Thực phẩm nên ăn khi bạn bị viêm khớp

19/08/2023 -  Kiến thức dinh dưỡng

Thật không may, không có loại thuốc thần kỳ nào có thể điều trị dứt điểm bệnh viêm khớp. Nhưng nếu bạn mắc bệnh này, bạn có thể làm thuyên giảm một số triệu chứng bằng cách thay đổi những gì bạn ăn. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh viêm khớp, cũng như những thực phẩm tốt nhất với người bị đau khớp, cứng khớp và sưng tấy.

Viêm khớp là gì?

Theo Mayo Clinic, có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, nhưng mỗi loại được đánh dấu bằng tình trạng viêm mạn tính ở các khớp có thể gây sưng và đau. Viêm cấp tính là một phản ứng lành mạnh giúp bảo vệ cơ thể. Sốt, giúp bạn chống lại nhiễm trùng và sốt là một ví dụ của viêm cấp tính. Tình trạng viêm nhiễm này sẽ biến mất khi mối đe dọa đối với cơ thể không còn nữa.

Viêm mạn tính là phản ứng diễn ra kéo dài, lặp đi lặp lại, có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như: bệnh tim, tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa. Viêm xảy ra vì những lý do khác nhau trên các loại khớp khác nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), trong viêm xương khớp, tình trạng viêm phổ biến nhất là do hao mòn khớp. Mặt khác, viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch, do đó, tình trạng viêm xảy ra do cơ thể tấn công nhầm các khớp.

Giảm bớt phản ứng viêm có thể giúp kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khó chịu khác của bệnh viêm khớp. Chế độ ăn của bạn cũng có liên quan đến tình trạng viêm vì một số loại thực phẩm có thể làm tăng hoặc giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Căn nguyên của bệnh lý viêm khớp là tình trạng viêm mạn tính không được kiểm soát. Chế độ ăn uống hoàn toàn có thể tác động đến bệnh viêm khớp bằng cách làm trầm trọng thêm hoặc làm dịu các triệu chứng của bệnh.

Đọc thêm bài viết: Người bị loãng xương nên ăn gì và tránh ăn gì?

Thực phẩm nên hạn chế hoặc tránh khi bị viêm khớp

Các loại thực phẩm sau đây có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm:

1. Đường

Đường được đề cập đến ở đây là đường bổ sung, là đường được thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến, phổ biến trong đồ uống có đường như soda và đồ ăn nhẹ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bạn nên giới hạn lượng đường bổ sung ở mức 6 thìa cà phê (khoảng 25 gam) mỗi ngày đối với phụ nữ và trẻ em, đồng thời không quá 9 thìa cà phê (khoảng 38 gam) mỗi ngày đối với nam giới.

2. Chất béo bão hòa

Hạn chế lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống của bạn có nghĩa là ăn ít thịt đỏ, sữa nguyên kem, bơ và pho mát. Nghiên cứu chỉ ra rằng giảm chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống và thay thế chúng bằng chất béo không bão hòa đơn như các loại hạt, bơ và dầu thực vật có thể giúp giảm sự tiến triển của viêm xương khớp gối​.

3. Chất béo chuyển hóa

Đây là những chất béo nhân tạo mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA đã cấm sử dụng như một thành phần trong thực phẩm vào năm 2015. Tuy nhiên, chúng vẫn được tìm thấy với một lượng rất nhỏ trong thực phẩm nướng đã qua chế biến và thực phẩm ổn định có hạn sử dụng đã được “hydro hóa một phần” trong danh sách thành phần.

4. Axit béo Omega-6

Bản thân omega 6 không xấu, nhưng vấn đề sẽ xảy ra khi tỷ lệ omega-6 so với omega-3 bị giảm. Mục tiêu của chúng ta là kiểm soát tỷ lệ này, nghĩa là giảm lượng axit béo omega-6 và tăng lượng omega-3 hơn để giúp giảm tình trạng đau liên quan đến viêm khớp. Bạn nên cố gắng tránh xa các loại thịt đã qua chế biến và thay vào đó chọn hải sản và thịt nạc hơn từ động vật ăn cỏ. Để đạt được điều đó bạn nên ăn cá béo từ từ 2 – 4 lần một tuần, mỗi lần nên ăn từ 85 – 170g. Bạn nên chọn các loại cá có hàm lượng thủy ngân tương đối thấp như cá hồi, cá mòi, cá thu và cá tuyết đen.

5. Gluten và Casein

Gluten là loại protein có trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, trong khi casein là loại protein có trong thực phẩm từ sữa. Nếu bạn nhạy cảm với một trong hai protein này, điều này có thể gây ra phản ứng viêm. Mối liên hệ giữa gluten và casein với viêm không hoàn toàn rõ ràng, nhưng một số người bị viêm khớp dạng thấp đã thuyên giảm tình trạng viêm bằng cách tuân thủ chế độ ăn thuần chay không chứa gluten.

Khi bạn thực hiện chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật, bạn sẽ cắt giảm các sản phẩm từ động vật như sữa và thịt. Nhờ vậy mà bạn có thể loại bỏ hầu hết các loại thực phẩm gây viêm, giúp kiểm soát các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Ngược lại, chế độ ăn nhiều sản phẩm động vật và ít chất xơ có thể làm trầm trọng thêm bệnh viêm khớp của bạn hoặc gây ra nhiều đợt bùng phát hơn.

Đọc thêm bài viết: Thực phẩm giúp xương chắc khỏe

Ăn gì khi bị viêm khớp?

Một chế độ ăn kiêng tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng viêm khớp thường bao gồm các loại thực phẩm có thể giúp giảm viêm. Nhưng không có một lựa chọn hay chế độ nào có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người mà sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, người bệnh cụ thể. Dưới đây là một số loại thực phẩm có thể tốt trong việc ngăn ngừa tình trạng viêm như viêm khớp.

1. Trái cây và rau củ

Trái cây và rau quả được khuyên dùng để có sức khỏe tốt, nhưng vai trò của chúng trong việc giúp giảm đau do viêm khớp nằm ở các hợp chất đặc biệt gọi là hóa chất thực vật, chất chống oxi hóa chống viêm. Các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung các loại trái cây như lựu, quả việt quất, quả mâm xôi và dâu tây, vì chúng là nguồn giàu chất polyphenol bao gồm: anthocyanin, quercetin và nhiều loại axit phenolic khác nhau. Tất cả những hợp chất này đều được biết đến rộng rãi vì tác dụng chống viêm mạnh.

2. Các loại thảo mộc và gia vị

Các loại thảo mộc và gia vị cũng là nguồn thực phẩm tốt để chống viêm. Rau mùi , húng quế, củ gừng, quế và nghệ là một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và chống viêm tốt nhất hiện có. Vi vậy, mọi người có thể kết hợp những rau gia vị này trong hầu hết các bữa ăn. Nghiên cứu trên 26 loại gia vị khác nhau thấy rằng quế có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất, vậy nên bạn có thể bắt đầu với loại gia vị này.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, mật ong có khả năng giúp giảm các triệu chứng viêm khớp, mặc dù chưa có đủ nghiên cứu để khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên mật ong chứa nhiều đường và calo, vì vậy tốt hơn hết bạn nên kết hợp với các loại thực phẩm chống viêm khác giàu chất dinh dưỡng hơn.

3. Axit béo Omega-3

Những axit béo đặc biệt này được tìm thấy chủ yếu trong cá, nhưng bạn cũng có thể tìm thấy chúng trong quả óc chó, hạt lanh và hạt chia. Chuyên gia gọi omega 3 là “chất béo thân thiện với khớp” và các nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ chất béo omega-3 làm giảm mức độ của hai loại protein gây viêm là protein phản ứng C và interleukin-6. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghiên cứu này được chứng minh ở những người mắc bệnh khá nghiêm trọng, vì vậy nghiên cứu có thể không áp dụng cho những người bị viêm khớp nhẹ.

4. Dầu ô liu

Dầu ô liu là một thành phần chính của chế độ ăn Địa Trung Hải bên cạnh việc tăng cường trái cây và rau, cá, các loại đậu và hạt. Dầu ô liu là một chất béo không bão hòa đơn và các nhà nghiên cứu tin rằng đó là một trong những lý do tại sao chế độ ăn Địa Trung Hải tốt cho việc giảm viêm. Nghiên cứu năm 2019 cho thấy dầu ô liu đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe đường ruột và cũng giúp giảm viêm nhiễm trong cơ thể.

Kiểm soát bệnh viêm khớp của bạn bằng chế độ ăn uống

Nếu bệnh viêm khớp khiến bạn bối rối không biết nên ăn loại thực phẩm nào, đừng để điều đó làm bạn lo lắng. Một chế độ ăn uống chống viêm có thể an toàn đối với bất kỳ loại viêm khớp nào. Nếu bạn bị dị ứng thực phẩm hoặc muốn xác nhận tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp có thể làm trầm trọng thêm cơn đau viêm khớp của bạn thì bạn nên đi khám. Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn đánh giá chế độ ăn uống hiện tại của mình, loại bỏ những thực phẩm không tốt khỏi chế độ ăn uống và thêm vào những thực phẩm có thể giúp giảm đau.

Hãy đến với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Đặt lịch khám TẠI ĐÂY hoặc liên hệ Hotline: 0935.18.3939 / 024.3633.5678

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu – Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM

Theo Livestrong



| Bình luận

Khách hàng đánh giá

4.8

  • Đặt lịch khám ngay

  • Date Format: DD slash MM slash YYYY