Nước hầm xương từ xưa tới nay đã là một trong những phương thức nấu ăn chủ đạo của người Châu Á và hiện đã lan rộng xu hướng này sang cả các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Nước hầm xương không chỉ ngon mà còn đa năng. Bạn có thể dùng nước hầm xương để nấu nhiều món ngon khác nhau. Nước hầm xương cũng mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định cho bạn, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!
Nước hầm xương là một loại súp/canh được làm bằng cách đun sôi xương động vật và các thành phần khác cho đến khi ngấm tủy và các chất dinh dưỡng khác trong xương vào nước hầm. Đôi khi, thịt cũng được đun cùng xương, cùng với các thành phần như gia vị, cà chua, tỏi hoặc rau củ để tăng thêm hương vị.
Có 1 danh sách dài các lợi ích sức khỏe được quảng cáo liên quan đến nước hầm xương, nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích thực sự của nước hầm xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng không phải tất cả các loại nước hầm xương đều được tạo ra như nhau. Nước hầm xương tự làm tại nhà là chuẩn và đáng tin cậy nhất, nhưng ngay cả chất lượng dinh dưỡng của chúng cũng khác nhau tùy theo từng mẻ.
Dù nước hầm xương rất thơm ngon và có thể được dùng để chế biến nhiều món ăn, nhưng nó cũng không quá quan trọng đối với một chế độ ăn uống lành mạnh. Do đó, nếu bạn có thời gian và yêu thích hương vị của nước hầm xương, bạn có thể tự làm ở nhà. Nhưng nếu bạn quá bận rộn và không quá yêu thích món canh này, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó.
Contents
Lợi ích của nước hầm xương
Nước hầm xương chứa một số khoáng chất và chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể chúng ta. Chẳng hạn collagen là một loại protein quan trọng có trong xương động vật. Collagen khi được hấp thu vào trong cơ thể sẽ được phân giải thành các acid amin có lợi cho sức khỏe.
Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm về lợi ích sức khỏe của nước hầm xương, nhưng nó vẫn có một số lợi ích nhất định, bao gồm:
Cải thiện sức khỏe đường ruột
Nước hầm xương có khả năng chữa lành đường ruột và đặc tính chống tiêu chảy. Lớp niêm mạc đường tiêu hóa của chúng ta sẽ mỏng đi theo thời gian. Có một số bằng chứng cho thấy việc tăng cường sản xuất collagen giúp phục hồi lớp niêm mạc đó. Và một nghiên cứu (không phải trên người) vào năm 2021 đã phát hiện ra rằng, đặc tính chống viêm của nước hầm xương có thể làm giảm tổn thương đường ruột do viêm loét đại tràng.
Giảm đau khớp
Chúng ta đều biết rằng khi chúng ta già đi, các khớp của chúng ta mất đi độ đàn hồi và dẫn đến các vấn đề như viêm xương khớp. Tăng cường collagen (một trong những protein chính trong cơ thể chúng ta) có thể giúp giảm đau khớp bằng cách bảo vệ gân và dây chằng của bạn. Khi nấu nước hầm xương, collagen trong xương động vật sẽ phân hủy để tạo thành gelatin, sau đó được hấp thu vào cơ thể. Trong món canh hầm này cũng có các axit amin có thể hỗ trợ sức khỏe khớp.
Duy trì xương và cơ chắc khỏe
Collagen là một trong những thành phần chính của cả xương và cơ. Vì vậy, khi chúng ta mất collagen, cả xương và cơ đều có thể yếu đi và làm tăng nguy cơ loãng xương và teo cơ.
Nước hầm xương giàu collagen cũng là nguồn axit amin tốt, dễ hấp thụ trong nước hầm và có thể giúp xây dựng các mô, cơ và xương.
Các chất điện giải như canxi, kali, natri và magiê cũng có trong nước hầm xương, những chất này giúp điều chỉnh chức năng thần kinh và cơ, thậm chí ngăn ngừa chuột rút.
Đọc thêm tại bài viết: 4 lơi ích khi dùng nước hầm xương thường xuyên
Giảm căng thẳng
Collagen chứa một loại axit amin gọi là glycine giúp ức chế căng thẳng, tăng cường sự minh mẫn của tinh thần và thúc đẩy giấc ngủ ngon. Ngoài ra, uống nước ấm hay 1 bát canh ấm cũng có tác dụng làm dịu căng thẳng.
Thúc đẩy làn da khỏe mạnh
Collagen từ lâu đã được coi là một cách tự nhiên để tăng cường độ đàn hồi của da, làm giảm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và da nhăn nheo.
Giá trị dinh dưỡng
Yếu tố lớn nhất khiến nước hầm xương có nhiều lợi ích là lượng chất dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào trong xương. Tuy nhiên, cùng cần lưu ý là hàm lượng dinh dưỡng trong nước hầm xương sẽ phụ thuộc vào loại xương động vật mà bạn sử dụng.
Nhìn chung, một cốc nước hầm xương (khoảng 240 ml) bao gồm:
- Calo: 50 calo
- Chất béo: 0,5 gam
- Protein: 9 gam
- Carbohydrate: 5 gam
- Kali: 280 miligam
- Natri 450 miligram
Nước hầm xương nấu như nào?
Nước hầm xương sử dụng thịt, xương, nước, gia vị và một số loại rau củ giúp nước hầm có thêm hương vị đậm đà. Hầu hết các loại nước hầm đều sử dụng thịt lợn, thịt bò, thịt gà hoặc cá làm nguyên liệu chính, đối với người ăn chay cũng có thể thử nước hầm từ các loại rau củ quả.
Món nước hầm nói chung rất đơn giản khi làm tại nhà. Bạn chỉ cần cho các nguyên liệu vào nồi và đun nhỏ lửa. Nói chung, sẽ mất khoảng hai đến ba giờ nấu trên bếp để cho ra được một loại nước hầm ngon, lưu ý là thời gian hầm sẽ ít hơn nếu bạn sử dụng nồi áp suất.
Đối với nước hầm xương sử dụng các thành phần từ xương động vật, thời gian để hầm sẽ nhiều hơn. Nước hầm xương nên ninh trong tối thiểu sáu giờ và nước hầm xương chất lượng cao hơn có thể sẽ cần phải ninh tới hơn 24 giờ. Thời gian ninh dài giúp lấy được hết các chất dinh dưỡng ra khỏi xương, làm cho nước hầm đặc hơn, ngon hơn và dẻo hơn nước hầm thông thường. Bạn cũng có thể thêm một số loại thảo mộc và gia vị vào nước hầm xương tùy theo khẩu vị.
Thời gian ninh lâu cũng giúp lấy được nhiều lượng collagen trong xương hơn.
Nếu bạn không thể tự làm nước hầm xương tại nhà, vậy làm sao bạn biết được mình đang mua nước hầm xương chất lượng cao ở cửa hàng? Câu trả lời là khi được làm lạnh, nước hầm xương chất lượng sẽ có kết cấu giống như gel. Đó là cách bạn biết có collagen, axit amin và các chất dinh dưỡng khác trong nước hầm xương.
Đọc thêm tại bài viết: Nên hầm xương trong bao lâu để tốt cho sức khỏe
Tác dụng phụ của nước hầm xương
Do hàm lượng kali, natri, protein cao trong nước hầm xương, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi tiêu thụ nếu bạn bị bệnh thận hoặc bạn định dùng nước hầm xương cho con vì trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh.
Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cung cấp dịch vụ khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, phụ mang thai,… Liên hệ ngay hotline 0935.18.3939 / 024.3633.5678 hoặc truy cập viamclinic.vn để đặt lịch ngay!
Bs. Đoàn Thu Hồng – Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM