dụng hay không? Hãy trang bị cho mình thêm kiến thức để đồng hành giảm cân cùng con.
Cách để biết trẻ thừa cân mức độ nào?
Như nhiều bà mẹ thông thái đã biết, để xem con mình thừa cân ở mức độ nào, đã có bảng chuẩn tăng trưởng cân nặng và chiều cao của tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng các bậc phụ huynh cũng nên để ý thêm đến bảng cân nặng theo chiều cao và bảng chỉ số BMI. Tại sao hai chỉ số này được nhắc đến ở đây?
Cân nặng theo chiều cao sẽ giúp các mẹ định hình được sự phát triển toàn diện của trẻ. Cân nặng phải tương xứng với chiều cao. Đó là yếu tố hình thành nên nguyên tắc giảm cân ở trẻ em: duy trì cân nặng, thúc đẩy chiều cao để BMI về hợp lý.
BMI hay còn gọi chỉ số khối cơ thể, được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Thế nhưng, ở trẻ em chỉ số này sẽ được so với chuẩn BMI zscore của WHO, chứ không tuân theo phân loại thừa cân béo phì của người trưởng thành. Đây chính là lý do vì sao một số bậc phụ huynh vẫn cứ nhầm tưởng con mình tuy cân nặng có nhiều nhưng chưa đến mức thừa cân béo phì.
Cắt giảm tinh bột có phù hợp với trẻ giảm cân không?
Các chế độ ăn cắt giảm tinh bột vẫn phù hợp được với trẻ em. Tuy nhiên không nên cắt giảm hoàn toàn, vì tinh bột vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Đối với trẻ dưới 16 tuổi thừa cân, béo phì, khi bắt đầu giảm cân nên giảm đi 20% lượng tinh bột ăn vào so với trước đây. Ví dụ, trước trẻ ăn hai bát cơm đầy thì nên giảm xuống thành 2 bát cơm vơi. Sau khi trẻ đã quen dần với lượng ăn đó thì chúng ta sẽ giảm tiếp thêm 10-15% nữa.
Trẻ trên 16 tuổi, có thể cắt giảm 30% lượng tinh bột ăn vào so với trước đây. Lý do chính có thể cắt giảm lượng tinh bột là do so với những trẻ bình thường, trẻ thừa cân béo phì thường có lượng ăn nhiều hơn, nên mức cắt giảm ở đây chỉ nhằm mục đích đưa chế độ ăn của trẻ về đúng với lượng khuyến nghị.
Trẻ giảm cân có nên uống sữa?
Một nguyên tắc quan trọng của giảm cân trẻ em đó là phải tăng chiều cao tối ưu và giữ nguyên cân nặng. Sữa là một phần không thể thiếu để có xương chắc khỏe từ đó có tiền đề để phát triển chiều cao những cũng có thể là một loại thực phẩm bổ béo góp phần tăng cân. Vậy trẻ giảm cân có nên uống sữa? Có chứ nhưng phải chọn đúng loại sữa. Hãy sử dụng loại sữa tươi thanh trùng không đường hoặc các loại sữa ít ngọt. Không nhất thiết phải chọn loại tách béo hay còn gọi là sữa gầy, nếu lo sợ chứa nhiều calo bạn có thể chọn loại sữa ít béo. Lưu ý những loại sữa hạt bao gồm cả sữa đậu nành bản chất không phải là sữa và không cung cấp nhiều canxi, nhưng vẫn là một loại sữa tốt. Cuối cùng, cần phải lưu ý là do sữa cũng cung cấp một lượng năng lượng đáng kể, nên chú ý không nên uống sữa thay nước cho dù là loại ít đường hay tách béo. Trẻ từ 6 tuổi trở lên tối đa 200ml sữa một ngày.
Lượng thịt cá nên như thế nào khi giảm cân cho trẻ?
Thông thường nếu cắt giảm tinh bột nhiều thì người ta sẽ khuyến nghị nên tăng thêm lượng protein. Thế nhưng vốn dĩ trẻ em thừa cân lại ăn rất ngon miệng và ăn lượng thức ăn cũng không phải là ít so với trẻ bình thường. Chính vì thế các chuyên gia sẽ khuyên các bậc phụ huynh nên giữ đúng lượng thức ăn đang cho trẻ ăn hiện tại và giảm các đồ tinh bột như cơm, bánh mì trắng, bánh ngọt….
Hoa quả ngọt và giảm cân ở trẻ em?
Đã đến lúc phải xem xét rõ ràng hoa quả ngọt là những loại gì? Về mặt lý thuyết gần như hoa quả nào cũng có đường vì thế chúng ta chỉ nên lựa chọn hoa quả ít ngọt cho trẻ em. Một số loại hoa quả ít ngọt nên sử dụng là dưa chuột, củ đậu, ổi, thanh long và giới hạn ăn một ngày đối với những loại này cũng chỉ khoảng 200g. Nếu ăn mãi cũng chán, các bậc phụ huynh có thể đổi sang các loại hoa quả khác nhưng chỉ nên ăn không quá 100g một ngày.
Cân nặng giảm thế nào là hợp lý?
Như đã đề cập trẻ dưới 16 tuổi quan trọng nhất là việc giữ cân hoặc tăng cân rất chậm và phải phát triển chiều cao tối ưu hơn. Tuy nhiên trong những trường hợp trẻ béo phì mức độ nặng, đã xuất hiện những biến chứng do béo phì như tiểu đường, mỡ máu… thì buộc phải giảm cân. Mức cân giảm hợp lý là từ 0.5-1kg/tháng, nếu giảm nhanh hơn phải có sự theo dõi sát sao của các bác sỹ.
Có nhất thiết phải tập gym đối với trẻ giảm cân?
Gym là một bộ môn tập luyện tốt cho sức khỏe kể cả trẻ em và người lớn. Nhưng đối với trẻ em và nhất là trẻ thừa cân béo phì việc tập luyện không nhất thiết là phải đến phòng tập mà hãy tận dụng những giờ giải lao nô đùa ở trường ở nhà. Việc trẻ em chạy chơi hàng ngày ít nhất một tiếng cũng góp phần tiêu hao năng lượng cho trẻ, giúp trẻ linh hoạt hơn so với việc chơi các hoạt động tĩnh như ghép tranh, đọc sách, đọc truyện, chơi game hoặc xem video. Ngoài ra để kích thích trẻ năng động hơn, bố mẹ có thể đăng ký cho trẻ học các lớp nhảy, múa, hoặc cho trẻ chơi các bộ môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội… Vừa vui khỏe vừa có ích. Vậy nếu như bạn còn đang lăn tăn không biết có nên đăng ký cho trẻ đi tập gym hay không thì ít nhất hãy thử với những lời khuyên như trên trước đã.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Giảm béo phì ở trẻ em bằng Sôcôla!
Nếu con bạn đang trong tình trạng thừa cân so với chuẩn, hãy liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM qua Hotline 0935.18.3939 để được tư vấn Gói khám Giảm cân cho Trẻ em để điều chỉnh cân nặng của con về mức bình thường nhé!
ThS. BS Đào Thị Ngọc – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM